Thư gửi robot Citizen: 15 lon bia qua lăng kính Facebook
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"
Dư luận xôn xao chuyện bác sĩ truyền 15 lon bia cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu. Xét về mặt báo chí, đây là một tin nóng và độc. Đó là thông tin mà chúng tôi luôn coi là viral (lan truyền) rất tốt trên mạng xã hội.
Để cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu trong cơn thập tử nhất sinh, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị đã dùng 15 lon bia, tổng dung tích khoảng gần 5 lít, truyền vào đường tiêu hóa. Bệnh nhân đã được cứu, xuất viện và sức khỏe ổn định.
Đó là một thông tin tốt và rất hay xét về mặt truyền thông. Như trong giáo trình các thầy vẫn dạy chúng tôi trong trường báo chí, đại loại như “chó cắn người không phải là tin, người cắn chó mới là tin”. Và như vậy sẽ không một ai giật title rằng “Bác sĩ lọc máu cứu sống bệnh nhân ngộ độc rượu” mà bỏ qua chi tiết “đắt giá” kia trên title bài.
Xét về mặt nào đó, đó cũng là một cách tôn vinh vị bác sĩ rất giỏi nghề và quyết đoán đã làm giữa lằn ranh sống chết của người bệnh.
Còn về nghiệp vụ nghề y, các bác sĩ trong ca cấp cứu kia đã nói rằng truyền bia chỉ là phương pháp phụ trợ, còn phương án điều trị chính vẫn là lọc máu. Phác đồ điều trị ngộ độc methanol là có sẵn. Cái mấu chốt là bác sĩ đã phát hiện sớm việc ngộ độc methanol và nghĩ đến việc dùng etylic trong bia để hãm sự chuyển hóa methanol.
Và để tránh nhiều người có thể nhầm tưởng đây là “thuật” giải rượu trên… bàn nhậu, nên các chuyên gia y tế đã nêu rõ: Việc điều trị ngộ độc rượu bằng cách nào chỉ có thể tiến hành ở trong bệnh viện và dưới sự thực hiện của bác sĩ có chuyên môn, tuân thủ theo phác đồ điều trị, có sự giám sát thường xuyên. Người dân không được tự dùng bia giải độc rượu trong cộng đồng vì không thể xác định được đúng tình trạng methanol trong cơ thể, khi đó sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
Như tiên lượng, trên mạng xã hội, thông tin về ca cấp cứu thần kỳ đó được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Các Facebooker chủ yếu ca ngợi “tác dụng phụ của bia” một cách vui vẻ, hài hước. Không nên khắt khe, đó cũng là câu chuyện rất dễ hiểu theo “triết lý” về “chó cắn người” tôi đã nói với cô.
Sophia thân mến!
Đó chỉ là một giải pháp tình thế của bác sĩ và câu chuyện cũng đã kết thúc có hậu, nhưng tôi muốn nói với cô về một điều khác: Với chúng tôi lúc này, một mùa rượu bia, một mùa ăn nhậu nữa lại về.
Năm hết, Tết về mới thấy sức uống rượu của chúng tôi là vô biên. Mọi con số thống kê về kỷ lục rượu, bia trong năm dường như vô nghĩa. Rượu chảy tràn từ tất niên tổng kết đến tân niên hội họp. Trên Facebook, bên cạnh những bánh chưng, hoa đào, phong bao lì xì thì chủ yếu là những bàn tiệc với ê hề rượu bia, những bức hình cụng ly tạo dáng “trăm phần trăm”.
Đâu đâu cũng thấy rượu bia. Và khi đã “nhập hội” phải là người bản lĩnh ghê gớm lắm mới có thể tỉnh táo đứng lên trước khi những người còn lại “say quắc cần câu”. Mà Tết nhất là lúc các bà, các mẹ, các chị túi bụi với bếp núc và cũng chẳng thể “mặt nặng mày nhẹ” khuyên can nếu chồng, con quá chén.
Đau lòng hơn, bao nhiêu người sau cơn say này có thể mất đi cả ngày Tết vui vẻ, có khi cả mạng sống quý giá. Những con số thống kê đau lòng về tai nạn do rượu bia vẫn được nhà chức trách chúng tôi cập nhật mỗi ngày trong dịp Tết.
Thú thật với Sophia, tôi là người thích nhậu và thích chơi với những người hay nhậu. Đâu đó trong bàn nhậu có chuyện lấy bia giải rượu, hay các loại thần dược giúp nhậu không say. Nhưng đó chỉ là chuyện… trên bàn nhậu mà thôi. Tốt nhất hãy nhớ rằng, sau cuộc nhậu tưng bừng, nếu không biết kiềm chế bản thân thìrất có thể có lúc mình trở thành nhân vật “thể nghiệm” trong dòng tin truyền bia giải rượu được chia sẻ cực mạnh hôm nay.
Hẹn gặp cô thư sau!
Nguyễn Gia