Thư gửi robot Citizen: Chuyện bỏ loa phường
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Khi viết lá thư này gửi cô, thì Thủ đô chúng tôi tiếp tục hỏi ý kiến dân về việc bỏ loa phường trên đường phố. Việc lấy ý kiến được thực hiện trên Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội sẽ kết thúc vào ngày 25/10 tới, rồi Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ báo cáo Thành phố phương án trong thời gian tiếp theo.
Chuyện này vốn đã bàn và làm vài năm nay rồi, từ khi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì đề xuất bỏ.
Sau đó Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức lấy ý kiến người dân về loa phường thì có đến gần 90% người dân khẳng định hệ thống loa phường không cần thiết nữa, chưa đầy 4% ý kiến cho rằng cần thiết duy trì, còn hơn 6% ý kiến cho rằng phải đổi mới. Và loa phường mới chỉ “đổi mới” chứ chưa hoặc có thể không bỏ.
Sophia thân mến!
“Loa phường” là một trong những cách chúng tôi truyền tin bắt đầu cách đây hơn nửa thế kỷ. Thời buổi 4.0 báo chí đã có thể dùng người máy với trí tuệ nhân tạo truyền tin cho độc giả, thì đây quả là một câu chuyện rất dài để nói với cô.
Xa xưa, bắt đầu từ thời các làng xã sử dụng mõ làng chuyên gõ mõ và thông báo theo chỉ thị của các chức sắc, gọi dân làng đến tề tựu ở sân đình để nghe những tin tức mới xảy ra trong làng. Thời xưa, vua Lê Thánh Tông đã từng làm một bài thơ khen vai trò của anh mõ làng: “Mõ này cả tiếng lại dài hơi... Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi”.
Hết thời phong kiến, chúng tôi dùng tiếng kẻng thông báo hội họp, tiếng loa truyền thanh treo trên từng cột điện đầu phố hay cây cao giữa làng. Rồi tới thời đại bùng nổ thông tin, báo chí mở rộng, báo in, báo điện tử. Rồi thế giới chứng kiến sự phát triển với tốc độ chóng mặt của mạng xã hội vốn có tính năng không khác gì ấn phẩm báo chí đích thực, có khả năng tiếp cận mọi người rất nhanh nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. Chuyện có thật là có một vụ cháy hay động đất mà cư dân lại nhận được tin báo qua... group Facebook nhanh hơn cả chuông báo động.
Ngay báo chí hiện đại cũng thay đổi khi phải đối diện với sự cạnh tranh từ mạng xã hội, đặc biệt là về hiệu ứng lan truyền thông tin. Và bây giờ người ta nói về báo chí thời 4.0 với những yếu tố cốt lõi như Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối Internet (Interrnet of Things - IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data).
Cách truyền tin đã thay đổi chóng mặt, loa phường đã trở nên lạc điệu giữa phố phường với vô vàn cách kết nối, truyền tin hiệu quả. Loa phường không những giảm công dụng, mà còn mất thiện cảm với người dân.
Nên để loa phường tồn tại hay không tồn tại? Câu trả lời nằm ở phía người dân cùng những nỗ lực tạo ra các lựa chọn của các cơ quan quản lý.
Còn muốn lưu giữ vai trò của nó, có thể ghi danh trong sách giáo khoa, những chương trình giáo dục ngoại khóa cho học sinh hoặc sắp đặt trên các tuyến phố du lịch, trong các cuộc trưng bày như chuyên đề về thời bao cấp. Hãy cho loa phường nghỉ ngơi như cách người ta đưa đĩa mềm, băng cassette, đĩa CD, ti vi đen - trắng... vốn là những phát minh công nghệ lớn của loài người vào các viện bảo tàng.
Thật khó để loa phường “Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi” trên phố vốn đang hối hả chen chúc với tốc độ 4.0 được, đúng không Sophia?
Thảo Nhi