Thủ đô Hà Nội nỗ lực giảm thiểu khí nhà kính
(Thethaovanhoa) - Hà Nội đang phải đối mặt với ô nhiễm khí nhà kính và hứng chịu những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra với tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng ngày càng tăng.
Với dân số khoảng trên 7,7 triệu người (trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%), cùng với 17 khu công nghiệp, hơn 1.300 làng nghề, 5,3 triệu xe gắn máy và khoảng 560.000 ô tô, mỗi ngày tiêu thụ ước tính 38 triệu KWh điện và hàng triệu lít xăng dầu…, Hà Nội đang phải đối mặt với ô nhiễm khí nhà kính và hứng chịu những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra với tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng ngày càng tăng như nắng nóng kéo dài, rét đậm, rét hại... làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ, cuộc sống của người dân cũng như các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Để từng bước giảm thiểu ô nhiễm khí nhà kính, từ tháng 12/2015, Hà Nội và Tổ chức C40 (Nhóm các thành phố dẫn đầu về sáng kiến khí) đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm giúp hai bên có cơ sở hợp tác hiệu quả hơn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp đó, tháng 10/2017, Hà Nội đã chính thức tham gia Dự án “Cam kết thành phố tham vọng” được thực hiện bởi Hội đồng quốc tế về sáng kiến môi trường địa phương (ICLEI), với mục tiêu cam kết tham gia cắt giảm khí thải nhà kính, hỗ trợ xây dựng các chương trình hành động cụ thể và tăng cường vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện kiểm kê khí nhà kính, gồm chất thải và năng lượng. Đối với chất thải khí, ước tính đến năm 2020, phát thải trung bình của Thủ đô là 4,053 triệu tấn CO2. Trong đó, phát thải khí nhà kính từ các bãi chôn lấp khoảng 2,35 triệu tấn CO2 tương đương là hoạt động phát thải khí nhà kính nhiều nhất (chiếm 57,97%). Đối với lĩnh vực năng lượng, dự báo đến năm 2020, phát thải khí nhà kính tăng lên 18,2 triệu tấn CO2 tương đương và đến năm 2030 con số này tăng đến 42,7 triệu tấn (tăng lên hơn 3 lần so với mức phát thải năm 2015).
Hiện, Hà Nội đã cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu theo kết quả “Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng” mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường; đồng thời, hoàn thành việc nâng cao năng lực dự báo; chủ động phòng, chống thiên tai; ứng phó và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu để giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra. Thành phố triển khai có hiệu quả các hoạt động nâng cao nhận thức, gắn kết, lồng ghép biện pháp ứng phó trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giảm mức phát thải khí nhà kính, hoàn thành mục tiêu từ 8 - 10% trên đơn vị GDP so với năm 2010.
Đáng chú ý, Hà Nội đã chủ động kêu gọi và hợp tác với rất nhiều tổ chức trong nước và quốc tế, theo đó, nhiều chương trình, dự án, giải pháp cải thiện chất lượng không khí đã được đề xuất và triển khai. Hà Nội cũng là đơn vị tiên phong đầu tư, lắp đặt mạng lưới quan trắc chất lượng không khí nhằm cung cấp thông tin cho người dân về chất lượng không khí; phối hợp với các tổ chức có uy tín và kinh nghiệm của quốc tế tiến hành kiểm kê và xác định các nguồn khí thải để từ đó xây dựng và thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Mới đây, tại hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu” do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Tổ chức C40 (Nhóm các thành phố dẫn đầu về sáng kiến khí) và Hội đồng quốc tế về sáng kiến môi trường địa phương tổ chức, các chuyên gia đã đánh giá cao những nỗ lực của Hà Nội trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là trong phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng trao đổi thẳng thắn, góp phần xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả và huy động được các nguồn lực để cùng hành động ứng phó cho thành phố.
Đề cập đến các giải pháp quản lý môi trường bền vững trong giai đoạn tiếp theo, ông Lê Tuấn Định - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, thành phố chỉ đạo quyết liệt, đầu tư và triển khai các dự án về môi trường; duy tu, duy trì 104 hồ điều hòa, duy trì và đầu tư xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải. Thành phố phấn đấu đến năm 2019, toàn bộ nước thải các quận nội thành cơ bản được xử lý, nhằm cải thiện nước sông Tô Lịch và sông Nhuệ; đầu tư và vận hành hiệu quả các nhà máy đốt rác phát điện; triển khai chương trình trồng một triệu cây xanh; thống kê, đánh giá và đề xuất giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính đối với lĩnh vực chất thải và năng lượng.
- Ô nhiễm không khí làm giảm gần 2 năm tuổi thọ của trẻ em
- Ô nhiễm tiếng ồn và những tác hại khó lường
- Mexico ban bố báo động vì ô nhiễm không khí
Đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu lắp đặt, vận hành 38 trạm quan trắc không khí theo quy hoạch đã được duyệt nhằm đánh giá chất lượng không khí và đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Cùng với đó, Hà Nội yêu cầu các đơn vị chức năng quản lý chặt chẽ vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước ngầm; hạn chế ô nhiễm chất lượng nguồn nước mặt, khai thác hợp lý để phục vụ cấp nước sạch.
Minh Nghĩa