Thịt thối ẩn nấp, người tiêu dùng cố tìm cách né
Những hôm nhỡ bữa phải ăn ngoài, Nhung (Đại học Thương Mại, Hà Nội) chọn bánh mỳ trứng hoặc bún đậu. "Em ăn vậy không phải vì tiết kiệm mà bởi sợ các món được 'phù phép' tại quán cơm bình dân", cô giải thích.
Cô sinh viên năm nhất ngành marketting cho biết, bạn bè cô, nhiều người nhà xa, học cả ngày, trưa bắt buộc phải ăn tại trường, thì cũng mách nhau cách chọn đồ sao cho đỡ "độc", chẳng hạn, chỉ gọi các món ít tẩm ướp như thịt luộc, đậu phụ, lạc rang... .
"Chúng em bảo nhau phải hạn chế các món màu mè tẩm ướp nhiều vì sợ họ 'làm hàng' cho đồ ôi. Mấy đứa cũng thử ăn vài quán khác nhau, giả vờ xin đi rửa tay, vệ sinh nhờ, vào ngó bếp, chỗ chế biến đồ ăn của họ xem sao rồi chọn nơi nào sạch sẽ để ăn thường xuyên", Nhung kể.
|
Thời gian gần đây, sau khi các phương tiện truyền thông đưa thông tin về công nghệ biến thịt thối thành thịt tươi cũng như hành trình của thực phẩm bẩn tới bàn ăn, chủ yếu ở các quán hàng bình dân, nhiều người tiêu dùng lo lắng. Khách hàng thường xuyên nhất của các quán cơm giá rẻ là sinh viên và người lao động thu nhập thấp. Trong số họ, nhiều người tỏ ra e ngại, nhưng vì không thể không ăn nên chỉ biết "nhắm mắt cho qua" hoặc cố gắng chọn những thực phẩm "lành".
"Thực ra là, có lần, chính mắt em nhìn thấy mấy nhân viên của quán ăn đó nhặt rau nát để nấu, còn thịt băm thì lổn nhổn toàn những thứ mỡ lằng nhằng", Quân kể. Lần khác, khi đi cùng một cô bạn cùng quê tới chợ đầu mối mua đồ ăn cho rẻ, chàng sinh viên cũng giật mình khi thấy có những quầy bán thịt lợn xay mỡ nhiều hơn nạc với giá 40.000 đồng một kg, hoặc vụn bò bốc mùi cả cân chỉ 60.000 đồng. "Nghe họ nói cái đó toàn mang về chế biến cho sinh viên như bọn em ăn thôi", quân nói.
Cũng từng "chịu trận" vì cơm bình dân, nhưng nhóm 4 nhân viên được một công ty ở Khánh Hòa cử ra Hà Nội học chỉ biết mong khóa học nhanh kết thúc để trở về nhà, chứ không thể tự túc nấu nướng.
Anh Quảng, một người trong nhóm cho biết, cách đây một tháng, sau bữa tối ở một quán cơm bình dân trên phố Phủ Doãn, cả 4 người trong nhóm anh đều bị ngộ độc. Nặng nhất là một bạn nữ, cả đêm đau bụng, đi ngoài đến mệt lả và ngất lịm trên sàn toilet. May mà có người phát hiện kịp nên đưa đi cấp cứu.
"Từ đó đến giờ bọn mình vẫn sợ, không dám quay trở lại quán cơm đó nữa, nhưng vẫn phải đi ăn ngoài, vì học ở đây có 5 tháng, nên không muốn tốn tiền sắm dụng cụ nhà bếp. Bọn mình chỉ biết thắt bụng tìm quán trông sạch sẽ, tươm tất hơn để ăn, dù đắt hơn, nhưng trong lòng vẫn nơm nớp", anh Quảng kể.
Ngay sau bài viết về con đường thịt thối từ chợ tới bàn ăn, gần trăm comment của độc giả đã gửi về tòa soạn, trong đó hầu hết là những ý kiến bày tỏ thái độ ghê sợ và hoang mang trước vấn nạn thực phẩm bẩn.
Độc giả PvToan bày tỏ: "Giờ ăn cơm bụi cứ thịt luộc và đồ luộc mà gọi thôi... Nguyên nhân bị ung thư nhiều chính là ăn đồ bẩn. Không biết liệu máy khử độc có giải quyết được một phần vấn đề này không nhỉ?".
Còn bạn đọc Ngoc Quy thì cho biết, vài tháng nay, từ khi nghe thông tin về các chất cấm làm thịt siêu nạc hay sử dụng hóa chất làm thịt thối thành thịt tươi, nhà chị không dám ăn thịt nữa, mà "chung thân" với cá tôm. Theo chị, phải có luật sử dụng hoá chất chứ không thể coi mạng sống của con người như cỏ rác. Quan điểm này của chị cũng là ý kiến chung của đa số bạn đọc.
Về vấn đề thịt thối bị phù phép, ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó chi Cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội thừa nhận, việc tồn tại thịt thối cũng như sử dụng các hóa chất để "biến hóa" chúng thành các loại thực phẩm đưa tới tay người tiêu dùng là có, thậm chí không ít.
Tuy nhiên, theo ông, biết là biết vậy nhưng việc quản lý không đơn giản bởi người sử dụng thường là người nhỏ lẻ, cố tình nên sẽ tìm đủ cách để qua mặt cơ quan chức năng.
"Hơn nữa, muốn xử lý thì cần phải biết rõ các chất này là chất gì, và bao nhiêu. Đây là trách nhiệm của cơ quan thú y, họ phải xem lại nguồn gốc thực phẩm cũng như khâu kiểm dịch, đồng thời nơi quản lý hàng ăn uống phải thận trọng hơn và có tiêu chí trước khi cấp chứng chỉ an toàn vệ sinh thực phẩm cho các cơ sở chế biến, kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống", ông Lộc nói.
Ông Lộc cho biết, hiện nay, quản lý thị trường vẫn đang bám sát các địa bàn nóng để truy lùng tận gốc thực phẩm bẩn và hóa chất độc hại xử lý chúng, nhưng cho tới nay vẫn chưa "bắt tận tay" được.
Ông cho rằng, thực tế, rõ ràng việc tồn tại các loại thực phẩm không đảm bảo chất lượng cũng như sử dụng hóa chất bảo quản không rõ nguồn gốc là gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, nhưng không đáng ngại bằng việc sử dụng các chất cấm, phụ gia như chất tạo nạc cho thịt mà thông tin đại chúng đưa gần đây.
Theo VnExpress