Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam dự ASEAN Para Games 8 đặt mục tiêu phá nhiều kỷ lục
(Thethaovanhoa.vn) - Trưởng đoàn Thể thao Người khuyết tật Việt Nam, Vũ Thế Phiệt khẳng định mục tiêu của đoàn trong lần sang Singapore này là cố gắng phá nhiều kỷ lục thay vì chú trọng vào chinh phục nhiều HCV.
- Thể thao người khuyết tật VN có thêm tài trợ
- Hai vận động viên thể thao người khuyết tật Việt Nam đạt chuẩn Paralympic 2016
- Bầu chọn VĐV, HLV tiêu biểu, VĐV, HLV thể thao người khuyết tật xuất sắc 2014: Tranh cãi vì Công Phượng
BTC nước chủ nhà thông báo sẽ tổ chức 15 môn thi đấu, có tổng số 476 nội dung tranh tài. Đoàn Việt Nam đến Singapore với 169 thành viên ở 9 môn thể thao. Trong đó, có 130 VĐV, 24 HLV và săn sóc viên; 15 cán bộ, bác sỹ, phiên dịch và phục vụ. Điền kinh là môn có nhiều VĐV nhất với 37 người.
Bơi lội có 34 VĐV, cờ vua có 8 VĐV, bóng bàn có 12 VĐV, cử tạ có 11 VĐV, cầu lông có 11 VĐV, boccia có 4 VĐV bóng đá khiếm thị. 7 môn thể thao kể trên đi theo nguồn kinh phí Nhà nước. 2 môn thể thao đi theo kinh phí xã hội hóa là đua thuyền (3 VĐV) và bóng đá khiếm thị (7 VĐV).
Tại Para Games 7 năm 2013 trên đất Myanmar, đoàn Việt Nam gây ấn tượng mạnh với các quốc gia khác khi cạnh tranh quyết liệt vị trí thứ 3. Kết thúc Đại hội khu vực năm đó, Việt Nam đoạt 48 HCV, 65 HCB và 172 HCĐ, chỉ chịu thua Malaysia 2 HCV và chấp nhận vị trí thứ 4. Nhưng đó cũng là thành công bởi trước giờ lên đường, đoàn chỉ đặt mục tiêu 40-45 HCV.
Với 130 VĐV tham dự kỳ Đại hội này, lãnh đạo đoàn Việt Nam nhận định sẽ rất khó khăn trong việc cạnh tranh vị trí thứ 3. Thái Lan quyết đòi lại vị thế số 1 toàn đoàn sau khi bị Indonesia vượt mặt 2 năm trước khi cử đến 287 VĐV đến Singapore. Malaysia cũng nhăm nhe cạnh tranh tốp 2 với hơn 250 VĐV, trong khi Indonesia cử tới 189 VĐV.
Thế nên, đặt mục tiêu bảo vệ vị trí thứ 4 là thành công với đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam. Ngoài ra, chỉ tiêu lớn nhất mà Trưởng đoàn Vũ Thế Phiệt cho biết là thay vì tranh chấp thứ hạng, các VĐV phải hướng đến phá kỷ lục Đông Nam Á, châu Á và thế giới, thấp nhất cũng phải vượt qua bản thân mỗi VĐV.
Nhà tài trợ Parasport cũng tuyên bố treo mức thưởng 100, 200, 300 triệu đồng nếu VĐV phá kỷ lục lần lượt ở khu vực, châu lục và thế giới ở kỳ Đại hội này. Trước mắt, Parasport đã tài trợ cho đoàn 150 triệu đồng.
Đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam đặt mục tiêu phá nhiều kỷ lục, hướng tới sân chơi thế giới
Hiện tại, chỉ có VĐV bơi Trịnh Thị Bích Như đoạt được vé chính thức tham dự Paralympic ở Rio 2016. Những VĐV như Võ Thanh Tùng (bơi) hay Lê Văn Công (cử tạ) vẫn phải nỗ lực chinh phục nhiều đỉnh cao trong thời gian tới.
Kỳ Đại hội lần 8, nước chủ nhà Singapore đã cắt bớt một số nội dung điền kinh vốn là thế mạnh của Việt Nam. Theo HLV Đặng Văn Phúc, chuyện đạt được 21 HCV như kỳ Đại hội 2 năm trước là khó khả thi và điền kinh chỉ đặt chỉ tiêu 10 HCV.
Trong khi đó, HLV Đổng Quốc Cường của môn bơi lội mạnh dạn đặt chỉ tiêu 20 HCV như kỳ Đại hội lần 7. Ở môn cử tạ, HLV Nguyễn Hồng Phúc đặt chỉ tiêu 4 HCV vào thành tích chung. 3 đội tuyển được xem là mỏ vàng của thể thao khuyết tật Việt Nam này được đầu tư chuẩn bị từ đầu năm.
Sáng 30/11, đoàn thể thao khuyết tật Việt Nam sẽ lên đường sang Singapore. Các VĐV sẽ có vài ngày làm quen điều kiện thi đấu trước khi tranh tài chính thức từ ngày 4 đến 9/12.
Việt Hà