Bóng đá phong trào Việt Nam: 'Chơi có ý thức, chơi để tận hưởng'
(Thethaovanhoa.vn) - Những năm gần đây, nhiều giải đấu bóng đá phong trào đã nở rộ từ Bắc vào Nam. Đấy là tín hiệu cực tốt, tạo nền tảng cho sự phát triển của bóng đá futsal nước nhà.
Chính sự xuất hiện, phát triển và ngày càng nâng cao chất lượng của các giải đấu dành cho giới sinh viên, người lao động với phương thức tổ chức ngày một chuyên nghiệp, bài bản đang mở ra tín hiệu tích cực cho bóng đá Việt Nam. Nên nhớ, bóng đá phong trào luôn được nhìn nhận như nền tảng của các nền bóng đá phát triển trên thế giới. Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định bóng đá phong trào là mục tiêu quan trọng, cơ sở để thực hiện đề án này.
Nhiều năm về trước, bóng đá phong trào vẫn hay được gọi với cái tên bóng đá “phủi”. Nghe qua, cũng thấy có lý với sân chơi “bụi bặm” này. Bây giờ thì khác, khi nhiều ông bầu, doanh nghiệp đã tổ chức một cách bài bản, quy mô các giải phong trào khắp cả nước. Hệ thống giải bóng đá phong trào cúp Bia Saigon Special trải dài 3 miền Bắc – Trung- Nam. Mô hình kết hợp bóng đá và các hoạt động giải trí, mang đến không khí lễ hội thể thao – văn hoá được coi như một nét riêng của giải bóng đá Cúp Bia Sài Gòn.
Năm ngoái, ở sân chơi 11 người, giải bóng đá Đại học Quốc gia TP.HCM mở rộng (SV-League 2020) cũng đã được tổ chức. 8 đội bóng các Trường Đại học được bảo trợ bởi 8 ông bầu nổi danh với bóng đá như bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải (NutiFood). SV-League 2020 đã được VFF tập huấn, cập nhật luật, phổ biến những quy định bài bản theo đúng yêu cầu cao nhất của VFF đưa ra.
Gần đây, người hâm mộ đã “nhớ mặt đặt tên” với sự hiện diện của giải bóng đá phong trào sân 7 với các tên gọi HPL (Miền Bắc), SPL (Miền Nam) và KPL (Miền Trung). Đây là giải đấu nằm trong hệ thống các giải phong trào toàn quốc do Công ty Cổ phần Bóng đá Việt (VietFootball) tổ chức dưới sự hỗ trợ của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Chỉ là những giải đấu phong trào nhưng quy mô, cách thức tổ chức, hoạt động truyền thông, đều không thua giải chuyên nghiệp là bao. Thậm chí khán giả lèn kín sân, đến cả V-League cũng phải “thèm”.
Nhìn từ những giải đấu như thế, câu hỏi đặt ra tại sao sân chơi phong trào luôn đông khán giả.Hẳn nhiên, những nhà tổ chức các giải đấu phong trào không bao giờ dám so sánh cũng như rất khó để so sánh với với V- League dưới góc độ chuyên môn. Bởi bóng đá chuyên nghiệp và bóng đá “phủi” khác nhau hoàn toàn. Với bóng đá phong trào, mọi người được hòa mình vào đó để cảm nhận không khí rất thật từ sân đấu đến khán đài, từ người chơi đến khán giả. Một khi, khán giả cảm nhận được những giá trị thực, gần gũi, rất đời sẽ thấy được vẻ đẹp, có được tình yêu. Câu slogan “chơi có ý thức, chơi để tận hưởng” của Công ty VietFootball chính là vậy.
Để nói bóng đá chuyên nghiệp hay V-League nên học theo sân chơi phong trào thì không phải. Tuy vậy, từ lăng kính đó, cũng đủ để các giải đấu chuyên nghiệp “soi” mình nghiêm túc nhất. Nhìn lại, để trả lời được câu hỏi tại sao khán giả mê say sân “phủi” trong khi lạnh nhạt khán đài V-League. Chỉ cần nhìn chi tiết nhỏ về chất lượng thôi cũng đã có phần nào câu trả lời.Nói đến chất lượng chuyên môn, V-League lúc này quả thật chưa đủ “đô” để kéo người xem đến sân. Nếu không có hiệu ứng của ĐTQG vài năm qua, nói thật khán đài cũng khó đông vui.
Nói thế để thấy, bóng đá chuyên nghiệp chỉ có thể phát triển, phát triển căn cơ cần dựa trên nền tảng rộng về lượng, bền vững về chất từ nhiều khía cạnh. Nền tảng đó không chỉ đến từ CLB hay “lò” đào tạo trẻ. Dứt khoát, phải xem bóng đá phong trào, bóng đá học đường là khởi nguồn để khai quật mọi nguồn lực. Từ sân chơi học đường, giải đấu phong trào, sẽ giúp phát lộ những tiềm năng. Chính VFF cũng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể cho bóng đá phong trào trong 4 năm tới. Theo đó, phải phát triển bóng đá học đường; đưa môn bóng đá và futsal vào trường học dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa; Phát triển số lượng các CLB bóng đá trường học, tổ chức các giải thi đấu dành cho bóng đá học đường trên phạm vi khu vực và toàn quốc; Hỗ trợ về chuyên môn cho các giải bóng đá phong trào trong cả nước; Đào tạo phát triển đội ngũ HLV, trọng tài, hướng dẫn viên bóng đá phong trào.
Bóng đá phong trào, trước hết chơi để thỏa đam mê, chơi để tận hưởng. Hy vọng từ những sân chơi đang “trăn hoa đua nở” như thế, sẽ cho ra nhiều quả ngọt cho bóng đá nước nhà.
Trần Tuấn