Tìm kiếm con đường mới cho sự phát triển của văn học Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025) đã thành công tốt đẹp. Đây là Đại hội của sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới với kỳ vọng vào những nhân tố mới, tạo ra cảm hứng, năng lượng mới trong công tác điều hành, sáng tạo, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tân Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về những dự định đổi mới trong công các điều hành, cũng như phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm Ban chấp hành Hội hướng tới trong nhiệm kỳ khoá X (2020-2025).
*Sau Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X với sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo rất nhiều người đang kỳ vọng vào những nhân tố mới, tạo ra cảm hứng và năng lượng mới trong công tác điều hành và sáng tạo của Hội. Trên cương vị lãnh đạo Hội nhiệm kỳ mới, ông có áp lực gì không?
- Chúng tôi vui vì đã được Đại hội tín nhiệm, bởi rất lâu rồi Đại hội mới có thể bầu ra một Ban chấp hành ( BCH) đúng như chỉ tiêu là 11 uỷ viên.
Ngoài nhà văn Khuất Quang Thuỵ, nhà thơ Trần Đăng Khoa là những nhà văn, nhà thơ của thời kỳ chống Mỹ, các nhà văn, nhà thơ còn lại trong BCH đều là những người ở thế hệ khác, những người trẻ nhưng đã có nhiều sáng tác nổi trội và đóng góp trong đời sống văn học…
Sau khi bầu Ban chấp hành, các hội viên của nhiều thế hệ rất vui mừng và đợi chờ sự đổi mới. Sự đợi chờ của họ là động lực rất lớn đối với tôi cũng như Ban chấp hành, nhưng chính những đợi chờ của hội viên cũng như của bạn đọc hay xã hội cũng tạo ra áp lực không nhỏ với Ban chấp hành mới. Chúng tôi sẽ làm thế nào? Chúng tôi liệu có đẩy được văn học lên một vị thế mới không? có mở ra được không gian mới của văn học Việt Nam trên thế giới không?… Đó là những trăn trở của Ban chấp hành nhiệm kỳ mới. Ban Chấp hành có 100% quyết tâm, thậm chí cao hơn nữa, nhưng làm được tốt còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
*Ông có thể cho biết, trong nhiệm kỳ khoá X, Hội sẽ tập trung vào nhiệm vụ quan trọng nào?
- Ban Chấp hành hội nhiệm kỳ mới có nhiều việc cần phải làm, trong đó một số nhiệm vụ trọng tâm cần chú trọng.
Trước hết, Ban chấp hành của nhiệm kỳ mới sẽ phải tạo dựng cho những bước khởi đầu mới, những bước đi mới của văn học thiếu nhi. Đây là nhu cầu cấp bách và rất cần thiết. Tới đây, Ban chấp hành hội sẽ thành lập Quỹ Văn học thiếu nhi, phát triển giải thưởng về văn học cho thiếu nhi, để kêu gọi các nhà văn đã từng có kinh nghiệm viết về thiếu nhi, các nhà văn trẻ viết về thiếu nhi, thúc đẩy cả những nhà văn nhỏ tuổi tham gia viết cho thiếu nhi. Ban Chấp hành hội cũng sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh sự phát triển và truyền bá cho văn học thiếu nhi.
Bên cạnh những giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, Ban Chấp hành hội sẽ tổ chức trao giải cho những nhà văn trẻ - điều này rất quan trọng. Bởi, những nhà văn trẻ hôm nay sẽ là những người quyết định số phận của nền văn học Việt Nam trong 10-20 năm nữa. Để nền văn học Việt Nam phát triển, vươn xa, phải trông chờ vào thế hệ trẻ. Những nhà văn trẻ lúc này có thể chưa có một tác phẩm hoàn toàn thuyết phục, nhưng trong các tác phẩm của họ lại có những dấu hiệu của một tư duy mới, một cảm xúc mới, một cách thức mới và một tư thế mới… Việc của chúng tôi là ủng hộ, khuyến khích để những cái mới đó tiếp tục phát triển, hoàn thiện.
Đồng thời, Ban Chấp hành hội sẽ báo cáo Chính phủ, Nhà nước để triển khai thực hiện chiến lược truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới. Lâu nay, văn học Việt Nam đi ra thế giới rất mong manh, chủ yếu bằng các con đường tiểu ngạch, do các cá nhân tự mang đi; Hội Nhà văn Việt Nam cũng có những hoạt động quảng bá nhưng chưa được thường xuyên. Tới đây, Ban Chấp hành hội sẽ phải xây dựng một chiến lược, một lộ trình để truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới.
- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều: 'Chúng tôi đặt cược vào nhà văn trẻ'
- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khoá X
Ban Chấp hành hội cũng sẽ thúc đẩy việc kết nạp hội viên, đặc biệt là trân trọng mời đến làm việc, động viên, thuyết phục những nhà văn tên tuổi như nhà văn Nguyễn Việt Hà, nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành… là những người có uy tín, được dư luận xã hội yêu mến, có ảnh hưởng đến bạn đọc trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đồng thời tăng cường mở rộng hơn nữa để đón nhận các hội viên trẻ vào Hội…
* Theo ông, những thách thức lớn nhất đối với sự phát triển văn học Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là gì?
- Văn chương trong sâu thẳm luôn là thách thức. Đối với một nhà văn tên tuổi, khi anh viết xong một cuốn sách, cuốn thứ 2 sự thách thức sẽ trở lại nguyên vẹn như lúc đầu. Khó hơn nữa, văn chương không phải là một cuốn sách viết ra và nằm trên giá sách, nó phải tới được bạn đọc¸ được dư luận đón chào…
Một trong những thách thức lớn hiện nay là văn hóa đọc của Việt Nam đang có nhiều biến động; việc yêu quý, săn lùng những cuốn sách để rồi đọc thâu đêm… dường như không còn. Điều này không hoàn toàn là lỗi của những cuốn sách, nó còn là do sự thay đổi của thời đại. Hiện nay, mỗi người chỉ cần một cái smartphone là đã có cả một thế giới giải trí ở mọi nơi, mọi lúc… Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa đọc và sự phát triển của văn học. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế là các nhà văn vẫn chưa viết được cuốn sách thật hấp dẫn, lôi cuốn để bạn đọc có thể buông những thứ khác để đến với cuốn sách đó…
Thực trạng đáng buồn là có nhiều nhà văn trẻ, cây viết tốt đã cho ra đời những tác phẩm văn học hấp dẫn, đầy hy vọng, nhưng sau đó họ đã rời đi làm việc khác . . . Điều đó rất đáng tiếc !
Tôi nhớ một nhà văn lớn của thế giới đã từng nói: "Thiên tài là người có khả năng giữ mãi sự đam mê của mình". Như vậy, việc nuôi dưỡng và kéo dài đam mê là điều rất quan trọng. Thách thức lớn hiện nay là làm thế nào để đánh thức lại tình yêu văn chương, đánh thức lại những cảm hứng lớn của người viết, đặt biệt là những người viết trẻ, khi đó chúng ta mới đợi chờ được một tương lai tốt đẹp hơn của văn học Việt Nam.
*Nhiều hội viên đã và đang chờ đợi vào những đổi thay mới từ Ban Chấp hành mới. Ông có thể cho biết khó khăn lớn nhất trong việc đổi mới này là gì và Ban chấp hành dự định sẽ đổi mới như thế nào?
- Tất cả những sự đổi mới đều sẽ gặp nhiều khó khăn. Đổi mới trong một con người cũng đã khó khăn, bởi khi đã thành thói quen, thành con đường rồi và bắt đầu tạo ra một con đường mới sẽ rất khó khăn. Một nhà thơ Mỹ đã từng viết: "Trong rừng có nhiều lối đi, nhưng tôi chọn lối đi không có dấu chân người". Nghĩa là, anh phải làm ra một con đường mới, tạo ra cái mới trên nền tảng anh đã có, đó là khó khăn và thách thức rất lớn. Đổi mới ở đây không chỉ là 11 Ủy viên Ban Chấp hành hay ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đổi mới mà đòi hỏi tất cả các hội viên khác đều phải mang theo tinh thần đổi mới. Sự đổi mới này không phải là sự đi ngược lại quá khứ hay truyền thống, đó là một sự tiếp diễn liên tiếp trong quá trình tìm kiếm một con đường mới để đưa văn học Việt Nam đi lên. Vì vậy, không chỉ các hội viên, cả người đọc, xã hội cũng cần ủng hộ tinh thần đổi mới đó với chúng tôi.
Ban Chấp hành nhiệm kỳ khóa X sẽ ủng hộ và gắn kết tinh thần đổi mới với phương châm: Tất cả những gì dựa trên nền tảng của văn hóa Việt, ngôn ngữ Việt, tình cảm Việt, minh triết Việt hay là lòng nhân ái Việt được biểu hiện trong tất cả những hình thức mới đều sẽ được ủng hộ. Chỉ những cái gì phi nhân tính, vô cảm, giá lạnh, ích kỷ mới không được ủng hộ.
Trước mắt, Hội sẽ tăng cường khích lệ, động viên, gợi cảm hứng và rà soát toàn bộ những sáng tác trong mỗi năm của các hội viên, cả các nhà văn không ở trong Hội cũng như các nhà văn trẻ, để phát hiện những tác phẩm văn học có giá trị. Chúng tôi sẽ cố gắng để có được những "con mắt xanh" để tìm và phát hiện ra những tác phẩm văn học có giá trị. Khi phát hiện được rồi, phải công bằng, tìm cách quảng bá, tôn vinh để tạo ra một đời sống tinh thần mới hơn cho những tác phẩm đó.
Tới đây, tôi sẽ lập một địa chỉ email riêng của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đó sẽ là nơi tôi lắng nghe tất cả những tâm tư, nguyện vọng của hội viên chia sẻ và tìm cách giải đáp, để giao lưu với các hội viên. Hội Nhà văn Việt Nam có rất đông hội viên, tôi không thể đi gặp từng người, chờ đến Đại hội phải 5 năm mới gặp nhau một lần thì quá xa cách. Một lá thư của tôi để trả lời, tháo gỡ băn khoăn, thảo luận hoặc chia sẻ với hội viên... có thể sẽ thêm nguồn động viên, thêm sự gắn kết với các hội viên, tạo ra niềm hứng khởi, một sự công bằng đối với các hội viên.
Điều mà tôi muốn nói với các hội viên là: Mỗi người hãy giữ cá tính, giọng nói và cách viết của mình, nhưng dù thế nào, mỗi người cùng hãy bước đi trên con đường chung, con đường dựng xây những điều tốt đẹp cho xã hội, cho đất nước, cho dân tộc...
* Trân trọng cảm ơn ông!
Phương Lan - TTXVN (thực hiện)