Thổi hồn mới cho 'Truyền kỳ mạn lục'
Đây là một “kỳ bút” của văn học Việt Nam trung đại, được sáng tác cách nay 5 thế kỷ, vào khoảng những năm 1520 - 1530. Kể từ khi ra đời, tác phẩm này đã có một lịch sử tiếp nhận khá sôi động: Được văn nhân, thi sĩ bình giá, được giải âm sang chữ Nôm, được dịch và xuất bản nhiều lần, được giới nghiên cứu khu vực và quốc tế đặc biệt quan tâm.
Trên cơ sở bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện, nhà Hán học - chuyên gia văn học Việt Nam trung đại Trần Thị Băng Thanh đã chỉnh lý để bản dịch được gần với nguyên tác hơn. Trong dịp kỷ niệm 65 năm thành lập, NXB Kim Đồng đã cho in bản dịch có chỉnh lý này, kèm theo phần minh họa công phu của họa sĩ Nguyễn Công Hoan.
Tác phẩm này là đỉnh cao của thể truyền kỳ, khiến cho có tác phẩm sau này phải nương theo mà đặt tên, ví dụ Truyền kỳ tân phả. Bị cạnh tranh bởi các “tiền bối” như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái… và “kế cận” là Truyền kỳ tân phả, Lan Trì kiến văn lục… nhưng vị thế của Truyền kỳ mạn lục vẫn lừng lững trên văn đàn.
Trong “mộng” có “thực”
Theo một số nguồn tài liệu, Nguyễn Dữ “người Gia Phúc, Hồng Châu, lúc nhỏ rất chăm lối học cử nghiệp, đọc rộng nhớ nhiều, lập chí ở việc lấy văn chương truyền nghiệp nhà. Được bổ làm Tri huyện Thanh Tuyền. Được một năm ông từ quan về nuôi mẹ cho tròn đạo hiếu.
Sống trong giai đoạn nhà Lê sơ lâm vào khủng hoảng, nhà Mạc thay nhà Lê, xã hội loạn lạc, nên “thông qua các nhân vật thần tiên, ma quái, tinh loài vật, cây cỏ… tác phẩm muốn gửi gắm ý tưởng phê phán nền chính sự rối loạn, không còn kỷ cương, trật tự, vua chúa hôn ám, bề tôi thoán đoạt, bọn gian hiểm, nịnh hót đầy triều đình; những kẻ quan cao chức trọng thả sức vơ vét của cải, sách nhiễu dân lành, thậm chí đến chiếm đoạt vợ người, bức hại chồng người” (theo Trần Thị Băng Thanh).
Dẫu là tác phẩm “truyền kỳ”, nhưng Nguyễn Dữ như muốn người đọc tin vào tính chân thực trong những câu chuyện mà ông kể. Truyện của ông thường gắn với những nhân vật lịch sử và những sự kiện lịch sử. Đây đó trong tác phẩm, ông khẳng định thêm về sự chân thực này: “Đến nay, ở Khoái Châu hiện còn con cháu”, “Hà Nhân, người học trò quê ở Thiên Trường, khoảng năm Thiệu Bình ngụ ở Kinh sư để tòng học trường cụ Ức Trai (Nguyễn Trãi)”, “Cuối đời họ Hồ, quân Ngô sang lấn cướp”, “Cuối đời Khai Đại nhà Hồ, quân Minh mượn tiếng đưa Trần Thiêm Bình về nước”…Chính vì vậy mà phần lời bình của Chuyện cây gạo đã nói: “Không nên lấy cớ huyễn thuật mà cho là chuyện nhảm, bảo rằng dị đoan mà dìm mất cái hay, ngõ hầu mới hợp với cái ý nghĩa người quân tử trung hậu đối với người khác”.
Thực tại xã hội ảm đạm, nhưng là một nhà nho, Nguyễn Dữ phải thể hiện thái độ một cách khéo léo, giữ mình trước sự kiểm duyệt của chế độ quân chủ chuyên chế. Những trang viết về cõi âm, về cõi khác của ông cũng chính là viết về cõi người. Sự chán nản trước thời cuộc khiến ông phải nhìn lại những chuẩn mực, những giá trị mà ông và nhiều người từng tin theo, thậm chí từng “nói theo”.
Lật lại giá trị Nho gia và bênh vực phụ nữ
Tinh thần hoài nghi, phản biện đây đó đã xuất hiện trong Truyền kỳ mạn lục, dù chưa hệ thống, như:“Sở đã đành trái với nhân nghĩa nhưng Hán cũng chỉ là giống với nhân nghĩa” (Chuyện ở đền Hạng vương). Từ những tác phẩm của ông, phần lời bình (mà cho đến nay chưa ai biết tác giả của nó), đã cất lên tiếng nói lật lại những thiên kinh địa nghĩa từng tồn tại, như: “Than ôi, người con gái có ba đạo theo, theo chồng là một. […]. Chết hợp với nghĩa, có hại gì cho cái đạo theo. Theo nghĩa tức là theo chồng đó” (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu). Hoặc đứng về phía phụ nữ: “Làm người đàn ông, tưởng đừng nên để cho giai nhân oan uổng thế này” (Chuyện người con gái Nam Xương).Thậm chí coi kẻ như Trọng Quỳ (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu) là “tuồng chó lợn”.
Phần lời bình cuối Chuyện nghiệp oan của Đào thị, có lẽ không phải ngẫu nhiên, chỉ phê phán Vô Kỷ “là một kẻ gian dâm, buông thói tà dục”, chê bai Nguỵ Nhược Chân “làm quan mà như thế, còn gì gọi là chính gia được nữa”, chứ không có một lời nào trách cứ Đào Hàn Than, thậm chí ngay tên truyện đã xác định đó là “nghiệp oan” của người con gái họ Đào.
Trước thực trạng xã hội như vậy, con người trở nên thiếu phương hướng. Họ quay về với những lựa chọn mà trước đó từng bị cấm đoán, đặc biệt là trong đời sống tình cảm, chuyện nam nữ. Những mối tình trong Truyền kỳ mạn lục về cơ bản đều đi ngược lại những rào giậu của Nho giáo, nơi người tuyên ngôn về lẽ sống thường là nữ giới, thậm chí là… ma nữ. Những tiếng nói của ma quỷ ở đây sẽ là bệ phóng cho những tiếng nói giải phóng cảm xúc cá nhân, giải phóng phụ nữ, khám phá và phát hiện ra con người cá nhân. Giúp giải phóng con người trong văn học những giai đoạn sau. Bước chân “thoăn thoắt dạo ngay mé tường” và “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Thúy Kiều trong Truyện Kiều sau này, đã được chuẩn bị từ Truyền kỳ mạn lục.
Vững vàng thêm nhờ minh họa
Trong hơn nửa thế kỷ qua, ngoài bản dịch Truyền kỳ mạn lục của Trúc Khê Ngô Văn Triện, còn có bản dịch tiếng Việt của Thứ Lang Bùi Xuân Trang, được xuất bản tại Sài Gòn năm 1970. Trong lần xuất bản đó, mỗi truyện đều được Nguyễn Uyên minh họa bằng một bức tranh đen trắng.
Cho đến bản in năm 2022 của Nhà xuất bản Kim Đồng, mỗi truyện lại được minh họa bằng rất nhiều tranh vẽ màu, được thực hiện bởi bàn tay tài hoa của họa sĩ Nguyễn Công Hoan.
Những câu chuyện truyền kỳ, liêu trai lại sáng bừng lên trên mặt giấy nhờ những minh họa đó. Người đọc thấy đây đó là hình ảnh của trăng rọi trước nhà, gió luồn trước cửa; đền xiêu, miếu đổ; hàng cau, bụi chuối; bến nước bờ lau; sương tạnh sao khuya; linh cữu, quan tài, bát cơm quả trứng; con gà, thủ lợn; những cảnh quỷ sứ đầu trâu mặt ngựa gợi nhớ những bức họa thập điện Diêm Vương nơi chùa chiền; cảnh vua tôi ngồi thuyền trên hồ như gợi nhắc cảnh chèo thuyền trong nghệ thuật múa rối nước; cảnh người ẩn sĩ khuất xa sau núi, bóng hươu uống nước bên suối, tùng đổ bóng sườn non, bóng tà chênh chếch đỏ gợi lên ước vọng về một cuộc sống thoát tục, gần gũi với thiên nhiên, gạt sang một bên những ham muốn vật dục của con người…
- Văn học Việt Nam năm 2021 nhìn lại: Từ 'đại tự sự' Covid-19 đến văn học thiếu nhi
- Tìm kiếm con đường mới cho sự phát triển của văn học Việt Nam
- Văn học Việt Nam: Làm gì để… bước ra thế giới?
Những nét vẽ tươi tắn, có đáng sợ mà không u ám, khiến cõi người và cõi khác như gần gụi hơn, tưởng như không còn khoảng cách. Khi xem trực tiếp triển lãm các bức minh họa chuẩn bị cho bản in, chúng ta càng hiểu thêm sự công phu mà Nguyễn Công Hoan dành cho kiệt tác này.
Đọc Truyền kỳ mạn lục chúng ta sẽ thấy mình đứng giữa cõi kỳ và cõi thực, giữa cõi thực và cõi mộng. Những bức minh họa này như giúp chất “kỳ” trở nên “thực” hơn, và khiến những chuyện đầy chất hiện thực sẽ chứa trong đó chất mơ mộng. Phải chăng Nguyễn Dữ cũng từng muốn một lần “mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoàng Sơn” như Từ Thức, nhưng ước mơ tiên giới mãi còn dang dở?
Bồi đắp niềm tin về lẽ nhân quả Không chỉ những giá trị của Nho giáo được đặt ra, lật lại, mà trong Truyền kỳ mạn lục, những niềm tin về lẽ nhân quả, báo ứng của nhà Phật cũng được nêu lên. Nhân vật Dương Thiên Tích thắc mắc: “Có người chăm học mà suốt đời không đỗ; có nhà xa hoa mà lũy thế vẫn giàu. Ai bảo rằng trao mận giả quỳnh, thế mà vẫn trồng dưa được đậu. Đó là những sự mà tôi rất nghi ngờ không hiểu” (Chuyện gã trà đồng giáng sinh); còn Phạm Tử Hư thì băn khoăn về “kiếp sau” của những kẻ xấu: “Bọn ấy sau khi chết có phải luận tội gì không, hay là cứ được hưởng tôn vinh mãi thế?” (Chuyện Phạm Tử Hư lên chơi Thiên tào). Nhân vật Diêm Vương, dẫu được coi là công bằng, cũng khiến người phẩm bình Chuyện đối tụng ở Long cung thắc mắc: “Thế thì cái tội của thần Thuồng Luồng chỉ phải bị đày thôi sao”, bởi thần Thuồng Luồng là kẻ “nhận sự thờ cúng lại còn đi làm tai làm họa cho người”. Những khi mối hoài nghi gần như không có lời giải, tác giả lại đi tìm niềm an ủi trong thuyết nhân quả, nghiệp báo: Những con người như Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu), Ngô Tử Văn (Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên), Văn Dĩ Thành (Chuyện tướng Dạ Xoa)… được “đền bù” bằng hương khói thiên thu, “bổ nhiệm” sau khi mất... Tác giả mượn lời nhân vật để gieo mầm thiện nơi người đọc, như: “Điều thiện ác tích lâu sẽ rõ, sự báo ứng không sai chút nào. Cho nên luận số trước phải luận lý, tướng diện không bằng tướng tâm”, “Tích đức như mầm non rỏ một giọt nước, sẽ nảy nở lên; tích của như lửa đỏ, gieo một khối băng sẽ tàn lụi xuống”… Chính vì vậy nên Hà Thiện Hán cho rằng Nguyễn Dữ “viết ra tậplục này, để ngụ ý, […] có ý khuyên răn, có ý nêu quy củ, khuôn phép”. |
Văn Uyên