Thí điểm xe đạp công cộng ở trung tâm: Để không... xếp xó
(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần qua, thông tin từ UBND TP.HCM cho biết: Sở Giao thông Vận tải của thành phố sẽ hoàn thiện đề án thí điểm mô hình xe đạp công cộng ở khu vực trung tâm thành phố. Thời hạn trình đề án là vào giữa tháng 1/2018.
Như các ý tưởng được giới thiệu (từ nhà cung cấp nước ngoài), đây sẽ là mô hình xe đạp công cộng được quản lý và vận hành thông minh,với hệ thống "bản đồ" các điểm có xe hiển thị trên điện thoại di động. Cộng cùng mã QR để mở khóa, người dùng có thể thuê xe, sử dụng và trả xe ở bất cứ "bãi xe đạp công cộng" nào trên thành phố, thay vì phải quay về điểm lấy xe ban đầu (mô hình vận hành đa điểm).
Chắc chắn, tất cả người Việt chúng ta không lạ gì với xe đạp. Và cũng không lạ gì với khái niệm "thuê xe đạp" ở thời điểm bây giờ - dù nó không còn chiếm tới 99% các phương tiện giao thông đô thị như vài mươi năm trước.
Chỉ có điều, việc thuê xe đạp hiện nay chủ yếu diễn ra ở các điểm du lịch, và hướng tới việc phục vụ du khách. Còn với đề án xe đạp công cộng đang được nghiên cứu, bên cạnh mục đích... vãn cảnh, rõ ràng xe đạp đang được khuyến khích để sử dụng đúng với chức năng vốn có của mình: như một phương tiện giao thông.
Bởi, như đề án đang được TP HCM nghiên cứu, mô hình xe đạp công cộng được kỳ vọng sẽ giúp thành phố hạn chế xe cá nhân vào trung tâm, đặc biệt là ở các giờ cao điểm.
Ví dụ theo cách đơn giản nhất, thay vì sử dụng ô tô riêng hoặc xe máy, người dân có thể đi bằng xe bus công cộng tới các điểm trung tâm, sau đó lấy xe đạp từ các trạm liền kề (thường được bố trí gần trạm xe bus) để tiếp tục đi tới "mục tiêu". Khi trở về, nếu đi trên lộ trình khác với một tuyến xe bus khác, người ta cũng chỉ việc trả xe đạp ở một trong số các trạm xe gần nhất.
Ai cũng hiểu những tích cực mà việc sử dụng xe đạp mang lại – cả ở góc độ rèn luyện sức khỏe cá nhân lẫn bảo vệ môi trường. Và thực tế, mô hình xe đạp công cộng này cũng là mô hình đang phổ biến hơn 200 thành phố trên thế giới. Ở những thành phố ấy, xe đạp phổ biến đến mức như tại Thành Đô (Trung Quốc) có 8 triệu dân thì hàng ngày có tới 3 triệu lượt xe đạp công cộng được sử dụng.
Cũng cần nói thêm, ngoài TP.HCM, Hà Nội cũng đã nhiều lần nhắc tới ý tưởng thí điểm mô hình xe đạp công cộng này.
***
Thế nhưng, 2 chữ "công cộng" khi nói về đề án ấy cũng vẫn khiến người viết băn khoăn. Bởi, trước xe đạp, câu chuyện về những phương tiện giao thông công cộng khác cũng đang làm chúng ta đau đầu về tính khả thi của nó.
Bởi, ai cũng hiểu, về bản chất, bất cứ phương tiện giao thông công cộng nào cũng không thể tiện dụng bằng phương tiện cá nhân. Và, đó là lý do để nhìn vào một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, báo chí quốc tế gọi xe máy là đặc sản của những đô thị lớn, với những biển xe máy ngập trong tắc đường và khói bụi.
Chưa kể, để đạt hiệu quả tốt nhất, mỗi phương tiện giao thông công cộng cũng cần được tạo điều kiện tối ưu để vận hành. Và, khi mà diện tích đường giao thông trong các đô thị của chúng ta còn hạn chế, việc tối ưu hóa ấy cũng đồng nghĩa với yêu cầu giảm bớt diện tích giao thông dành cho xe cá nhân.
Câu chuyện về những tuyến xe bus tại Hà Nội và TP.HCM là một ví dụ. Khi không được ưu tiên về làn đường, cũng như phần diện tích vỉa hè để tiếp cận với các trạm xe, loại hình giao thông công cộng ấy lại trở thành... gánh nặng cho giao thông nội đô, và cả người dùng bởi những bất tiện mà nó mang về.
Xe bus phổ thông còn chưa thể được ưu tiên, việc sử dụng xe đạp công cộng sẽ đạt hiệu quả ra sao – khi mà ở các thành phố trên thế giới, người ta còn quy hoạch cả những làn đường hoặc phần vỉa hè để dành riêng cho người đi xe đạp?
Bởi thế, những giải pháp đồng bộ cho việc vận hành mô hình xe đạp công cộng, cũng như ý thức của người sử dụng, chính là các rào cản đang chờ đợi ý tưởng rất đẹp này.
Đã quyết tâm khuyến khích sử dụng xe đạp công cộng, chúng ta đừng để những chiếc xe ấy phải xếp xó – như cách mà nhiều gia đình đang làm với chiếc xe đạp còn lại trong nhà mình.
Anh Bảo