Top 10 tay vợt thi đấu nhiều nhất lịch sử WTA: Serena không 'đủ tuổi', Navratilova vô đối
(Thethaovanhoa.vn) - Với 25 năm thi đấu chuyên nghiệp, ít ai ngờ Serena Williams không lọt vào Top 10 tay vợt chơi nhiều trận nhất trong lịch sử WTA. Nhưng ở vị trí dẫn đầu, không ai ngạc nhiên khi huyền thoại Martina Navratilova vô đối.
Dẫu sao với việc vẫn còn đang thi đấu, và đã gần đạt mốc 1.000 trận (834 thắng – 144 thua), Serena Williams vẫn còn cơ hội gia nhập danh sách này. Cụ thể, tay vợt sắp 39 tuổi này sẽ lọt vào Top 10 nếu đánh thêm 48 trận nữa. Nhưng để vượt qua kỷ lục 1.661 trận của Martina Navratilova thì quả là không tưởng.
10. Stephanie Foretz – 1.025 trận
Chắc chắn sẽ có nhiều người phải nhướng mày hỏi: "Stephanie Foretz là ai?". Lý do: Dù đã thi đấu chuyên nghiệp 23 năm (từ 1997 đến nay), chơi hơn 1.000 trận (570 thắng – 455 thua), nhưng tay vợt người Pháp này chưa giành nổi một danh hiệu WTA nào. Vị trí cao nhất mà cô đạt được chỉ là hạng 62 thế giới, còn thành tích tốt nhất ở Grand Slam là bị loại ở vòng 3 US Open 2002.
Chính vì vậy, số tiền thưởng tích cóp của Foretz trong suốt hơn 2 thập kỷ qua chỉ là 1.881.212 USD.
9. Conchita Martinez – 1.036 trận
Nhà vô địch Wimbledon 1994 thi đấu chuyên nghiệp từ năm 1988 đến 2006 và kết thúc sự nghiệp với 33 danh hiệu WTA (1 Grand Slam), cùng thứ hạng cao nhất là thứ 2 thế giới. Ngoài chức vô địch ở Wimbledon, Conchita Martinez từng về nhì tại Australian Open 1998 và Roland Garros 2000.
Trong số 1.036 trận đã chơi, Conchita Martinez thắng 739 trận, đạt hiệu suất 71,3%.
8. Samantha Stosur – 1.048 trận
Stosur là một trong số hai tay vợt còn thi đấu nằm trong Top 10 này, và cô đã cam kết rằng ít nhất sẽ còn dự Australian Open 2021 nữa. Danh hiệu lớn nhất trong sự nghiệp của tay vợt 36 tuổi này là chức vô địch US Open 2011. Ngoài ra, cô cũng giành vị trí á quân Roland Garros 2010.
Stosur đã có 9 danh hiệu WTA trong sự nghiệp, nhưng tỷ lệ thắng thua của cô thì chỉ là 57,7% (605–443). Nếu tiếp tục giữ được sự bền bỉ của mình, Stosur hoàn toàn có thể lọt vào Top 5 tay vợt thi đấu nhiều nhất trước khi giải nghệ.
7. Arantxa Sanchez Vicario – 1.055 trận
Tay vợt cựu số một thế giới người Tây Ban Nha thi đấu chuyên nghiệp từ năm 1985 trước khi treo vợt vào năm 2002. Đỉnh cao trong sự nghiệp của cô là cuối những năm 80, và những năm 90, với 3 chức vô địch Roland Garros (1989, 1994, 1998,) và 1 US Open (1994).
Nhưng điều tiếc nuối nhất với Sanchez Vicario là từng 8 lần về nhì ở Grand Slam, trong đó có 5 lần trước Steffi Graf. Cô kết thúc sự nghiệp với thành tích 759 thắng – 295 thua (72%), và 16.942.640 USD tiền thưởng.
6. Venus Williams – 1.060 trận
Tay vợt còn thi đấu thứ hai trong Top 10, sau Samantha Stosur. Và cho dù đã ở buổi hoàng hôn của sự nghiệp, Venus vẫn hoàn toàn có thể lọt vào Top 5 trong vài tháng tới. Với 7 danh hiệu lớn (5 Wimbledon, 2 US Open), Venus đang đứng thứ 8 trong bảng vàng Grand Slam.
Venus đã thắng 76,4% số trận đã chơi trong sự nghiệp (811 – 251), và với 41.805.656 USD, cô chỉ kém mỗi cô em gái Serena Williams về số tiền thưởng trong sự nghiệp.
5. Francesca Schiavone – 1.093
Tay vợt người Ý đã thi đấu chuyên nghiệp trong hai thập kỷ trước khi giải nghệ năm 2018. Cô đã giành 8 danh hiệu WTA, với tỷ lệ thắng – thua là 614 – 479 (56,2%).
Khoảnh khắc đỉnh cao trong sự nghiệp của Schiavone là mùa hè 2010 khi cô vô địch Roland Garros. Một năm sau, cô tiếp tục vào chung kết ở Paris, nhưng đã thua Li Na.
4. Patty Schnyder – 1.099 trận
Cùng với Foretz, Schnyder là tay vợt thứ hai trong Top 10 không giành nổi một Grand Slam nào. Thành tích tốt nhất của tay vợt người Thụy Sĩ là lọt vào bán kết Australian Open 2004. Nhưng Schnyder hơn hẳn Foretz ở chỗ cô đã giành 11 danh hiệu WTA, và từng leo lên vị trí thứ 4 thế giới. Schnyder thi đấu chuyên nghiệp năm 1994, giải nghệ năm 2011, tái xuất năm 2015 trước khi giải nghệ lần 2 vào năm 2018.
3. Virginia Wade – 1.168 trận
Huyền thoại người Anh đã thi đấu trong giai đoạn 1962-1985, giành 3 Grand Slam (US Open 1968, Australian Open 1972, Wimbledon 1977). Trong suốt sự nghiệp của mình, Wade đã giành 55 danh hiệu và leo lên vị trí thứ 2 thế giới. Bà đã thắng 839 trận, thua 329 trận.
2. Chris Evert – 1.448 trận
Tay vợt thống trị trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước. Evert đã giành tới 18 Grand Slam trong giai đoạn 1974-1986. Huyền thoại người Mỹ đã có tới 260 tuần ở trên ngôi số một thế giới, giành 154 danh hiệu, và đặc biệt, chỉ thua 144/1.448 trận, đạt hiệu suất chiến thắng lên tới 89,99%.
1. Martina Navratilova – 1.661 trận
Người ta thường nói "Đừng bao giờ nói không bao giờ", nhưng có một điều có thể được coi như chân lý: Kỷ lục 1.661 trận của Navratilova sẽ không thể bị phá vỡ. Navratilova thi đấu chuyên nghiệp từ năm 1975, và chỉ treo vợt vào năm... 2006. Trong khoảng thời gian ấy, Navratilova đã giành 167 danh hiệu WTA (kỷ lục trong kỷ nguyên Mở), trong đó có 18 danh hiệu Grand Slam. Bà đã có 331 tuần trên ngôi số một thế giới, và kết thúc sự nghiệp với thành tích thắng – thua là 1.442-219 (86,8%).
Phương Chi