Thị trường nhà đất Hà Nội: Đảo chiều âm
(TT&VH Online) - Giao dịch nhà đất tiếp tục “về mo” khiến cho các TT môi giới nhà đất lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Nhiều Cty đã tiến hành hạ biển văn phòng tư vấn nhà đất do không cầm cự được trước chi phí trả lương cho nhân viên. Và không ít “cò” nhà đất đã đổi nghề kiếm sống.
Cách đây nửa năm, đến các tuyến phố Khuất Duy Tiến, Nguyễn Phong Sắc, Ngô Gia Tự, Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu (Hà Nội)… lướt qua các tấm biển kiốt ai cũng nghĩ rằng đây là “con phố nhà đất”. Nhưng hiện nay những văn phòng loại hình kinh doanh này đều “vắng như chùa Bà Đanh” hoặc tạm đóng cửa. Hầu hết, những trung tâm, văn phòng này đều mọc lên hồi cuối năm 2007 và đầu năm 2008 để ăn theo các dự án khu đô thị mới trước thông tin mở rộng Hà Nội.
Giám đốc một Cty chuyên kinh doanh BĐS ở Hà Nội (yêu cầu không nêu tên) cho biết: “Cty của tôi có tất cả 10 trung tâm môi giới nhà đất đóng đô ở Hoài Đức - Hà Tây, Cầu Diễn - Hà Nội) và khu vực TP Hà Đông... Nửa năm trước, lợi nhuận khá tốt nhờ các hợp đồng môi giới chuyển nhượng đất đai, mua đi bán lại các lô biệt thự ở khu đô thị mới. Nhưng gần 3 tháng nay các giao dịch gần như bằng không, dù hàng tháng vẫn phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để nuôi đội ngũ nhân viên, “cò” lên tới 70-80 người”.
Anh Toàn Thắng, phụ trách kinh doanh Cty môi giới BĐS Phúc Lộc, đường Ngô Gia Tự cho biết: “Tôi đã quyết định đóng cửa văn phòng gần 2 tháng nay, do chi phí trả lương cho nhân viên quá cao trong khi các loại nhà đất đều không giao dịch được”. Anh Nguyễn Quang Thiều, phụ trách Văn phòng giao dịch địa ốc Thành Đạt, phố Nguyễn Du cho biết: “Văn phòng tôi vẫn đang trong giai đoạn cầm cự. Dù chưa đến mức phải đóng cửa nhưng tình hình hết sức khó khăn. Tôi đang thực hiện chiến dịch cho một nửa số nhân viên nghỉ không lương do phần lớn trong số này đều là người ngoại tỉnh lại đang trong giai đoạn làm vụ mùa, nhiều người cũng muốn về phụ giúp gia đình”.
Trên thực tế không chỉ nhiều văn phòng, trung tâm môi giới đóng cửa hàng loạt dự án xây dựng khu đô thị mới bị đình hoãn, có nguy cơ “rã đám”. Thống kê của Sở KH-ĐT tỉnh Hà Tây, đến thời điểm này đã có khoảng 30 dự án, (chủ yếu là dự án kinh doanh BĐS đã đăng ký hoặc đã triển khai) đầu tư bị đình trệ do khó khăn về mặt bằng, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao dẫn đến khách thờ ơ với các dự án nhà ở và chính nhiều chủ đầu tư không còn mặn mà với dự án của mình.
Nhiều chiêu khuyến mãi để cầm cự
Để cải thiện tình trạng ảm đạm này, nhiều trung tâm môi giới đã thực hiện kích cầu bằng cách giảm hoặc miễn phần trăm hoa hồng cho bên mua, chỉ tính phần trăm cho bên bán. Nhiều nơi không lấy tiền dẫn đường cho khách. Bên cạnh đó, trên mạng hàng loạt các Cty, trung tâm môi giới trưng biển khuyến mãi khá hấp dẫn: “Mua nhà khuyến mãi toàn bộ nội thất: máy lạnh, máy giặt, máy nước nóng, ti vi, tủ lạnh, bàn, ghế”... nhưng lượng khách click chuột vào những dòng này vẫn rất khiêm tốn. Thậm chí, có khu chung cư rao bán: “Tặng một xe hơi hiệu Matiz đời 2008 khi mua căn hộ gần 100m2 rẻ hơn giá thị trường: khoảng 17 triệu đồng/m2, giá thị trường là 19 triệu đồng/m2”. Hay “bán chung cư, nhà liền kề, đất biệt thự với giá gốc, chênh lệch chỉ có 1-1,5 triệu đồng/m²”. Trong khi 3-4 tháng trước, mức tiền chênh lệch lên tới 3-8 triệu đồng/m².
Sau hàng loạt cố gắng cắt lãi, không cần lãi nhưng không thành công, nhiều nhà đầu tư đã chấp nhận thanh lý hợp đồng với chủ đầu tư để trút đi gánh nặng tài chính. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh doanh BĐS thì thị trường nhà đất Hà Nội sẽ còn tiếp tục giảm nhưng có thể sẽ không giảm tới... 50%!
Ông Nguyễn Quang Thiều, Phụ trách Văn phòng giao dịch địa ốc Thành Đạt nhận định, thị trường BĐS không chỉ đóng băng mà đang suy thoái. Nhiều nhà đầu tư kinh doanh BĐS trong nước đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, phá sản. Cần phải đưa ra giải pháp để thị trường được tồn tại trước, sau đó mới nghĩ đến phát triển. Nguyên nhân chính làm thị trường suy thoái là do giới đầu cơ chuyên nghiệp rút vốn ra khỏi thị trường đúng vào thời điểm Nhà nước tập trung các biện pháp thắt chặt tiền tệ để “cắt cơn” lạm phát và chống đầu cơ. Bên cạnh đó, cơn sốt giá vật liệu xây dựng làm tình hình thị trường càng trở nên trầm trọng.
Tuy nhiên theo nhận định của GS, TS Đặng Hùng Võ, Nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT thì đây là điều chỉnh cần thiết, là tín hiệu tốt và giúp thị trường BĐS đang trở về đúng giá trị thực của nó. Hiện tình trạng ế ẩm đã khiến cho quan hệ mua bán đã đảo ngược tình thế không như trước đây, người mua phải lép vế, còn người bán thì thoải mái “hét” giá. Nhưng hiện nay người mua đã quay lại mặc cả và có những tính toán đúng hướng, không bị cuốn theo cầu ảo của thị trường. Điều này cũng sẽ giúp cho các nhà đầu tư có hướng đầu tư đúng, hiệu quả hơn và sẽ giúp thị trường đi vào ổn định.