Suất dự Olympic của kỷ lục gia điền kinh Nguyễn Thị Huyền
(Thethaovanhoa.vn) - Tuyển thủ từng phá 2 kỷ lục tại SEA Games 28 này vừa bất ngờ lọt vào danh sách dự tranh Olympic trên hai đường chạy 400m và 400m rào. Huyền đã "thoát hiểm" đầy may mắn song với sự chuẩn bị hời hợt và phong độ kém cỏi như hiện tại, chị sẽ tham dự đấu trường Rio theo cách của một người đến... nhận thưởng.
- Nguyễn Thị Huyền tại giải điền kinh VĐTG 2015: Thất bại của bài toán hiệu quả
- Nguyễn Thị Huyền thất bại ở nội dung sở trường
- Nguyễn Thị Huyền đạt chuẩn Olympic và giành HCV nội dung 400m nữ: Không cần đi Mỹ vẫn làm nữ 'Siêu nhân'
Tại SEA Games 2015, Nguyễn Thị Huyền đã lập kỳ tích khi trở thành VĐV Việt đầu tiên vượt chuẩn Olympic ngay tại sân chơi có chất lượng chuyên môn thấp này, chưa kể còn ở 2 nội dung 400m và 400m rào. Tuy nhiên, cũng chỉ sau SEA Games không lâu, Huyền nhận hung tin vì cả hai thông số vượt chuẩn (52"00 nội dung 400m và 56" 15 nội dung 400m rào) chưa đủ giúp cô lọt vào danh sách các VĐV giành quyền dự tranh Olympic theo quy định.
Càng tệ hại hơn bởi số lượng đấu thủ đạt và vượt chuẩn trên thế giới ngày càng đông. Huyền liên tục bị rớt hạng trên BXH, có thời điểm cách xa vị trí đoạt suất tới 20-30 bậc. Ở một số cuộc đấu loại trực tiếp sau đó, chân chạy quê Nam Định cũng không thể tranh chấp, thậm chí thành tích luôn kém xa đỉnh cao mình từng chinh phục được trên đất Singapore.
Nguyễn Thị Huyền may mắn có suất dự Olympic Rio 2016.Ảnh: Q.T
Các nhà quản lý cùng bản thân Huyền đều xác định cơ hội giành vé tới Brazil với kỷ lục gia này đã sớm khép lại. Thế nhưng, theo thông báo mới nhất từ Liên đoàn Điền kinh Thế giới, Huyền đã có mặt trong 48 VĐV của 400m và 40 VĐV ở 400m rào tranh tài tại Olympic. Dù cả 2 thông số của Huyền tại SEA Games đều đứng ngoài Top 60 song chị được trao suất căn cứ vào số lượng phân bổ cho từng quốc gia, châu lục. Trong đó, quan trọng nhất, mỗi nước chỉ được cử tối đa ba VĐV cho mỗi nội dung.
Với Huyền, việc giành vé tới Olympic thực sự giống như một cuộc “thoát hiểm” đầy may mắn. Chị cũng giúp cho điền kinh Việt Nam hoàn thành chỉ tiêu có hai đại diện ở đấu trường quốc tế lớn nhất.
Đến Olympic như đi... nhận thưởng
Khi Huyền được trao suất, ngành thể thao từng tính đến cả phương án thay thế chị bằng người đồng đội Quách Thị Lan đang tập huấn tại Mỹ. Đơn giản vì với sự chuẩn bị hời hợt và phong độ kém cỏi như hiện tại, Huyền sẽ không thể có một kết quả tốt tại Olympic, dù mục tiêu chỉ là vượt qua chính mình.
Sau SEA Games 28 đạt tới “điểm rơi” rực rỡ, Huyền đã rơi vào tình trạng tụt dốc không phanh, gắn với chấn thương chân, sự sa sút về động lực và nhất là cách thức tập luyện, thi đấu không giống ai. Với lý do chân đau, bận học lại thi lại hay tham dự các sự kiện bên lề, suốt một năm qua, mỗi tuần Huyền chỉ xuất hiện trên sân vài buổi, mang nặng tính ứng phó.
Rồi chính những buổi tập ấy cũng đều kết thúc sớm, với khối lượng và chất lượng rất tệ. Ông thầy ruột Vũ Ngọc Lợi từng chán nản và bức xúc tới mức viết đơn lên Tổng cục TDTT xin... thôi dẫn dắt học trò. Điều đó không xảy ra khi ngành thể thao đứng ra hòa giải song rốt cuộc mọi chuyện đâu lại vào đấy.
Rất bi hài bởi sau kỳ tích SEA Games, ngành thể thao đã dành sẵn một khoản kinh phí để đưa Huyền sang nước ngoài rèn chân tại Nga hay Mỹ. Chỉ có điều, bản thân Huyền lại kiên quyết từ chối sự đầu tư đặc biệt ấy, với quan điểm chỉ cần tập ở trong nước cũng đủ. Cộng thêm sự thiếu quyết liệt của HLV Vũ Ngọc Lợi, và nhất là sự nửa vời của các nhà quản lý, thay vì có một cuộc xuất ngoại để chí ít cũng giúp chị có thể tập trung trở lại, Huyền tiếp tục đủng đỉnh vừa tập luyện vừa tranh thủ lo các việc ngoài chuyên môn.
Hiện tại, tuyển thủ nằm trong diện trọng điểm cho Olympic hưởng mức tiền ăn, tiền công 800 nghìn đồng/ngày này chủ yếu ăn tập ngay tại Nam Định, với “quân xanh” là các đàn em ở cùng đơn vị.
Điều đáng nói, ngay cả lúc này, khi Huyền đã được trao suất, những người có trách nhiệm vẫn chưa có kế hoạch gì mới nhằm “cứu vãn” phần nào phong độ của chị trong 2 tháng cao điểm còn lại. Có thể Huyền sẽ tập luyện tích cực hơn, song một màn trình diễn khả dĩ cho Olympic đã coi như không thể, bất chấp chị có quyết tâm nỗ lực 200%.
Ngay ở giai đoạn chưa quá sa sút, tại giải vô địch thế giới, Huyền cũng chỉ đứng 28/37 VĐV tranh tài nội dung 400m rào, với thông số 57”31, kém xa mức 56”15 ở SEA Games. Có thể dự báo trước về một kết quả tệ hơn thế nhiều ở Olympic sắp tới.
Nguyễn Thị Huyền suy cho cùng cũng chỉ là một điển hình của môn điền kinh và cả một nền thể thao, trong tương quan trình độ và cách tiếp cận với một đấu trường quá sức như Olympic. Môn điền kinh có được hai đại diện coi như hoàn thành nhiệm vụ, còn một VĐV đoạt suất như Huyền sẽ tham dự giống như người đi lĩnh thưởng chứ không phải thi thố. Việc đến Olympic để làm được cái gì không ai quan tâm, với suy nghĩ có cố gắng kiểu gì vẫn vậy.
Câu chuyện “thi xong tất cả lại về” sẽ còn kéo dài với hầu hết các môn của TTVN, dù rằng sự hời hợt, thái độ tiêu cực trong chuẩn bị của môn điền kinh, hay cá nhân Nguyễn Thị Huyền thật sự đáng tiếc và đáng trách.
Thưởng hay không thưởng? Nếu xét về mặt chuyên môn thuần túy, việc giành một tấm vé dự tranh Olympic với một tuyển thủ Việt Nam khó hơn nhiều đoạt HCV SEA Games, thậm chí huy chương châu lục. Không phải ngẫu nhiên, con số 20 ở thời điểm này đã được coi như một kỷ lục, cho dù hãy còn quá nhỏ bé so với mặt bằng chung thế giới. Và đó là lý do khiến những người trong cuộc cảm thấy mình thua thiệt, phấn nào đó bất công khi không được nhận thưởng khi đoạt suất tới Brazil. Nhiều ý kiến cho rằng mỗi gương mặt vượt qua vòng loại chí ít cũng xứng đáng nhận ngang mức HCV SEA Games. Từ đó, chính ngành thể thao cũng cảm thấy khó xử, khi mà suất Olympic không có trong quy định thưởng của nhà nước. Có lẽ ở đây đang có vấn đề về cách nhìn nhận. Một suất dự tranh Olympic đang được đánh đồng với thành tích, trong khi bản chất đó không phải là thành tích, được cụ thể bằng thứ hạng tại các giải đấu chính thức trong hệ thống từ quốc gia tới quốc tế. Chuyện Việt Nam ngày càng có nhiều tuyển thủ vượt qua vòng loại có thể chứng tỏ bước tiến nhiều mặt song không thể quy đồng giống như những tấm huy chương cụ thể. Các nhà soạn thảo đã hoàn toàn chính xác khi không đưa suất Olympic vào danh mục thưởng của nhà nước. Trên thế giới cũng chưa có nước có quy định thưởng cho suất Olympic, cho dù họ có thể “treo” thưởng tùy theo mục tiêu, điều kiện cụ thể. Vì thế, việc VĐV đoạt suất Olympic phải có thưởng không cần phải đặt ra. Tất nhiên, ngành thể thao bằng các quỹ của mình, hay các Liên đoàn có thể có các hình thức hỗ trợ, động viên lại là câu chuyện khác, rất nên. |
Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần