'Độc cô cầu bại' Nguyễn Trần Duy Nhất và những câu chuyện còn chưa kể
(Thethaovanhoa.vn) - Nguyễn Trần Duy Nhất - quê gốc ở Quảng Ngãi, sinh ra ở Nha Trang, lớn lên ở Lâm Đồng nhưng phát triển sự nghiệp ở thành phố mang tên Bác. Bốn miền đất ấy đã dung dưỡng võ sĩ Muay Thái này trở thành một “độc cô cầu bại” nửa hư nửa thực, nửa truyền thuyết nửa lại rất đời…
Duy Nhất mà không phải... duy nhất!
Cái tên Nguyễn Trần Duy Nhất khiến mọi người nghĩ anh là đứa con duy nhất trong một gia đình hiếm muộn. Nhưng kỳ thực, ba mẹ Duy Nhất có tới 4 người con và trên anh là chị gái, Duy Nhất là con trai thứ 2. Điều đặc biệt trong bốn chị em nhà Duy Nhất đều biết võ từ nhỏ, có điều mục đích học võ thì khác nhau. Trong gia đình có Nguyễn Trần Duy Nhất và Nguyễn Trần Tự Do là theo con đường thi đấu Muay chuyên nghiệp.
Cái tên Duy Nhất được đặt ngược với tên người chú ruột là Tấn Nhất Duy (họ Tấn lấy từ lò võ Tấn Gia Quyền), tên người chú ấy vang danh trên võ đài tự do trước ngày giải phóng. Nhưng sinh nghề tử nghiệp, chú ruột của Duy Nhất đã phải treo găng vĩnh viễn vì chấn thương. Duy Nhất giống như một mầm cây hi vọng được gieo ngay tại lò võ Tấn Gia Quyền, nơi mà người chú ruột tài năng đã tỏa sáng rực rỡ cho đến khi giã từ sự nghiệp.
Ba mẹ Duy Nhất bén duyên nhau vì cùng là võ sĩ thi đấu, họ đã cùng nhau phát triển võ đường Tấn Gia Quyền. Sau khi ba mẹ sinh Duy Nhất ở Nha Trang, gia đình bắt đầu chuyển đến vùng kinh tế mới Lâm Đồng. Năm Duy Nhất 6 tuổi, được sự khuyến khích của ông nội và ba mẹ, Duy Nhất đã có những buổi tập luyện đầu tiên.
Trở thành võ sĩ Muay nhờ tuyển sinh và trận thua nhớ đời võ sĩ Thái
Năm 14 tuổi, Nguyễn Trần Duy Nhất không phải tiêu hao năng lượng con nhà võ trong những cuộc thi điền kinh hay quốc phòng do nhà trường tổ chức nữa. Tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức một cuộc giải võ cổ truyền, có 8 thí sinh 14 tuổi ở các huyện tham dự. Đó là tấm HCV đầu tiên Nguyễn Trần Duy Nhất gặt hái được sau 9 năm luyện võ tại võ đường Tấn Gia Quyền.
Năm 2008, Duy Nhất học ở Trường Đại học TDTT TP.HCM. Anh bắt đầu tiếp xúc với bộ môn Muay Thái rất tình cờ sau khi xem bộ phim Ong-Bak: “Lần đầu tiên tôi thấy Muay Thái là tại bộ phim Ong Bak của Tony Jaa. Tôi cảm thấy môn này sao thật tương đồng với những thế võ mà cha và mẹ hay dùng để thi đấu. Vì thế, tôi quyết định thử sức. Quyết định này được bố mẹ tôi vô cùng ủng hộ”.
Sau đó, Duy Nhất mạnh dạn đăng ký thi vào đội tuyển Muay Thái TP.HCM do thầy Giáp Trung Thang dẫn dắt. Buổi tuyển sinh khi ấy rất đông thí sinh tham gia, nhưng thầy chỉ chọn 5 người. Duy Nhất cười nhớ lại: “Hiện giờ 5 thí sinh thầy Thang chọn, còn mỗi Duy Nhất thi đấu chuyên nghiệp, bốn người kia làm những công việc khác nhau: Công an, an ninh sân bay, huấn luyện viên, luyện võ”.
Năm 2009, Nguyễn Trần Duy Nhất được gọi vào đội tuyển quốc gia thi đấu tại Đại hội võ thuật châu Á tổ chức tại Thái Lan, anh kể lại: “Sau khi giành chiến thắng trước 2 đối thủ Uzbekistan và Iran, thì Nhất vô chung kết, gặp võ sĩ Thái Lan. Sau 3 hiệp đấu thì Nhất thua với tỷ số 1-2 và chỉ giành HCB. Phải thừa nhận rằng thất bại đầu tiên trước đối thủ Thái Lan - cái nôi sinh ra môn võ Muay đã giúp Nhất học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt là những kỹ thuật đánh gối của võ sĩ Thái Lan”.
Chấn thương và bản cam kết sinh tử
Năm 2012, trong trận đấu với võ sĩ Thái Lan, Nguyễn Trần Duy Nhất đã bị chấn thương gãy tay phải ngừng thi đấu 8 tháng. Sau này tập luyện trở lại, anh cũng ít sử dụng cánh tay bị chấn thương và tập luyện ra đòn nhiều ở cánh tay trái. Tới năm 2016, Duy Nhất tham gia một trận đấu chuyên nghiệp tại Thái Lan với võ sĩ người Pháp. Trận đấu ấy không đeo bảo hộ gì, khi đánh hết 5 hiệp đấu, cơ thể bầm dập, toàn thân đi bộ không nổi. Theo anh, trận đấu nào cũng vậy, chấn thương nhiều hay ít mà thôi.
Võ sĩ Muay khi đến với võ đài đều phải ký vào một văn bản cam kết sinh tử: “Nếu võ sĩ không may tử vong trên võ đài, gia đình sẽ không kiện tụng. Nếu võ sĩ chưa đủ tuổi, người giám hộ hợp pháp sẽ ký tên vào văn bản này”.
Với Nguyễn Trần Duy Nhất, anh không cảm thấy “lạnh gáy” với bản cam kết sinh tử này. Bởi đã đến với nghiệp thi đấu này thì phải học cách chấp nhận điều không may mắn nhất sẽ đến, bởi đúng như câu nói: “Sinh nghề tử nghiệp”. Năm 2017, Duy Nhất từng tham gia giải đấu Muay tại Singapore, tại giải đấu này, 1 võ sĩ Ấn Độ thậm chí tử vong trên võ đài. Việc thi đấu, võ sĩ phải chấp nhận sự nghiệt ngã của con đường mình lựa chọn.
Đổi đời nhờ võ thuật
Mức thu nhập của võ sĩ Muay khi võ đài đã mở cửa ở các nước trong khu vực và trên thế giới, đời sống của võ sĩ được cải thiện rất nhiều. Giá trị tiền thưởng sau mỗi giải đấu, những hợp đồng quảng bá thương hiệu và hơn thế nữa Nguyễn Trần Duy Nhất có những phòng tập Muay thu hút khá đông môn sinh tham gia ở quận 1 và quận 5 TP.HCM.
Anh chia sẻ: “Trước đây Nhất mở phòng tập, những môn sinh tham gia sẽ đóng tiền để đủ duy trì tiền thuê mặt bằng. Còn Nhất sẽ dạy miễn phí. Nhưng sau khi Duy Nhất thi đấu và giành HCV thế giới, môn sinh tìm đến đông hơn. Vì thế Nhất mở thêm phòng tập ở quận 5 . Với võ sĩ, khi đời sống kinh tế tạm ổn thì việc thi đấu cũng yên tâm cống hiến hơn rất nhiều”.
Gặp Duy Nhất ngoài đời, vóc dáng nhanh nhẹn, đôi mắt sáng và nụ cười tươi dường như mang theo “hơi thở” của nhiều vùng miền quê hương đọng lại. Duy Nhất cởi mở thân thiện khi bước ra khỏi hào quang mà chiếc đai vô địch thế giới đã đem đến cho cuộc đời một võ sĩ. Hiện tại, Nguyễn Trần Duy Nhất đã chọn lọc được 50 môn sinh có khát khao trở thành võ sĩ và có năng lực, tố chất thi đấu trên võ đài để đào tạo miễn phí, gây dựng thế hệ trẻ tiếp nối anh. Bởi môn Muay quy định, võ sĩ sẽ thi đấu đến năm 40 tuổi thì dừng lại.
Cuộc hôn nhân của võ sĩ Nguyễn Trần Duy Nhất cũng thật đặc biệt, bạn đời Kim Oanh sinh năm 1989, bằng tuổi với Nhất. Cô đến trung tâm Muay của Nhất để học võ cho khỏe nhưng thầy trò đã chạm mặt và phải lòng nhau. Hiện tại, Kim Oanh quản lý các trung tâm tập luyện của hai vợ chồng, đồng thời sẽ lên đường theo Duy Nhất đi thi đấu ở khắp nơi trên thế giới, là người phụ nữ ở dưới võ đài theo dõi trận đánh của chồng bằng tinh thần thép của một người đã trải qua luyện tập môn võ này.
Hoàng Thủy