Borna Coric: Làn gió mới của quần vợt thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Điều kỳ diệu đã không xảy ra khi Borna Coric phải chịu gác vợt trong trận chung kết Thượng Hải Masters trước Novak Djokovic, nhưng anh đã đi một đoạn đường không ngắn để chứng minh sự tiến bộ và khả năng của mình.
Để bước tới trận chung kết mà anh để thua sau 2 set 3-6, 4-6 đó, Coric đã vượt qua những tên tuổi lớn như Stan Wawrinka, Del Potro hay thậm chí là Roger Federer trong trận bán kết.
Không độc chiêu, nhưng vẫn đáng gờm
Khi trình làng quần vợt, Coric là một cậu bé tuổi “teen” làm nức lòng người hâm mộ khi đánh bại Rafael Nadal ở tuổi 17, và Andy Murray ở tuổi 18. Sự tiến bộ đó cũng chỉ diễn ra nhanh chóng trong vòng 6 giải đấu. Ở tuổi 18, Coric đã lọt vào Top 35 nhưng kể từ đó tới trước Thượng Hải Masters, tay vợt 21 tuổi có phần đuối sức hơn so với những tài năng trẻ còn lại là Alexander Zverev, Hyeon Chung, hay Stefanos Tsitsipas.
Các tay vợt luôn cần có một vũ khí riêng trong cách thi đấu của mình ở các giải đấu lớn. Có một vũ khí nhất định chính là sự khác biệt giữa một tay vợt tốt và một tay vợt tuyệt vời. Ví dụ, Roger Federer sở hữu những cú giao bóng và thuận tay nguy hiểm, Nadal có thuận tay và topspin của riêng mình, Novak Djokovic có cú bạt trái và sự toàn diện nói chung. Còn Borna Coric thì chưa bao giờ có những thứ đó; nhưng những gì anh có là sự miệt mài, bền bỉ khó tin khác biệt hoàn toàn với các tay vợt cùng lứa.
Kể từ khi tụt hạng trên BXH, sự cải thiện của Coric đã ổn định. Anh đã tìm ra những gì mình cần làm và đó là khi mọi thứ dần dần phát triển tốt lên. Khi một tay vợt nằm trong Top 50, họ không cần phải thực hiện những cuộc thay đổi, lột xác mạnh mẽ mà chỉ cần từ từ từng bước. Như là một sự tiến bộ ở kỹ thuật chơi thuận tay, một thay đổi trong tư thế phát bóng hay những khả năng mới phát sinh mà chính tay vợt còn chưa nhận ra ở mình.
Những thay đổi tích cực
Huấn luyện viên của Coric Ricardo Piatti, người có thể tự hào về bản CV của mình khi từng dẫn dắt Ivan Ljubicic đi từ thứ hạng ngoài 900 vào Top 3, hay Milos Raonic từ thứ 11 đến thứ 3, hay thậm chí là từng dẫn dắt Novak Djokovic khi còn nhỏ thì đã nhìn ra các vấn đề của Coric để giúp anh cải thiện. Sự thay đổi tinh tế của tay vợt người Croatia trong kỹ thuật thuận tay của anh và quan trọng nhất, sự thay đổi phong cách chơi của anh từ phòng thủ trở thành tấn công đã trả công xứng đáng.
Ở Thượng Hải Masters vừa qua, Borna Coric cũng đã được cải thiện về thể chất. Các cú đánh của anh chưa đủ mạnh để coi đó là vũ khí, nhưng chúng đã tốt lên rất nhiều và trong tương lai gần vẫn có thể cải thiện nữa cả về mặt kỹ thuật lẫn lực bóng. Đây là trận chung kết thứ tư trong sự nghiệp của Coric, với trước đó là thành tích giành ở được Marrakech và Halle và lọt vào chung kết ở Chennai vào năm 2016. Trận chung kết Thượng Hải là một điểm nhấn của một mùa giải đột phá cho Coric, người đã đánh bại Federer trong trận chung kết Halle năm nay và tiếp tục tại bán kết vừa qua ở Thượng Hải.
Chiến thắng của Coric dựa trên một phần tâm lý thi đấu thoải mái không phải chịu áp lực hay kỳ vọng gì nhưng cũng không thể phủ nhận sự tỉnh táo, trưởng thành của anh qua từng trận đấu. Coric là một nốt trầm mang lại điểm nhấn cho bản nhạc mà các tay vợt tài năng khác đang chơi ở tông cao nhưng lại không có sự ổn định. Anh là một trong thế hệ của những Zverev, Thiem… để đem lại luồng gió mới cho quần vợt nam cả thập kỷ qua nấp dưới cái bóng của Big Three.
- Kết quả bóng đá, quần vợt Thượng Hải Masters ngày 10/10
- Lão tướng lên ngôi ở giải quần vợt VTF Pro Tour 4
- Quần vợt đang già đi hay sức trẻ ngày càng tệ?
Yến Nhi