Thư du học sinh Thái Lan: Ai tiếp tay cho tiếp viên hàng không 'bôi đen' hình ảnh đất nước?
(Thethaovanhoa.vn) - Lỗi của cô tiếp viên Việt Nam Airlines vừa bị bắt ở Nhật do tình nghi “tiếp tay cho ăn cắp” đã rõ. Song liệu rằng, những người đang ngồi trước màn hình máy tính dùng những lời miệt thị nặng nề tới cô có vô can trong “nỗi nhục quốc thể” này?
1. Tôi đang học tại Thái Lan và có một điều rất bất ngờ khi mới tới đây: gần như không có hệ thống trông giữ xe và người dân cũng khóa rất qua loa (tuyệt đối không có khóa càng hay các loại khóa dây ngoằng các loại như ở Việt Nam).
Tuy nhiên, tình trạng mất xe rất ít xảy ra, kể cả khi người dân đỗ qua đêm ở một khu đất trống. Có thể hệ thống an ninh của Thái Lan được tổ chức rất tốt nhưng tôi nghĩ, có một lý do khác quan trọng hơn: người dân không tiếp tay mua những chiếc xe không giấy tờ kể cả giá có rẻ như cho. Đó là nguồn cơn của sự khác biệt.
Quay trở lại với câu chuyện cô tiếp viên hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam, theo góc nhìn xã hội học, một người xấu có thể chỉ là vấn đề mang tính cá nhân, nhưng khi “nồi canh” có rất nhiều “sâu”, đây đã là một vấn đề xã hội.
Một cô tiếp viên tiếp tay tiêu thụ đồ ăn cắp, đó là vấn đề của riêng cô và sẽ bị tòa án Nhật Bản xử lý theo đúng pháp luật. Tuy nhiên, khi việc này có dấu hiệu diễn ra thường xuyên, chứng tỏ hệ thống có nhiều lỗ hổng tạo điều kiện cho họ làm như vậy. Hệ thống ở đây gồm cách quản lý của Vietnam Airlines cũng như sự vận hành của toàn xã hội (?!).
Xử lý nghiêm cô tiếp viên kia là việc phải làm nhưng nó không đồng nghĩa với việc giải quyết hết các vấn đề của hệ thống.
2. Có một điều đáng lo ngại là không nhiều người quan tâm tới việc góp phần xây dựng một hệ thống tốt hơn. Sai lầm đổ hết về cá nhân phạm pháp hoặc cơ quan quản lý trong khi thực tế, nhiều người dân khác cũng không vô can trong việc “làm nhục quốc thể”.
Họ dễ dàng lên mạng xã hội xỉ vả “bọn ăn cắp” nhưng chẳng mấy người từ chối các món hàng xách tay giá rẻ (dù có thể biết đây là hàng bất hợp pháp).
Không có cầu sẽ chẳng có cung. Điều này tương tự khi nhiều người vừa xuýt xoa khen ngợi những ngôi nhà làm bằng gỗ quý hay tác dụng thần kỳ của sừng tê giác vừa đăng đàn lớn tiếng chỉ trích nạn phá rừng hay săn bắn động vật trái phép…
Về mặt pháp luật, xã hội được điều hành bởi các cơ quan quản lý còn về mặt đạo đức, do hệ thống các giá trị, chuẩn mực chung điều chỉnh. Trong khi chờ các cơ quan quản lý khắc phục những lỗ hổng, chúng ta có thể kiến tạo một xã hội tốt hơn bằng cách chung tay xây dựng và quản lý những giá trị đạo đức chung.
Chẳng hạn chỉ mua hàng xách tay có hóa đơn rõ ràng, như vậy vừa an toàn, vừa hạn chế việc ăn cắp ở nước ngoài. Song thói quen thì không dễ thay đổi, định kiến thì càng lâu để chuyển dời.
Nên quay trở lại với câu hỏi: Ai tiếp tay cho tiếp viên hàng không “làm nhục quốc thể”?
Câu trả lời rõ ràng nhất có lẽ là đám đông.
Mà theo câu nói nổi tiếng của một người nổi tiếng: “đám đông là không ai cả!”
Có lẽ lỗi vẫn tại mình cô tiếp viên (?!)
Trần Khánh An
Sinh viên Đại học Chiang Mai, Thái Lan