Scandale doping của điền kinh Nga: Cơn rùng mình của Chiến tranh Lạnh
- Nga tự tin lệnh cấm với các VĐV điền kinh sẽ sớm được dỡ bỏ
- Bê bối doping: Điền kinh Nga CHÍNH THỨC bị cấm tham dự Olympic 2016
- Bê bối doping của điền kinh Nga: Người trong cuộc nói gì?
Thời nay, chỉ có những người hâm mộ thể thao ngây thơ nhất mới cảm thấy bị sốc vì một thông tin có liên quan đến doping. Nói gì thì nói, gần 2/3 số cua-rơ đứng trong Top 10 của giải Tour de France từ năm 1998 đến 2013 đều đối mặt với cáo buộc sử dụng chất kích thích và việc rò rỉ kết quả các cuộc kiểm tra máu trong trong năm nay đã cho thấy chừng 1/7 số VĐV điền kinh có kết quả “có dấu hiệu của doping”.
Mặc dù thế, báo cáo về các VĐV điền kinh của Nga được Uỷ ban chống doping thế giới (WADA) công bố ngày 9/11 vừa qua vẫn tạo nên scandal. Hay nói đúng hơn, một scandal rất cũ. Bởi thay vì chỉ đích danh từng cá nhân VĐV, WADA đã buộc tội Nga tổ chức một chương trình doping quy mô và chính sách thể thao mang tính quốc gia, có hệ thống này đã làm giảm tính minh bạch trong thi đấu tưởng như đã chấm dứt cùng với Chiến tranh Lạnh.
Một câu hỏi đặt ra là tại sao WADA chỉ “tấn công” vào Nga mà không phải Kenya hay Thổ Nhĩ Kỳ, dù bản báo cáo hồi tháng 6 cho thấy nước này dẫn đầu về số trường hợp sử dụng doping trong năm 2013, chiếm 11,5% thế giới? Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) ngay lập tức đã tước huy chương của bảy VĐV của Nga, gần nhất là VĐV ném đĩa Darya Pishchalnikova, nhưng báo cáo của WADA, bắt nguồn từ bộ phim tài liệu năm 2014 của kênh ARD, còn mang một ý nghĩa lớn hơn việc phơi bày những quả táo thối.
Thậm chí, họ dường như muốn chỉ cho tất cả thấy rằng, chính các quan chức thể thao Nga đã tiếp tay cho sự gian lận như chương trình “State Plan 14.25” tai tiếng trước đây của Đông Đức cũ, một chương trình sử dụng chất kích thích mang tính quốc gia với hơn 10.000 VĐV có liên quan. Và cách giải thích của họ theo như lời Dick Pound, đồng tác giả của bản báo cáo và là cựu Chủ tịch WADA, thì “Mọi chuyện nghiêm trọng hơn chúng tôi nghĩ. Rất có thể đây là tàn dư của thời Liên Xô cũ.”
Trong bản báo cáo của WADA, Sergey Portugalov, người đứng đầu đội ngũ y tế của Liên đoàn điền kinh Nga (ARAF), được nhắc đến rất nhiều. Các nhà điều tra đã công bố một email trong đó Portugalov động viên Yuliya Rusanova, VĐV ở nội dung 800m, tăng nồng độ testosterone lên. Sau đấy, Rusanova có ghi âm lời HLV của cô, Vladimir Mokhnev, khi ông này đưa cho cô một gói các chất cấm từ “Viện” mà WADA tin rằng đây là một tổ chức do Portugalov đứng đầu. Ngoài ra, bản báo cáo cũng buộc tội Portugalov là người giám sát trực tiếp quá trình tiêm chất cấm vào VĐV.
Liệu có động cơ nào ngoài thể thao trong scandale doping của điền kinh Nga?
Thể thao không chính trị?
Tuy nhiên, nếu những cáo buộc nhằm vào Portugalov là đúng, một mình Portugalov sẽ phải chịu trách nhiệm, trong khi WADA lại cho rằng “chính phủ Nga đã hăm dọa, can thiệp” để che giấu mọi chuyện. Cụ thể hơn, họ đã thành lập một phòng thí nghiệm bí mật có nhiệm vụ lọc các kết quả dương tính và những nhân viên an ninh đóng vai các kỹ sư sẽ làm thay đổi hoặc xóa bỏ kết quả kiểm tra. Và theo đội ngũ kiểm tra doping của WADA tại Moskva, họ được lệnh phải kiểm tra các mẫu thử không xác định và hủy bỏ ngay sau đó.
Còn như Liliya Shobukhova, một VĐV marathon, tiết lộ,cô phải trích 450.000 euro (480.000 USD) trong số tiền thưởng và trả cho ARAF để đổi lại việc hủy bỏ những mẫu thử có dương tính của mình. (Theo WADA, 1.417 kết quả kiểm tra từ các VĐV của Nga đã biến mất trong cuộc thanh tra vào tháng 12/2014) Và theo Vitaly Stepanov, cựu nhân viên của Uỷ ban chống doping Nga (RUSADA) và là chồng của Rusanova, anh được chỉ thị không kiểm tra doping đối với vợ mình.
Dựa vào những bằng chứng ở trên, bản báo cáo đi tới kết luận rằng, bên cạnh việc cấm thi đấu vĩnh viễn với 5 VĐV điền kinh, WADA cũng đề xuất loại bỏ đội tuyển điền kinh của Nga cho đến khi nước này làm trong sạch hệ thống chống doping. Vấn đề là trong thời điểm Olympic Rio 2016 còn chưa đầy 9 tháng nữa, phán quyết mà Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) đưa ra sau đó - cấm điền kinh Nga tham dự các giải vô thời hạn - có thể được so sánh như một “vũ khí hạt nhân”, trong khi Vladimir Uiba, người đứng đầu cơ quan y tế của Nga, khẳng định lời bản báo cáo của WADA mang “động cơ chính trị”. Còn Vitaly Mutko, Bộ trưởng thể thao Nga, mỉa mai rằng, Nga có thể “tiết kiệm được một số tiền” bằng cách đóng cửa các cơ quan phòng chống doping.
Sau cùng thì bằng việc cấm vô thời hạn đối với điền kinh Nga, IAAF cũng muốn kéo tất cả khỏi scandal của chính họ. Ở đây, điều mỉa mai là trong bản báo cáo của mình, WADA không hề đề cập đến Lamine Diack, cựu Chủ tịch của IAAF, người đã nhận 1 triệu euro tiền hối lộ thông qua ARAF để bỏ qua cho các VĐV điền kinh của Nga. Trong khi đó, Diack thực tế đã bị các công tố viên của Pháp bắt giữ từ ngày 4/11 vừa qua.
Và cũng không thể bỏ qua một vấn đề rất nhạy cảm: tân Chủ tịch của IAAF là Sebastian Coe, một người Anh và người Anh thì không ưa gì Nga sau khi họ thất bại trong cuộc bỏ phiếu chọn quốc gia đăng cai World Cup 2018.
Ít nhất thì trong khi tất cả chờ xem liệu quyết định cấm điền kinh Nga của IAAF có được dỡ bỏ hay được thực thi trong một giới hạn nào đó hay không, ông Mutko khẳng định sẽ không có chuyện Nga tẩy chay Olympic Rio 2016 như Mỹ và Liên Xô cũ từng làm ở Olympic mà mỗi nước tổ chức vào năm 1980 và 1984. Thể thao không chính trị, như ông Mutko cho biết hay “Điều tồi tệ nhất cho thể thao là bị chính trị hóa” theo như lời Chris Eaton, cựu phụ trách an ninh của FIFA, từng khẳng định. Thế nhưng, trong cái năm người Nga hiện diện ở Ukraine và Syria vì những sứ mệnh hòa bình, hy vọng thể thao không chính trị có lẽ chỉ là hy vọng.
Nga dẫn đầu các nước vi phạm doping nhiều nhất? Tháng 6/2015, Uỷ ban chống doping thế giới (WADA) lần đầu tiên đưa ra bản báo cáo về tình trạng sử dụng chất kích thích. Lấy số liệu từ năm 2013, bản báo cáo được tiến hành ở 115 quốc gia và 89 môn thể thao. Thật ngạc nhiên là Nga dẫn đầu về số trường hợp vi phạm với 225 VĐV ở 30 môn thể thao và 42 trong số này là từ môn điền kinh. Ngạc nhiên hơn nữa là WADA từng bị coi là tổ chức chỉ biết ngốn tiền khi không hề phát hiện ra những vụ doping lớn. Điển hình là trường hợp của cua-rơ nổi tiếng người Mỹ Lance Armstrong từng giành 7 chức vô địch Tour de France với vô số những lần xét nghiệm, nhưng chỉ bị phát hiện dùng chất cấm là do... tự thú. |
Phạm Hưng
Thể thao & Văn hóa cuối tuần