Thông tin vỡ đê ở Hải Dương là sai sự thật
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương khẳng định các thông tin lan truyền trên mạng xã hội và nhiều hội nhóm trên zalo về việc vỡ đê, phá đê để phân lũ ở huyện Tứ Kỳ, huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà, thành phố Chí Linh… là thông tin sai sự thật.
Đến 10 giờ 30 sáng 10/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương khẳng định tình hình đê điều trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định, không có sự cố.
Chính quyền tỉnh Hải Dương đề nghị người dân theo dõi thông tin trên Đài, báo tỉnh, đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố và các trang thông tin chính thức của các cơ quan chức năng; tuyệt đối không nghe, tin theo những thông tin sai sự thật đăng tải trên mạng xã hội, gây hoang mang trong dư luận.
Chính quyền các địa phương cũng đề nghị khi phát hiện thông tin sai sự thật cần báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật.
Sáng 10/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương đã phát lệnh báo động số II trên hệ thống sông Thái Bình.
Chính quyền các địa phương đã thực hiện cảnh báo đến tất cả các cấp và người dân để chủ động phòng, tránh và hỗ trợ người dân di chuyển vật tư, phương tiện, thiết bị, tài sản khác ngoài bãi sông, trên sông để đảm bảo an toàn. Người dân cần thu hoạch ngay các sản phẩm nông nghiệp ngoài bãi sông đã đến kỳ thu hoạch. Đối với các hộ nuôi cá lồng trên sông, chính quyền Hải Dương đề nghị thu hoạch ngay cá nuôi, di chuyển các lồng về nơi an toàn; nếu không di chuyển được thì phải gia cố, đảm bảo an toàn cho lồng bè.
Chính quyền các địa phương và người dân triển khai các biện pháp bảo vệ diện tích nuôi trồng thủy sản ngoài bãi sông; giải tỏa các bến bãi vật liệu xây dựng, kinh doanh than, đóng tàu, các vật cản khác ngoài bãi sông để đảm bảo an toàn, thoát lũ sông. Các khu dân cư ngoài bãi sông, trong khu vực các bối chủ động sẵn sàng, chi tiết, cụ thể phương án để sơ tán dân đến nơi an toàn khi có lệnh.
Hiện Hải Dương đã thực hiện nghiêm túc tuần tra, canh gác, đảm bảo từng vị trí đê đều có người kiểm tra, chịu trách nhiệm theo mức báo động II; theo dõi chặt chẽ diễn biến đê điều nhất là các vị trí xung yếu, các kè, bờ lở, các công trình tu bổ đê điều vừa hoàn thành, các cống qua đê…