Thư cuối tuần: Nghệ sĩ phạm tội hay tác phẩm nghệ thuật ấn tượng?
Thethaovanhoa.vn - Ở những vùng ngoại ô thành phố lớn chứ không chỉ ở các tỉnh lẻ đến thế kỷ 21 vẫn còn một hình thức truyền thông cổ lỗ sĩ: Người ta gắn lên xe hơi hoặc xe máy những chiếc loa phóng thanh chạy khắp các con đường loan báo về một chương trình nghệ thuật sắp diễn ra.
- Thư cuối tuần: Siêu hàng hiệu và sự 'cọc cạch' của nền kinh tế
- Thư cuối tuần: Ngáo đá và xe điên
- Thư Cuối tuần: Việt Nam cần lắp bao nhiêu camera công cộng?
Nhưng gần đây lại có một cuộc tranh luận không nhỏ liên quan tới việc xử lý các vi phạm trong việc treo bandrole các chương trình biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội. Có nên không việc phun sơn hai chữ "VI PHẠM" to đùng vào thẳng vị trí khuôn mặt của các nghệ sĩ in trên những chiếc bandrole ấy?
Từ Đàm Vĩnh Hưng, Trọng Tấn tới các nghệ sĩ tham gia chương trình Hài cuối năm đều bị "xử lý" theo hình thức này. Trên internet, có nhiều phản ứng thể hiện sự bất ngờ: Nghệ sĩ phạm tội hay đó là một tác phẩm nghệ thuật ấn tượng?
Thực ra, đó là cách xử lý việc treo bandrole sai quy định (về số lượng, vị trí, quy cách) mà Sở nghĩ ra sau khi đã bất lực trong một thời gian dài. Các nghệ sĩ, các đơn vị tổ chức sự kiện cho rằng họ không hề hay biết (tin hay không thì tùy quý vị) mà lỗi là của đơn vị ký hợp đồng quảng bá cho sự kiện đó.
Không hiểu có nên tổ chức một cuộc thăm dò dư luận, hiến cách xử lý vi phạm nào đó thông minh hơn không, trong khi việc cấp phép, quyết định tạm dừng các chương trình nghệ thuật ấy nếu cần thiết cũng đều là của ngành văn hóa (và đôi khi chỉ khác cấp)?
Trước kia, xử lý quảng cáo khoan cắt bê tông bằng cách đi xóa hay sơn phủ lên bị cho là bất khả thi và tốn kém thì người ta đã thu hồi các đầu số điện thoại ấy. Hay còn những vướng mắc gì nữa liên quan tới quảng cáo chương trình văn hóa mà chúng ta chưa được biết?
Chúc quý vị độc giả một tuần vui vẻ!
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần