Thư châu Âu: Và bọn trẻ vẫn tin ông già Noel
Hai tuần trước Giáng sinh, con gái tôi lại hí hoáy viết một lá thư gửi ông già Noel. Năm nào cũng thế, từ khi còn chưa biết chữ, nó đã trình bày “nguyện vọng quà cáp” của mình trong một tờ giấy trắng. Ngày bé thì nó vẽ nguệch ngoạc những thứ đồ chơi nó muốn. Đến khi dần lớn lên, chữ đã thay cho hình vẽ, và những món quà cũng trưởng thành theo tuổi của nó. Không còn nữa những đề nghị tặng búp bê Winx, những hộp trò chơi Lego, mà là những thứ thiết thực hơn, như truyện để đọc, hay bút để vẽ.
Nhìn cái vẻ háo hức của con gái trong những ngày trước Giáng sinh mới thú vị. Nó hồi hộp, thậm chí có vẻ lo lắng, vì không chắc được rằng, với danh mục quà nhiều đến thế, ông già Noel bụng phệ có đáp ứng nổi không. Tôi tin rằng, những đứa trẻ khác cũng thế. Chẳng có gì ngạc nhiên, khi một thăm dò ở Ý bảo rằng, Giáng sinh là lúc người ta cảm thấy hạnh phúc nhất. Những đứa trẻ hạnh phúc, đương nhiên rồi. Bởi trong chúng luôn tồn tại một niềm tin mạnh mẽ, rằng chúng sẽ có quà, ít hay nhiều đều có. Còn người lớn, trong những năm tháng khủng hoảng kinh tế, trong nỗi lo lắng về một ngày mai không chắc chắn, trong nỗi bấp bênh về đủ thứ, từ việc làm, an ninh, con cái, sức khỏe, cho đến niềm tin? Có người hạnh phúc, có người không, nhưng tất cả đều chờ đợi những món quà Noel cho chính đời mình.
Tôi vẫn thích những bộ phim về Giáng sinh, chúng thường đẹp và có hậu, dù đôi khi nhân vật chính là những người cô đơn hoặc tan vỡ. Nhưng ngoài đời thực rất khác. Giữa mùa Đông tuyết rơi, với những người hối hả đi mua quà vào những giờ khắc cuối cùng của đêm Noel, thì sự cô đơn mà một ai đó phải trải qua thật đáng sợ. Lúc ấy, trong một khoảnh khắc, có lẽ họ không tin vào những điều tích cực của cuộc sống và không hy vọng một món quà nào đó sẽ đến với mình? Hollywood thỉnh thoảng vẫn tạo ra những ảo tưởng về một cuộc sống không thật, như một niềm an ủi. Một người bạn Italia có lần chia sẻ với tôi: “Chúng ta hiểu là thực tế cuộc sống rất khác phim. Chúng ta cũng biết, rằng không hề tồn tại trên đời một ông già Noel. Nhưng chúng ta vẫn mong lũ trẻ tin là có ông già Noel”.
Ông già Noel không giàu. Ông chỉ có thể đáp ứng những món quà vừa phải, vừa túi tiền của mình. Nhưng giá trị của những món quà ấy thể hiện trong cách mà người ta tặng quà, những ao ước của bọn trẻ khi chúng nắn nót (hoặc nguệch ngoạc) viết trong những bức thư gửi ông già Noel và sự hạnh phúc của bọn trẻ khi nhận được món quà ấy, lúc chúng vừa mở mắt vào sáng hôm sau của ngày Giáng sinh. Vài chục năm sau, khi đã trở thành cha mẹ và thay ông già Noel để giấu món quà cho con cái mình, có lẽ họ sẽ rất xúc động khi nhớ lại kỷ niệm cũ, khi nhận được món quà đã yêu cầu... Những thế hệ cứ thế đi qua, khi những đứa trẻ tin vào ông già Noel lớn lên, trưởng thành, già đi và rồi con cháu chúng lại tiếp nối một vòng đời Giáng sinh ấy.
Tôi có tin vào ông già Noel không? Có chứ. Người lớn cũng cần có những món quà cho cuộc sống của họ. Nhưng họ không nên chờ ai đó mang đến, mà họ phải tạo ra. Người lớn là ông già Noel của chính đời mình.
Hẹn gặp lại quý anh chị ở những thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần