Thắt dây an toàn - Thói quen để giữ mạng sống
(Thethaovanhoa.vn) - Được phát minh vào cuối thế kỷ thứ 19, dây an toàn ngày nay đã trở thành thiết bị tiêu chuẩn trên các xe ô tô, kể cả xe chở người cũng như xe tải. Cùng với túi khí, dây an toàn là chiếc phao cứu sinh dành cho lái xe và hành khách ngồi trên xe khi chẳng may có tai nạn xảy ra.
- Ngày đầu xử phạt vi phạm giao thông bằng 'mắt thần': 70 biên bản đã được gửi về... tận nhà
- Hà Nội bắt đầu xử phạt vi phạm giao thông qua hình ảnh từ 1/12
- Lái xe ở Úc: Một lần say xỉn 'sợ đến già'
Thao tác thắt dây an toàn khá đơn giản, chỉ cần ngồi vào ghế, kéo dây từ bên trái hoặc bên phải, vắt qua người và cài vào chốt cố định. Để thoải mái, người ngồi trên xe nên điều chỉnh đai phía dưới (đai ngang) ở tầm bụng dưới và xương chậu, đai trên (đai chéo) qua vai và thân người, nằm trên xương đòn và ngực, không ép lên cổ và mặt. Khi thắt dây an toàn, không được để đai trên phía sau lưng, hoặc luồn qua dưới cánh tay.
Ở Việt Nam, rất nhiều người vẫn chưa có thói quen thắt dây an toàn mỗi khi ngồi trên xe ô tô, dù luật pháp đã quy định rõ, việc thắt dây an toàn là bắt buộc đối với lái xe và hành khách ngồi ở hàng ghế phía trước.
Thậm chí, để tắt âm thanh “bíp, bíp” nghe rất khó chịu phát ra từ hệ thống cảnh báo được trang bị trên phần lớn các dòng xe hiện nay, một số người lái xeđối phó bằng cách vẫn cài chốt dây an toàn, nhưng luồn dây ra phía sau lưng, áp vào thành ghế, hoặc mua thêm một chiếc chốt phụ, cắm vào vị trí khóa dây an toàn, để đánh lừa chiếc xe rằng họ đã cài dây.
Theo các nhà khoa học, thắt dây an toàn sẽ góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng cho người ngồi trên xe. Khi xe phải phanh gấp, hoặc xảy ra tai nạn, nếu không thắt dây an toàn, người ngồi trên xe dễ bị chấn thương do va đập vào vật cản như vô-lăng, bảng đồng hồ, kính chắn gió hay hàng ghế phía trước. Trong những trường hợp nặng, khi xe chạy với tốc độ vao và dừng lại rất đột ngột, các va chạm này có thể khiến người ngồi trên xe tửng vong.
Khi xe di chuyển với tốc độ dưới 15 km/h, người ngồi trên xe vẫn cơ bản kiểm soát được vị trí của mình, do lực quán tính chưa đủ lớn. Nhưng khi xe chạy với tốc độ cao hơn, trọng lượng cơ thể lớn sẽ tạo ra quán tính lớn, và khi xe phải dừng đột ngột vì một lý do nào đó, quán tính này sẽ tiếp tục đẩy người lao về phía trước và tạo ra một lực va đập cực mạnh.
Dây an toàn sẽ giúp giữ người chặt ở băng ghế, không bị lao về phía trước theo quán tính, do đó hạn chế được tối đa nguy cơ chấn thương hoặc tử vong do va đập khi xe dừng đột ngột. Ngoài ra, hầu hết các xe ô tô được trang bị túi khí đều có điều kiện đi kèm: Cảm biến va chạm chỉ kích hoạt và túi khí chỉ bung ra trong trường hợp hành khách đã thắt dây an toàn. Thống kê tại một số nước cho thấy, số thương vong trong các vụ tai nạn giảm tới ba lần nhờ có dây an toàn, và dây an toàn cũng đã cứu sống người trong 75% số vụ tai nạn.
Hiện nay, hầu hết các nước văn minh trên thế giới đều xem việc thắt dây an toàn là quy định bắt buộc với bất cứ ai ngồi lên xe ô tô, kể cả người lái xe, hành khách bình thường và trẻ em. Trong trường hợp vi phạm, ngoài việc xử phạt lái xe thì bản thân hành khách ngồi trên xe cũng phải chịu trách nhiệm.
Ở Đức, nếu lái xe và người ngồi bên cạnh không thắt dây an toàn thì lái xe bị xử phạt, nhưng nếu hành khách ngồi ở các hàng ghế phía sau mà không thắt dây an toàn thì họ sẽ phải tự chịu trách nhiệm, vì lái xe không thể kiểm soát được người ngồi phía sau có thắt dây an toàn hay không.
Nếu không thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô, người vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, thậm chí không được bồi thường nếu xảy ra tai nạn, dù trước đó họ đã đóng đầy đủ các loại bảo hiểm. Một số nước lại có hình thức khuyến khích bằng cách tăng số tiền chi trả bảo hiểm cho những người thắt dây an toàn khi xảy ra tai nạn.
Tại Việt Nam, Nghị định 171-2013-CP quy định mức xử phạt 100.000 đến 200.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô có trang bị dây an toàn mà không thắt dây an toàn khi xe đang chạy.
Trên thực tế, việc thắt dây an toàn cũng tạo ra một chút bất tiện trong khi lái xe hoặc ngồi trên xe, đặc biệt khi phải với lấy những đồ vật ở xa. Tuy nhiên, chừng đólý do là không đủ để ngụy biện cho việc không thắt dây an toàn khi lái xe. Dù đi đường đô thị hay cao tốc, hãy luôn giữ cho mình thói quen thắt dây an toàn khi vừa ngồi lên xe, ở bất cứ hàng ghế nào. Đó là một hành vi văn minh, một nét văn hóa khi tham gia giao thông mà bất cứ ai cũng cần phải có.
Quan trọng hơn, việc thắt dây an toàn sẽ góp phần rất quan trọng giúp người ngồi trên xe giữ được tính mạng hoặc giảm thiểu mức độ chấn thương nếu chẳng may có tai nạn xảy ra.
Ghế an toàn dành riêng cho trẻ em Trẻ em dưới 10 tuổi cần được ngồi trên ghế riêng và thắt dây an toàn khi ở trên xe. Ghế ngồi dành cho trẻ em hiện được bán khá rộng rãi, với rất nhiều thương hiệu, chủng loại và mức giá, từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Ghế ngồi dành riêng cho trẻ em được đặt lên ghế ngồi thông thường của xe, giúp trẻ ngồi cao hơn, không bị dây an toàn chèn vào mặt và cổ, đồng thời có tầm quan sát bên ngoài tốt hơn. Người lớn không nên bồng bế, hoặc để trẻ em tự do di chuyển, nô đùa trên xe khi xe đang chạy, điều này đặc biệt nguy hiểm trong trường hợp xảy ra tai nạn. |
Đông Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần