Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Bửu ‘hiến kế’ để vực dậy thể thao TP.HCM
(Thethaovanhoa.vn) - Trong những năm gần đây, thể thao TP.HCM đang có dấu hiệu đi xuống cả mảng phong trào lẫn đỉnh cao. Trước thực trạng này, Bí thư thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng đã mời PGS, TS Lê Bửu, “cựu tư lệnh” thể thao Việt Nam, một người đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn day dứt với ngành, để lắng nghe những ý kiến của ông nhằm lấy lại vị thế của thể thao thành phố mang tên Bác.
PSG, TS Lê Bửu, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, nguyên Giám đốc Sở TDTT TP.HCM
Trao đổi về buổi trò chuyện với lãnh đạo TP.HCM, PSG. TS Lê Bửu cho biết: "Tôi thực sự xúc động khi lãnh đạo của TP.HCM dù còn nhiều lo toan với các vấn đề lớn của thành phố nhưng vẫn dành gần 2 tiếng lắng nghe các tâm tư, ý kiến và đề xuất của tôi cho ngành thể thao.
Trong buổi gặp gỡ này, tôi đã trình bày với đồng chí Đinh La Thăng về giá trị của TDTT, các vấn đề còn tồn đọng của thể thao TP.HCM cùng các giải pháp và được ban lãnh đạo hết sức đồng tình ủng hộ.
Đồng chí Bí thư hết sức đồng cảm và xác định TDTT đóng góp vai trò rất quan trọng, vực dậy phong trào TDTT chính là động lực lớn để xây dựng hình ảnh TP.HCM năng động, đổi mới và phát triển.
Trước đây TDTT ở nước ta rất được coi trọng, nó luôn là vấn đề chính bên cạnh kinh tế, chính trị, xã hội. Bác Hồ đã khẳng định“Dân cường thì nước thịnh”, và bản thân tôi lúc còn làm lãnh đạo ngành TDTT cũng đã phát động thành công phong trào “Toàn dân rèn luyện TDTT theo gương Bác Hồ vĩ đại. TDTT góp phần ổn định xã hội.” Nhưng đến nay dường như lãnh đạo các cấp quan tâm chưa đúng mức đến vai trò, giá trị và ý nghĩa của TDTT trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Ông Lê Bửu rất hào hứng nói về các kế hoạch thay đổi bộ mặt TDTT TP.HCM trong buổi phỏng vấn
Vậy ông đã đưa ra những đề xuất nào để phát triển TDTT ở TP.HCM trong thời gian tới?
- Để phát triển TDTT ở TP.HCM thì phải bắt đầu từ vấn đề gốc rễ, tức là thể thao phong trào. Để phát triển phong trào thể thao, đầu tiên phải có chỗ tập luyện cho người dân. Thế nhưng, hiện nay diện tích mặt bằng ở những nơi đây đã bị thu hẹp, xung quanh các nhà thi đấu toàn là nhà hàng, quán nhậu, tệ nạn rất nhiều. Tôi đề nghị không được lấn và lấy đất của TDTT, công viên nữa để người dân có chỗ tập luyện.
Thứ hai là phải tách TDTT ra thành Sở riêng. TP.HCM có hơn 10 triệu dân, xấp xỉ dân số một vài nước như Campuchia, Lào, Singapore,… Nếu để TDTT chung với văn hoá, du lịch sẽ rất hoạt động và khó thúc đẩy sự phát triển của ngành ở cả thành tích cao lẫn thể thao cộng đồng.
Thứ ba là phải tiến hành quy hoạch lại ngành TDTT ở TP.HCM theo hướng hiện đại và dài hơi. Theo tôi lộ trình 10 - 20 năm là hợp lý.
Việc quy hoạch lại ngành TDTT chắc chắn sẽ phải có những kế hoạch rất cụ thể. Trong buổi gặp lãnh đạo TP.HCM, ông đã trình bày những gì thưa ông?
- Tôi có đề xuất các giải pháp sơ bộ để quy hoạch ngành TDTT ở TP.HCM như sau:
Về thể thao quần chúng, mỗi người phải chọn lấy một môn thể thao để rèn luyện sức khoẻ. Hiện nay ở TP.HCM tệ nạn rất nhiều, nếu mỗi người dân biết tự bảo về sức khoẻ của chính mình, dành thời gian tập luyện thể thao thay vì chơi bời thì sẽ tệ nạn sẽ tự bị đẩy lùi.
Ông Lê Bửu thời còn là Tổng cục trưởng TC TDTT và VĐV Wushu Thuý Hiền, người giành HCV thế giới đầu tiên cho Việt Nam
Về thể thao thành tích cao, tôi đề nghị thành lập Liên đoàn thể thao TP.HCM có sự góp mặt của tất cả các môn thể thao để đoàn kết với nhau, thực hiện công tác đối nội và đối ngoại. Lúc đó LĐ thể thao TP.HCM có thể giao lưu, học hỏi, quảng bá các môn thể thao của TP.HCM với các đơn vị khác ở trong nước và quốc tế.
Đối tượng phục vụ chúng ta cần quan tâm nhất hiện nay là trường học. Chúng ta luôn muốn thế hệ trẻ tiếp tục sự nghiệp ông cha nhưng không có sức khoẻ và đạo đức thì sao gánh vác nổi trọng trách này. V
Bên cạnh đó, để thể thao TP.HCM phát triển thì cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa đến phong trào TDTT của lãnh đạo Thành phố, quân đội - công an, giáo dục, thanh niên, công đoàn và các đơn vị kinh tế.
Về cơ sở vật chất, ngoài việc đầu tư tiền bạc, cần có lãnh đạo tâm huyết, sát sao với ngành để đảm bảo chất lượng của các công trình TDTT. Theo tiêu chí của một thành phố hiện đại, cứ 5.000 người phải có một sân vận động hoặc nhà thi đấu và có một hồ bơi thì mới đáp ứng được nhu cầu tập luyện của người dân.
Ông Lê Bửu vẫn còn rất nhiều day dứt và tâm huyết với ngành TDTT nước nhà
Bên cạnh đó phải triển khai xây dựng mô hình thể thao kiểu mẫu ở nông thôn ngay vì đất đai ở nội thành bây giờ quá ít, dân cư sau này chắc chắn sẽ dãn dần ra ngoại thành và lúc đó chúng ta không mất thời gian để quy hoạch đất đai dành cho TDTT.
Cuối cùng là giải pháp về cán bộ TDTT, tôi đề nghị quy hoạch các VĐV tài năng nhưng đã qua thời thi đấu phải được đi học đại học, thậm chí là tu nghiệp ở nước ngoài để làm HLV, giáo viên trong trung tâm TDTT, trường học phục vụ cho sự nghiệp thể thao của TP.HCM.
Nhìn ở tầm cao hơn là nền thể thao Việt Nam, ở Olympic 2016 chúng ta đã có 1 HCV và 1 HCB của VĐV bắn súng Hoàng Xuân Vinh, từng là “tư lệnh ngành” của thể thao Việt Nam, theo ông chúng ta cần làm gì để có thêm nhiều Hoàng Xuân Vinh hơn nữa trong tương lai?
- Thực ra chúng ta có đủ khả năng phát triển thể thao đỉnh cao lên tầm châu Á và thế giới. Cái thiếu của chúng ta chính là nền tảng vững chắc và cách làm thể thao bài bản. Muốn phát triển thể thao thành tích cao thì phải bắt đầu từ cái gốc rễ là thể thao phong trào. Chúng ta có gần 100 triệu dân, nếu làm tốt thể thao phong trào như tôi đã nêu ở trên, thể lực, thể chất, sức khoẻ toàn dân được cải thiện thì chắc chắn thể thao thành tích cao cũng sẽ đi lên.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hải Triều (thực hiện)