Thể thao ở Trường Sa: Nơi sân bóng chìm trong biển cả
(Thethaovanhoa.vn) - Sân bóng là đường băng của sân bay, hoặc là một bãi phẳng chìm sâu dưới mực nước lúc thủy triều lên, chơi thể thao ở quần đảo Trường Sa cũng trở nên siêu tưởng.
Có đội bóng mang tên Hướng về biển Đông
Ngày Tết, ở Trường Sa diễn ra rất nhiều hoạt động thể thao, không khí sôi động không khác gì một ngày hội ở đất liền. Nếu là kéo co, nhảy bao bố, bóng bàn, cử tạ hay các môn điền kinh, các chiến sĩ hầu hết đều diện trang phục nom rất... lính đảo: giày vải, quần dằn di, áo ngắn tay trắng.
Riêng với bóng bóng đá và bóng chuyền, các "VĐV chiến sĩ" mặc quần đùi, áo số như những đội bóng chuyên nghiệp. Nhưng những bộ trang phục thi đấu ấy lại chỉ được các chiến sĩ mặc một lần, vào mỗi dịp thi đấu chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc, ngày Tết hoặc mặc cho cánh nhà báo từ đất liền đến với các anh chụp hình, quay phim cho... đẹp. Xong, các anh lại giặt giũ, là lượt lồng vào túi nilon khóa biệt trong tủ.
Hôm chúng tôi đến thị trấn Trường Sa, các chiễn sĩ được "lệnh" diện trang phục. Lưng áo đều có số, nhưng cả hai đội chỉ có một cái tên: "Hướng về Biển Đông". Phân biệt chỉ dựa vào đội xanh và đỏ.
Những ngày bình thường, các chiến sĩ chỉ... cởi trần chơi thể thao. Trong ảnh: Đội thua phải... "hít đất" 10 lần/người
Khi trận đấu diễn ra, bình luận viên ngồi dưới gốc bàng vuông cầm micro cũng chỉ "điệp khúc" qua loa truyền thanh tên đội bóng, rất dí dỏm nhưng cũng không kém phần chuyên nghiệp: "Một cú "spike" (đập bóng) của Hướng về Biển Đông đỏ đã đập tay chắn của Hướng về Biển Đông xanh ra ngoài. Điểm cho Hướng về Biển Đông đỏ..." Hoặc: "Hướng về Biển Đông xanh bắt bước một lên... ngọn cây bàng vuông, điểm cho Hướng về Biển Đông đỏ..."
Ngay cả với các cổ động viên ngồi bao quanh sân cổ vũ cho hai đội cũng chỉ hò hét, gọi tên đội "Hướng về Biển Đông" mặc áo xanh hoặc đỏ chứ không gọi tên riêng các chiến sĩ, dù họ chẳng lạ gì nhau. Thi đấu xong, các anh lại cởi ra, đưa cho các chiến sĩ khác mặc đá bóng hoặc mang về giặt giũ, là lượt rồi lồng vào túi bóng cất tủ cẩn thận, chờ "mùa giải" tới lại mang ra diện.
Nếu không phải là ngày Lễ, Tết, các chiến sĩ trên đảo chỉ ra sân với quần đùi, áo cộc hoặc cởi trần. Ai có giày thì mang giày, ai không có giày thì... chân đất. "Ở đảo thời tiết khắc nghiệt, hơi muối nhiều nên tụi em phải bảo quản quân phục, trang phục rất cẩn thận. Để sắm được một bộ trang phục thể thao đồng bộ, chúng em phải nhờ người từ đất liền mua, in ấn rồi gửi theo tàu ra, rất lâu mới đến nơi. Lần nào in trang phục thì cũng chỉ lấy một tên ấy: Hướng về Biển Đông", Nguyễn Quang Hà – "libero" của đội áo đỏ "Hướng về Biển Đông" chia sẻ.
Trang phục thi đấu "chuyên nghiệp" chỉ có một cái tên: "Hướng về Biển Đông". Những dịp kỷ niệm ngành, lễ lớn của dân tộc hoặc ngày Tết, những người lính đảo mới mặc những bộ trang phục này....
Triết lý thể thao và "kỳ tích" dưới mực nước biển
Ở những đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa đều có sân bóng chuyền, kiêm cầu lông, đá cầu. Tất cả các mặt sân đều "đúc" bằng bê tông dày cộp.
Nhưng môn thể thao mà các chiến sĩ thích nhất vẫn là bóng đá. Hiềm nỗi dẫu có muốn đá bóng thì cũng không có bóng mà đá. Họa hoằn chiến sĩ nào trong đợt nghỉ phép về đất liền khi quay lại đảo bỏ ba lô được trái bóng thì những sân bóng chuyền mới được chuyển đổi thành sân bóng mini.
Riêng ở thị trấn Trường Sa, các chiến sĩ có một sân bóng đá bằng bê tông khá rộng rãi. Đó chính là bến đỗ máy bay ở cuối sân bay Trường Sa. Tất nhiên, các chiến sĩ chỉ đá bóng khi không có may bay cất hay hạ cánh, sau giờ tăng gia sản xuất cuối mỗi buổi chiều.
Có lần đang đá bõng, bỗng có báo động bất ngờ toàn đảo (trường hợp giả định – PV), các chiến sĩ ai nấy quần đùi, cởi trần cũng nhanh như sóc, nhanh chóng trở về vị trí sẵn sàng chiến đấu với thể trạng vẫn sung mãn, tỉnh táo.
Đó là một may mắn của những chiến sĩ ở Trường Sa lớn nhờ có sân đỗ máy bay để đá bóng. Còn với những đảo chìm, nơi không có nổi một khoanh đất trống để trồng một cây rau thì đá bóng hay bóng chuyền chỉ là một "ước mơ xa xỉ".
Hầu hết ở các đảo chìm, đảo nào cũng có phòng tập thể thao với chủ yếu các môn như cử tạ, bóng bàn, đạp xe, chạy máy hoặc nhẹ nhàng hơn và thiên về trí tuệ là cờ tướng, cờ vua...
Các máy móc và dụng cụ tập luyện cho các chiến chủ yếu là do đất liền gửi tặng và được các chiến sĩ trân quý, giữ gìn, bảo vệ như báu vật: cho vào phòng, đóng kín cửa để chống hơi muối, thậm chí có những đảo các chiến sĩ còn may áo bạt hoặc bọc túi nilon cho dụng cụ tập luyện khỏi bị han rỉ, xuống cấp.
Với những đảo chưa có dụng cụ tập luyện chuyên nghiệp, các chiến sĩ đã tự chế dụng cụ để rèn luyện, nâng cao sức khỏe. Đó có thể là những quả tạ đúc bằng bê tông, xà đơn, xà kép bằng những ống sắt phế liệu...
Đặc biệt ở đảo chìm Đá Lát, các chiến sĩ đã cất công cà phẳng một khoảng san hô để làm một sân bóng chuyền, kiêm cầu lông...
Tuy nhiên, do Đá Lát là đảo chìm, phần lớn thời gian trong ngày thềm san hô ngập trong nước biển nên để chơi thể thao trên sân bóng đặc biệt này, các chiến sĩ phải "rình" khi thủy triều rút, mặc quần áo bảo hộ dày, thậm chí đi ủng chống trượt mới chơi được.
Một chiến sĩ đảo Đá Lát kể: "Khi chúng em ra đảo thì sân bóng ấy có rồi. Chúng em chỉ là những người đến sau được thừa hưởng từ các chú, các anh đi trước. Dù chúng em không mấy khi đặt chân ra sân bóng ấy vì dù thủy triều xuống thì mặt sân cũng không thật sự phẳng và rất trơn chứ chưa nói gì đến chơi bóng. Nhưng với chúng em, đó thật sự là một kỳ tích của các chú, các anh đi trước. Chứng tỏ các chú, các anh rất yêu thích thế thao mới làm được việc đó".
Leo lên sân thượng nhà chỉ huy đảo Đá Lát, phóng tầm mắt theo hướng chỉ tay của người chiến sĩ về phía hai chiếc cọc bê tông bé xíu như hai que tăm cắm xuống đầu những con sóng bạc đang hối nhau tấp vào đảo. Dưới làn nước biển trong vắt, lọt giữa khe hai que tăm ấy là một hình chữ nhật nhờ nhợ màu trắng xám.
Đó chính là sân bóng chuyền dưới mực nước biển của đảo Đá Lát, thậm chí là duy nhất trên thế giới này.
Đó cũng chính là một bằng chứng, một kỳ tích (như người chiến sĩ đã nói) chứng minh cho tình yêu thể thao và ý chí phi thường, vượt qua mọi gian khó để rèn luyện bản thân, phụng sự tổ quốc của những người lính đảo Việt Nam.
(Còn tiếp)
Trong chuyến "du xuân" đến Trường Sa vừa qua, PV Thể thao & Văn hóa đã ghi lại bức tranh toàn cảnh về đời sống thể thao của những người lính đảo với những "mảng màu" vô cùng sống động và đặc biệt. Và, bức tranh ấy không có "dị bản"! |
Huy Thông
Thể thao & Văn hóa cuối tuần