Thị trường ô tô hồi phục trong thận trọng
(Thethaovanhoa.vn) - Các nhà sản xuất ô tô trong năm 2021 đã phải cắt giảm sản lượng và đơn đặt hàng phụ tùng trước sự bùng phát dịch bệnh Covid-19. Với bối cảnh “bình thường mới” hiện nay, thị trường ô tô năm 2022 được dự báo là sẽ có sự hồi phục, nhưng vẫn còn đó những nỗi lo.
2021: Năm bĩ cực của thị trường ô tô
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát tại nhiều tỉnh, thành phố trong phía Nam năm 2021 đã kìm hãm đà hồi phục của thị trường ô tô. Thực hiện chỉ thị chống dịch của chính quyền các địa phương, nhiều đại lý kinh doanh ô tô của các hãng xe tại TP.HCM, một trong những thị trường ô tô lớn nhất cả nước phải tạm dừng hoạt động và gần như rơi trong giai đoạn từ tháng 7 đến 9/2021. Theo thống kê của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số ô tô trong quý 3/2021 đạt 34.467 chiếc (giảm 50,7% so với cùng kỳ) do các nhà phân phối/đại lý đã phải đóng cửa các cửa hàng để thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, doanh số bán ô tô trong tháng 8/2021 chỉ đạt 8.884 chiếc, thấp nhất kể từ năm 2015. Không chỉ hoạt động bán hàng, các nhà máy sản xuất ô tô của một số hãng xe cũng bị ảnh hưởng vì thiếu chip, linh kiện lắp ráp do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy.
Chung số phận với nhiều “sàn diễn” ô tô đình đám nhất thế giới, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cũng đã khiến Triển lãm ô tô Việt Nam 2021 không thể diễn ra như kế hoạch. Đây là lần thứ 2 liên tiếp, triển lãm ô tô lớn nhất Việt Nam (Vietnam Motor Show 2021) bị hủy bỏ. Trước tình cảnh khó khăn của ngành ô tô do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đầu tháng 12/2021, Chính phủ đã ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước. Đây là lần thứ 2 trong vòng 2 năm trở lại đây, Chính phủ ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước. Nhờ vậy, thị trường ô tô trong nước đã có sự khởi sắc trong tháng cuối cùng của năm 2021.
2022: Kỳ vọng trong thận trọng
Hiện tại, dù nguồn cung chip hiện đang cải thiện nhưng theo dự báo của các chuyên gia vẫn cần thời gian để mọi thứ mới trở lại bình thường. Với bối cảnh này, việc cắt giảm sản lượng sẽ tiếp tục ảnh hưởng nặng nề lên các hãng sản xuất trong năm 2022. Thậm chí, ngành công nghiệp ô tô đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các linh kiện khác, ảnh hưởng đến sản phẩm như lốp xe, nhựa nội thất và đệm cho ghế ngồi. Theo nhà phân tích Tyson Jominy của J.D. Power, ngay cả khi sản xuất đã phục hồi, các đại lý vẫn không thể tích trữ đủ hàng tồn kho cho đến năm 2022. Do đó, người tiêu dùng sẽ vẫn phải đối mặt với tình trạng hạn chế xe để lựa chọn, trong khi giá tiếp tục tăng.
Tuy nhiên, ở góc nhìn lạc quan, thị trường ô tô Việt Nam 2022 đón nhận nhiều làn gió mới, kỳ vọng mới. Kỳ vọng này đến từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ có hiệu lực đến tháng 31/5/2022. Chính sách này trùng với mùa mua sắm cao điểm cuối năm nên doanh số trong những tháng đầu năm 2022 sẽ rất tốt. Theo đại diện VAMA, các thành viên hiện vẫn chưa họp bàn về kế hoạch, mục tiêu cho năm 2022 nên khó nhận định tình hình doanh số tăng hay giảm trong năm tới, tuy nhiên, trước mắt, có thể lạc quan vì xu hướng kích cầu tiêu dùng được tập trung.
Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường ô tô năm 2022 sẽ có năm xu hướng chính. Đầu tiên là xe Hàn duy trì vị thế số một tại thị trường ô tô Việt Nam. Kế đến là sự lên ngôi của các dòng Crossover và SUV. Xu hướng thứ ba là chính sách ưu đãi của Chính phủ là động lực chính thúc đẩy sự phục hồi của ngành ô tô năm 2022. Xu hướng tiếp theo là xe điện (EV) sẽ trở thành phương tiện phổ biến trong tương lai. Cuối cùng, xu hướng “Make in Việt Nam” sẽ tạo cơ hội cho VinFast và các doanh nghiệp phụ trợ.
Hà Đỗ