Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng: 'Thể thao Việt Nam sẽ hái quả ngọt'
(Thethaovanhoa.vn) - “Trên cơ sở sự đầu tư, phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng, thể thao Việt Nam hy vọng sẽ gặt hái được nhiều thành tích cao tại SEA Games 27”, ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với Thể thao &Văn hóa chiều qua.
Khẳng định vị trí tốp 3 SEA Games
* Thưa ông Vương Bích Thắng, việc tham dự SEA Games 27 và đặt mục tiêu giành trên 70 HCV, nằm trong tốp 3 chung cuộc có ý nghĩa như thế nào đối với thể thao Việt Nam (TTVN), đặc biệt là trong chiến lược phát triển đến năm 2020?
- Trong chiến lược phát triển TTVN đến năm 2020 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì mục tiêu của thể thao thành tích cao là đứng trong tốp 3 SEA Games. Việc nằm trong tốp 3 chung cuộc tại SEA Games có ý nghĩa rất quan trọng với TTVN trong giai đoạn hiện nay.
Bởi vì, muốn duy trì vị trí thứ 3 đoàn dẫn đầu SEA Games, chúng ta phải duy trì số môn thể thao và lượng VĐV đủ để tham dự và giành vị trí cao tại đấu trường SEA Games.
Việc đạt được mục tiêu nằm trong tốp 3 dẫn đầu SEA Games giúp TTVN thực hiện được kế hoạch thể thao thành tích cao trong chiến lược phát triển đến năm 2020. Bên cạnh đó, cùng với việc phát triển thể thao thành tích cao kết quả của đoàn TTVN nằm trong tốp 3 dẫn đầu SEA Games cũng sẽ tạo ra hiệu ứng tốt, thúc đẩy các địa phương, ngành, đào tạo đội ngũ VĐV.
Môn bơi lội của những VĐV như Ánh Viên (ảnh) được xác định là mục tiêu trọng điểm để đầu tư của thể thao Việt Nam. Ảnh: Thanh Niên
Chỉ có trên cơ sở duy trì lực lượng, chuyên môn như vậy, chúng ta mới đạt được mục tiêu phát triển cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao, đạt được những mục tiêu mà chiến lược phát triển thể thao đã đề ra.
* Tại SEA Games 27, điền kinh và bơi lội, 2 môn thể thao cơ bản của Olympic, được coi là trọng điểm của TTVN. Đây có phải là sự thay đổi trong chiến lược phát triển của TTVN hay không, thưa ông?
- Thực ra, việc xác định phát triển các môn thể thao Olympic là chủ trương của ngành đã từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này lại không hề đơn giản. Đối với các môn thể thao cơ bản của Olympic, muốn phát triển được thì cần phải có thời gian.
Tôi nhớ là sau SEA Games 22 năm 2003, lúc đó ngành TDTT đã xác định chuyến hướng đến những môn thể thao để dần hướng đến vị trí cao tại sân chơi châu Á. Tuy nhiên, chúng ta cần có thời gian, có phong trào, từ đó phát hiện ra những tài năng.
Có tài năng rồi thì phải có điều kiện về công nghệ, cơ sở vật chất kỹ thuật, chế độ dinh dưỡng để đáp ứng được các yêu cầu đào tạo.
Trong những năm gần đây, TTVN đã có những đầu tư, định hướng trong công tác đào tạo lực lượng VĐV. Đặc biệt, có sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, chúng ta đã phát hiện được một số tài năng và tập trung cao độ trong việc đào tạo cho các tài năng trẻ.
Sự tập trung đó dẫu chưa thể bằng các nước phát triển được nhưng vẫn là sự cố gắng rất lớn của các ngành, địa phương trong việc phối hợp với Tổng cục TDTT.
Tôi lấy ví dụ như ở điền kinh, Thanh Hóa hay một số địa phương khác đã sẵn sàng cùng với Tổng cục TDTT hỗ trợ kinh phí đưa các VĐV tài năng đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài, thi đấu nhiều giải quốc tế.
Với bơi lội cũng vậy, chúng ta có Ánh Viên của Quân đội, Quý Phước (Đà Nẵng) và Duy Khôi (TPHCM). Tổng cục TDTT kết hợp với ngân sách của các ngành, địa phương đầu tư, đưa VĐV ra đào tạo ở nước ngoài dài hạn.
Trên cơ sở như vậy, SEA Games 27, chúng tôi rất hy vọng sẽ gặt hái được thành tích bước đầu của những VĐV này.
Quyết liệt xây dựng lực lượng cho Asian Games và Olympic
* Vậy ngành thể thao đã có kế hoạch chuẩn bị như thế nào cho các đấu trường lớn hơn là Asiad và Olympic trong thời gian tới?
- Việc xác định mục tiêu vươn lên tầm Asian Games và Olympic đã có vì TTVN thường xuyên đứng trong tốp 3 ở các kỳ SEA Games gần đây.
Tuy nhiên, với các môn thể thao trong chương trình Asian Games, việc giành thành tích cao là rất khó khăn. Chúng ta phải thi đấu với các VĐV của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay CHDCND Triều Tiên, Thái Lan, các nước Tây Á hay Trung Á, dù là đấu trường Asian Games nhưng trình độ của họ đã đạt tới tầm thế giới.
Chúng ta muốn giành HCV ở các Đại hội như vậy thì phải vượt qua các VĐV hàng đầu châu lục. Cách tiếp cận là chúng ta trong vấn đề này là tập trung lựa chọn các nội dung phù hợp với tố chất con người Việt Nam cũng như khả năng đầu tư của chúng ta.
Chúng tôi đã có kế hoạch cho Asian Games 14, Olympic 2016 và sau SEA Games này sẽ triển khai. Hiện nay Tổng cục TDTT, Bộ VH, TT&DL đang triển khai xây dựng đề án đào tạo VĐV cho Asian Games 18 năm 2019, mục tiêu giành khoảng 10 HCV, đứng trong tốp 10
Khi nào xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan xong, chúng ta sẽ bắt tay vào thực hiện quyết liệt. Hiện nay thì các địa phương cũng đã chuẩn bị lực lượng VĐV rồi chứ không phải đợi đến khi nào có đề án mới triển khai.
* Người hâm mộ đang rất kỳ vọng vào ĐT U23 Việt Nam ở kỳ SEA Games này. Vậy xin ông cho biết quan điểm cá nhân về nhiệm vụ của ĐT U23 Việt Nam tại SEA Games 27?
- Chúng ta đều biết ĐT U23 Việt Nam hiện nay đang trong quá trình chuyển giao thế hệ, lực lượng có nhiều khó khăn. Xác định thực lực của ĐT U23 như vậy, ngay từ đầu năm 2013, Tổng cục TDTT, VFF tập trung đầu tư cho đội đi tập huấn nước ngoài, tổ chức các giải đấu giao hữu trong nước và quốc tế để nâng cao trình độ.
Nhiệm vụ đặt ra cho ĐT U23, chúng tôi xác định, trước hết các thành viên của đội phải thi đấu cống hiến, hết mình, làm hài lòng người hâm mộ cả nước.
Với nhiệm vụ chuyên môn, phải cố gắng vào sâu trong giải càng tốt, từ đó giành thành tích cao. Nhưng trên hết, toàn đội phải đá hay, đá đẹp, trung thực, phải làm thế nào để dù đội có đạt thành tích như thế nào thì người hâm mộ vẫn hài lòng về tinh thần, thái độ mà các cầu thủ thể hiện trong tất cả các trận đấu.
* Xin cảm ơn ông!
Thành Đạt (ghi)
Thể thao & Văn hóa