Ông Trần Đức Phấn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: 'Đẩy nhanh tiến độ tổ chức SEA Games 31'
(Thethaovanhoa.vn) - Khắc phục khó khăn và sự chậm trễ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác chuẩn bị tổ chức cho SEA Games 31 đang và sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới với quyết tâm rất lớn của BTC Đại hội. Đây là khẳng định của ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, Phó trưởng BTC SEA Games 31.
Trong ngày hôm qua (10/11), ông Trần Đức Phấn đã dành cho phóng viên Thể thao&Văn hóa một cuộc trao đổi xung quanh công tác chuẩn bị cho SEA Games 31 năm 2021.
Sớm hoàn thiện việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 31
* Trong phiên họp lần thứ nhất của BTC SEA Games 31, nhiều ý kiến thể hiện sự lo ngại về tiến độ sửa chữa, nâng cấp hoặc xây mới các công trình phục vụ tổ chức Đại hội bị chậm trễ. Đến nay, mảng công việc này đã được giải quyết như thế nào thưa ông, bởi thời gian từ nay đến khi SEA Games 31 chính thức diễn ra không còn quá nhiều mà thực tế hệ thống cơ sở vật chất phục vụ Đại hội vẫn chưa sẵn sàng?
- Các dự án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây mới công trình phục vụ SEA Games 31 hiện vẫn đang trong quá trình chờ bố trí ngân sách để thực hiện vì còn liên quan đến hoàn thiện thủ tục về đầu tư theo quy định chung.
Chúng tôi cũng hi vọng quá trình này sẽ được đẩy nhanh để có thể sớm hoàn thành việc chuẩn bị hệ thống cơ sở vật chất. Đối với một số công trình trọng điểm như ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình, các hạng mục như nâng cấp đường chạy, mặt cỏ hiện đã hoàn thành.
Tuy nhiên, một số các hạng mục khác như cải tạo sân khởi động môn điền kinh, Cung thể thao dưới nước, mua sắm các trang thiết bị thể thao, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ thi đấu… hiện vẫn đang chờ được cấp kinh phí.
Nhóm các công trình do Bộ VH, TT&DL quản lý gồm các dự án: Cung thể thao dưới nước và sân vận động quốc gia Mỹ Đình thuộc Khu Liên hợp Thể thao quốc gia, Trường bắn tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Nhà thi đấu trường Đại học TDTT Bắc Ninh rất cần được đẩy nhanh tiến độ khi quỹ thời gian không còn nhiều.
* Về địa điểm tổ chức các môn thi đấu tại SEA Games 31, còn 4 môn thể thao là bóng bàn, golf, quần vợt và một bảng đấu môn bóng đá nam vẫn chưa được lựa chọn sau khi có ý kiến không kịp tiến độ nâng sửa chữa các công trình phục vụ thi đấu từ phía Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội. Hiện tại, BTC Đại hội đã lựa chọn được các địa điểm thay thế chưa và các môn này sẽ được tổ chức tại địa phương nào?
- Về phía BTC Đại hội vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ phía UBND thành phố Hà Nội về việc không đăng cai các môn thể thao nói trên, nên BTC cũng chưa thể công bố việc lựa chọn địa phương thay thế.
Tuy nhiên, để tránh bị động trong việc tổ chức, BTC cũng đã tiến hành khảo sát, rà soát và kiểm tra cơ sở vật chất ở một số địa phương khác, khi nào nhận được văn bản từ phía UBND thành phố Hà Nội, chúng tôi sẽ lên phương án cụ thể và có thông báo chính thức.
kế hoạch, SEA Games 31 sẽ diễn ra tại Hà Nội và 10 địa phương lân cận nhằm tận dụng một số công trình gồm SVĐ, NTĐ đã đáp ứng được yêu cầu, nhưng cũng có thể sẽ điều chỉnh kế hoạch này nếu có sự thay đổi vì lý do khách quan.
Liên quan đến các công tác chuẩn bị ở nhiều mảng công việc khác, trong tuần tới, các tiểu ban của BTC Đại hội sẽ được thành lập và đi vào hoạt động. Điều này sẽ giúp cho công tác tổ chức SEA Games được đẩy mạnh và thuận lợi hơn nữa.
Lo lắng về quá trình chuẩn bị chuyên môn
* Theo quy định, số môn và số nội dung thi đấu chính thức tại SEA Games 31 phải được công bố trước thời điểm diễn ra Đại hội 1 năm để các đoàn chuẩn bị. Hiện tại, Việt Nam đã chọn lựa được 36 môn và 4 môn còn lại sẽ được công bố vào thời điểm nào, thưa ông?
- Việc lựa chọn 4 môn còn lại gồm các môn thể thao nhóm 3 (môn của khu vực) do các nước thành viên của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (SEAGF) đề xuất sẽ được công bố trong phiên họp thứ 2 của Ban Thể thao và Luật SEAGF diễn ra vào ngày 19 và 20/11 tại Hà Nội.
cứ trên danh sách 21 môn và 4 phân môn mà các quốc gia đề xuất, BTC Đại hội sẽ chọn lựa ra 4 môn và trình Ban chỉ đạo Đại hội phê duyệt. Ngay sau khi có kết quả chính thức, danh sách 40 môn thi đấu chính thức SEA Games 31 sẽ được công bố. Dự kiến, chương trình thi đấu của SEA Games 31 sẽ có khoảng hơn 500 nội dung.
* Trên cơ sở chương trình thi đấu này, công tác chuẩn bị lực lượng cho đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 31 đang được tiến hành như thế nào? Ngành thể thao có phương án và kế hoạch gì để nâng cao chất lượng chuyên môn ở các ĐTQG trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có nhiều diễn biến khó lường, ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch tập huấn hoặc thi đấu quốc tế của các đội tuyển?
- Đây thực sự là bài toán rất hóc búa với những người làm công tác chuyên môn. Trong năm 2020, nhiều giải đấu trong nước cũng đã buộc phải hủy bỏ, kế hoạch thi đấu nhiều môn thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia bị đảo lộn, việc tập huấn thi đấu nước ngoài của nhiều đội tuyển không thực hiện được làm ảnh hưởng không nhỏ tới chuyên môn của các VĐV.
Từ nay đến đầu năm 2021, nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát ở nhiều quốc gia trên thế giới, việc xuất ngoại tập huấn hay thi đấu cọ xát để nâng cao trình độ của các VĐV cũng sẽ không thể thực hiện được.
Hiện tại, ngành thể thao và các bộ môn đã lên các phương án, xác định nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì khắc phục bằng tập huấn và thi đấu trong nước. Ở những đội tuyển cần chuyên gia nước ngoài huấn luyện thì phải hoàn thành việc thuê, ký hợp đồng với chuyên gia trong năm 2020.
Đến đầu năm 2021, toàn bộ các đội tuyển, các VĐV trong diện chuẩn bị cho SEA Games 31 đều sẽ được tập trung theo đúng kế hoạch. Đây là khó khăn chung cần phải khắc phục, dù thế nào đi nữa, lực lượng VĐV dự SEA Games 31 vẫn cần được chuẩn bị chuyên môn tốt nhất trong điều kiện có thể.
* Liên quan tới việc chuẩn bị cho 2 môn thể thao cơ bản là điền kinh và bơi tại SEA Games 31, kế hoạch đưa đội tuyển quốc gia ở 2 môn này về tập luyện tại Khu LHTT quốc gia đã được triển khai ra sao và bao giờ thi thực hiện được?
- Việc đưa VĐV ĐTQG bơi và điền kinh về Khu LHTT quốc gia tập huấn đã nằm trong tính toán của ngành thể thao từ trước và chủ trương này cũng đã được lãnh đạo Bộ VH, TT&DL chấp thuận.
Cơ sở vật chất như đường chạy hay bể bơi sau khi được sửa chữa, cải tạo là khá tốt và chúng tôi cũng mong muốn VĐV ĐTQG phải được tập luyện ở nơi tốt nhất để nâng cao thành tích trong thi đấu.
Đây là chủ trương thực hiện lâu dài, chuẩn bị cho nhiều năm, nhiều Đại hội chứ không chỉ chuẩn bị cho riêng SEA Games 31. Vướng mắc duy nhất là hiện nay tại Khu LHTT quốc gia chưa có khu vực nhà ở, nơi sinh hoạt cho VĐV.
Nếu các VĐV về đây tập huấn, ăn ở cần thì cần cải tạo, nâng cấp một số phòng ở nhưng do hạng mục này không nằm trong số các dự án chuẩn bị cho SEA Games 31 nên không được bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Tổng cục TDTT đang xin ý kiến Bộ VH, TT&DL và chờ đợi quyết định của lãnh đạo Bộ. Nếu được bố trí kinh phí, ngay sau khi hoàn thành việc xây dựng phòng ở, các VĐV ĐTQG bơi và điền kinh sẽ về tập luyện tại đây.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Phúc Hưng (thực hiện)