Thư gửi robot Citizen: Chỉ có nhờ sự chia sẻ
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyền đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Là người máy, nhưng chắc Sophia cũng rất hiểu được rằng, máu có một vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống của một con người. Bình thường, khi chúng ta còn khỏe mạnh thì đôi khi cũng không quan tâm lắm đến máu. Thế nhưng, đến lúc gặp những tai nạn bất ngờ hoặc là bị những căn bệnh hiểm nghèo, thì mới thực sự hiểu ra rằng, sự sống mong manh đến chừng nào nếu không đủ máu.
Mấy năm trước đây, mẹ tôi mắc bệnh liên quan đến tiểu cầu, phải vào viện huyết học điều trị. Thời gian vào chăm mẹ tôi tại đây, tôi gặp được rất nhiều cảnh ngộ đáng thương, nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo.
Có một bệnh nhân nam quê ở Nghệ An, tôi hay gặp vào buổi sáng, sau giờ bác sĩ vào thăm khám. Ngồi trà chén hỏi chuyện nhau, tôi được biết rằng gia đình ông rất khó khăn, bản thân ông đang mắc căn bệnh về máu phải lọc và thay định kỳ.
Ông kể rằng bệnh này ngoài chuyện phải vất vả lo kiếm tiền đủ cho một đợt điều trị, gia đình ông còn phải đối mặt với vấn đề khác. Đó là ngẫu nhiên có những đợt nhóm máu phù hợp với ông lại hết, phải chờ đợi. Những lúc được thông báo như thế, cả nhà ông như ngồi trên đống lửa. Người vợ chăm chồng đến bữa không ăn được cơm, chỉ nhăm nhăm chờ thông báo của viện.
Ông ngậm ngùi nói với tôi rằng, bệnh này giống như “quả bom hẹn giờ”, người bệnh muốn kéo dài được thời gian sống, ngoài chuyện tiền bạc thì còn phải có máu để truyền. Mà máu thì chỉ có thể trông cậy vào nghĩa cử hiến tặng của mọi người chứ ngoài cơ thể con người ra làm gì có nơi nào sản xuất được máu?
Đây là câu nói mà tôi nhớ mãi. Đúng là máu thì chỉ có nhờ sự chia sẻ, nhờ sự hiến tặng.
Cách đây một vài tháng, cô bạn đồng ngũ với tôi cũng gặp một hoàn cảnh như thế. Bố cô bị chảy máu dạ dày, khi đưa vào cấp cứu, bệnh viện cần phải tiếp máu cho ông đủ để phục hồi qua cơn nguy kịch rồi mới tiến hành các việc tiếp theo. Mặc dù cả gia đình bên nội và bên ngoại rất đông người nhưng không ai có nhóm máu phù hợp.
Rất vất vả, cả gia đình mới tìm được ba người bạn tình nguyện, có đủ điều kiện và nhóm máu phù hợp, ngay trong đêm đã cùng xe cứu thương về Hà Nội kịp thời cứu ông qua cơn nguy cấp.
Cô bạn tôi kể rằng cái khoảnh khắc cố gắng giành lại sự sống cho bố đó, cả nhà cực kỳ căng thẳng, lúc đó có rất nhiều tiền cũng chịu. Khi được tiếp máu rồi, bác sĩ thông báo rằng ông đã qua cơn nguy thì ai cũng rơm rớm nước mắt. Cái nghĩa cử hiến máu của những người tình nguyện, cô bạn tôi nói rằng, có đến chết cũng không bao giờ quên được.
Ngay như mẹ tôi, mặc dù gia đình tôi cũng đưa bà vào điều trị kịp thời tại bệnh viện chuyên ngành, nhưng nếu không nhờ có những giọt máu hồng tình nguyện phù hợp thì mẹ tôi cũng khó thoát qua cơn nguy kịch để bây giờ vẫn được mạnh khỏe. Cái ngày được xuất viện, mẹ tôi cứ ôm cô bác sĩ và khóc, bà nghẹn ngào không nói lên lời.
Sophia biết không? Ở Việt Nam chúng tôi hiện nay, phong trào hiến máu đã có những bước phát triển mạnh mẽ, lượng máu tiếp nhận dần dần đã đáp ứng được nhu cầu cấp cứu và điều trị. Lần đầu tiên chúng tôi có chương trình Hành trình đỏ được tổ chức trong thời gian dài nhất, 50 ngày, diễn ra ở 39 tỉnh, thành phố, tiếp nhận được hơn 85.000 đơn vị máu, đảm bảo nguồn máu cho cấp cứu và điều trị dịp Hè.
Từ câu chuyện của gia đình tôi và những người bạn, tôi thấy câu “Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại” rất đúng, rất đáng để cho mọi người suy nghĩ và nhận thức đúng về giá trị cũng như ý nghĩa cao đẹp của nghĩa cử này.
Đăng ký tình nguyện hiến máu là một việc đáng làm, nên làm và rất cần sự vận động, tuyên truyền, chung tay của cả cộng đồng. Bởi vì máu là một “sản phẩm đặc biệt” cho nên những việc làm như hiến máu nhân đạo hay hiến máu tình nguyện cũng đều là những hành động “đặc biệt”, giá trị nhất của nó chính là cứu sống được người khác. Mà chúng ta ai cũng biết câu của nhà Phật: Cứu được một người, phúc đẳng hà sa. Đó cũng chính là chia sẻ sự sống của mình cho mọi người.
Xin chào Sophia, hẹn gặp lại cô thư sau.
Quốc Thắng