Cầu thủ châu Phi: Những giấc mơ tan vỡ
(Thethaovanhoa.vn) - Có Sadio Mane, có Mohamed Salah, có Riyad Mahrez… thành công thì cũng có nhiều cầu thủ châu Phi thất bại khác. Thậm chí, kém may mắn hơn, có những người đã bị lừa đảo, bị bỏ rơi sau lời hứa hẹn về một sự nghiệp mơ ước ở đâu đó tại châu Âu hay châu Á.
Bị lừa ở Mông Cổ
Ở Ulaanbaatar, thủ đô của Mông Cổ, Moshood Afolabi, một cầu thủ 24 tuổi người Nigeria, đã bị bỏ rơi. Nhập cư không có giấy tờ, Afolabi cũng không có được công việc thường xuyên của một thợ hồ để bù đắp tiền thuê căn hộ chung và hóa đơn internet.
Afolabi đến Mông Cổ vào ngày 10/5/2018 để tìm kiếm sự nghiệp, với sự giúp đỡ của một "người đại diện", tại đội hạng hai Khovd Western FC. Anh hi vọng quốc gia Đông Á này có thể giúp anh đến được châu Âu.
"Tôi không có kế hoạch đến Mông Cổ bởi tôi dự định đến Vương quốc Anh [hoặc một quốc gia châu Âu khác)," Afolabi cho biết.
Người đại diện của Afolabi sống gần nhà của anh ta ở Osogbo, tại bang Osun phía tây nam Nigeria. Họ tình cờ gặp nhau trên đường và từ năm 2017, Afolabi đã làm một số công việc, cắt cỏ quanh khu nhà ông ta. Thi thoảng, anh còn rửa xe cho người đại diện.
Sau một nỗ lực không thành để có được bản hợp đồng tại Mozambique, người đại diện đã giới anh cơ hội thi đấu ở Mông Cổ, với chi phí 1.600 USD tiền đi lại và visa. "Tôi chẳng làm được bất cứ điều gì vào lúc này," Afolabi nói về tham vọng bóng đá của mình. "Chỉ tập luyện, và trở về nhà bởi vì, không có visa, tôi không thể làm việc."
Thực tế hầu hết những lời hứa hẹn mà các đại diện mờ ám đưa ra đều đã không được thực hiện, bao gồm cả việc gia hạn visa vốn sẽ hết hạn chỉ sau một tháng lưu trú. Ở trường hợp của Afolabi, anh được thông báo sẽ nhận được mức lương tháng là 200 USD, một con số chưa bao giờ xuất hiện.
Xem xét kỹ hơn bản hợp đồng bằng tiếng Mông Cổ của Afolabi, trong đó có ghi rõ anh chỉ được quyền trú ẩn, ăn uống và một thu nhập nhỏ từ một công việc thứ hai. Ở đây, Afolabi cho biết, anh đã gặp chủ tịch câu lạc bộ, gọi người đại diện của mình để nói rõ, nhưng phản hồi chẳng có ý nghĩa gì. "Ông ta nói với tôi rằng, người Mông Cổ không hiểu tiếng Anh, đó là lý do tại sao họ viết nó bằng ngôn ngữ của họ."
Và công việc thứ hai mà Afolabi nhận được là rửa bát đĩa tại một nhà hàng địa phương. Thật không may, công việc và chỗ ở của anh cũng không còn khi hợp đồng chấm dứt và mùa giải kết thúc vào tháng 8/2018.
Chỉ với 150 USD trong túi, Afolabi đã cố gắng liên lạc với người đại diện của mình nhưng phát hiện ông ta đã bỏ trốn, đồng thời chặn anh trên WhatsApp và Facebook, phương tiện liên lạc duy nhất giữa họ.
Bơ vơ trên đất khách
Abdelrahman Kurdieh, một huấn luyện viên chuyển sang làm đại diện người Mỹ, cho biết ông đã nghe nhiều câu chuyện tương tự về những lời hứa hẹn dành cầu thủ châu Phi và rồi cuối cùng họ bị cướp tiền, bị dụ dỗ khỏi nhà và bị bỏ rơi ở một đất nước mới với những giấc mơ đổ vỡ.
Cách đây 6 năm, Kurdieh thành lập Al Nisr FC, giờ là một đội bóng nghiệp dư không có ngân sách hoạt động ở Dubai, với nhiều cầu thủ châu Phi là nạn nhân của nạn buôn người bóng đá. "Vấn đề lớn nhất ở đây, thực sự, là giáo dục," ông nói.
Như đã thấy, những người đại diện mờ ám là bậc thầy của nghệ thuật "bán lời dối trá", Kurdieh nói, có nghĩa là những cầu thủ và gia đình họ sẵn sàng làm "những điều điên rồ, từ vay ngân hàng, bán doanh nghiệp và đất đai rồi phá sản.
"Những người đại diện đưa ra những lời mời giả mà họ đã bán cho các gia đình này. Họ giới thiệu logo của các đội bóng và thêm một số thuật ngữ rất thuyết phục."
Trong một nỗ lực để cố gắng tóm gọn một trong những người đại diện này, một cựu cầu thủ bóng đá trẻ người Nigeria đã sử dụng tên tuổi của mình để lừa đảo các thanh niên, Kurdieh cho biết một cầu thủ Al Nisr đã có khiếu nại chính thức với cảnh sát. "Thế nhưng, điều đó chẳng có kết quả. Tôi không nghĩ sẽ có ai đó bị bắt vì hầu hết vụ việc diễn ra ở Nigeria," ông giải thích. "Mặc dù đội bóng của tôi ở Dubai không hoạt động nữa, tôi vẫn được liên lạc để giúp đỡ họ".
Ở trường hợp của Afolabi, người đại diện của anh bị cáo buộc đã thay đổi lời mời của ông ta. Cha và ông ngoại của Afolabi đã thanh toán hóa đơn chi phí đi lại 1.600 USD, sau khi bán hết hai lô đất.
Giờ sống mà không có visa, Afolabi cho biết sự quan tâm từ 3 đội bóng khác đã không dẫn đến đâu, ngay cả sau khi anh đề nghị Liên đoàn bóng đá Mông Cổ giúp đỡ. "Các đội bóng đưa tôi đến Liên đoàn, họ khẳng định tôi nên xin visa trước khi tôi có thể thi đấu. Vì là visa du lịch, tôi không thể xin visa ở đây cho đến khi tôi trở về Nigeria."
Afolabi đã tìm kiếm sự giúp đỡ từ văn phòng đại diện Liên hợp quốc ở Ulaanbaatar hồi tháng 7 vừa qua nhưng được yêu cầu đến văn phòng di trú của Mông Cổ - một động thái mà anh lo sợ mình có thể bị ngồi tù. Bởi quá hạn thị thực du lịch ở Mông Cổ phải chịu phạt 2 USD/ ngày, có nghĩa là Afolabi hiện nợ khoảng 1.000 USD.
Và do không có đại sứ quán Nigeria ở Mông Cổ, lựa chọn duy nhất của anh là tiếp tục kêu gọi các đội bóng đã thể hiện sự quan tâm và nhờ họ liên lạc với văn phòng di trú thay mặt anh.
Đằng sau số phận hàng nghìn cầu thủ châu Phi bị bỏ rơi Không rõ chính xác có bao nhiêu cầu thủ châu Phi đang bị mắc kẹt trên khắp thế giới nhưng theo một số ước tính, con số này là hàng nghìn. Năm 2017, đã có một làn sóng hơn 100 tài năng châu Phi đến Nepal, một quốc gia Nam Á ít được biết đến nhất về bóng đá. Còn truyền thông Anh cho biết ước tính khoảng 15.000 cầu thủ châu Phi bị buôn bán sang châu Âu hằng năm. Ở Nga, có ít nhất hàng chục trường hợp. "Các cầu thủ của chúng tôi cần được chỉ bảo nhiều hơn", Mojeed Adegbindin, một thành viên hội đồng của Liên đoàn bóng đá bang Lagos, cho biết. "Có thể vì tác động nền kinh tế, ngay cả khi anh nói về một đất nước láng giềng như Benin hay Togo, họ sẵn sàng tới đó thi đấu". Ở Liên đoàn giải bóng đá chuyên nghiệp Nigeria, giải đấu hàng đầu của nước này và là một trong những giải đấu nổi tiếng nhất châu Phi, một cầu thủ bóng đá kiếm được tối thiểu 150.000 naira (415 USD) mỗi tháng. Vậy nhưng, một số cầu thủ nói rằng họ bị nợ lương nhiều tháng. Vì thế, bất kể họ đi đâu, Beverley Agbakoba Onyejianya, một luật sư người Nigeria chuyên về thể thao và giải trí, khẳng định: "Mỗi cầu thủ đều phải có một cố vấn pháp lý." Điều đó giải thích tại sao nhà báo thể thao của BBC là Shina Okeleji từng nói: "Đối với mỗi câu chuyện thành công của Didier Drogba và Samuel Eto'o, luôn có câu chuyện đáng nói về thất bại của những cầu thủ châu Phi khác. "Tôi đã thấy những cầu thủ bị bỏ rơi. Một số ở châu Âu. Câu chuyện này sẽ không kết thúc cho đến khi chúng ta kiểm soát được vấn đề. Nếu anh không làm được, anh chỉ giải quyết được một cầu thủ". |
Mạnh Hào (tổng hợp)