10 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu: Đi giữa thời gian lạnh lùng…
(Thethaovanhoa.vn) - Theo nhà phê bình Lê Thành Nghị, thơ Tố Hữu và dòng thơ kháng chiến cách mạng dù chưa cho thấy sự đa dạng cần có của văn chương như những đòi hỏi sau này nhưng đã góp phần hình thành nhân cách, tâm hồn của cả một thế hệ Việt Nam.
Sáng qua (4/12), lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu được tổ chức tại Hội Nhà văn Việt Nam.
Thơ hay không nằm ở chữ nghĩa kềnh càng
“Lúc trẻ, tôi không hiểu hết Tố Hữu khi anh nói: Thơ hay làm người ta quên thơ đi, để chỉ còn cảm thấy có tình người. Thơ của chúng ta hôm nay đang cố làm cho người ta nhớ thơ với chữ nghĩa kềnh càng mà nhiều khi quên mất cái quan trọng nhất là "tình người”, phát biểu của Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh trong lễ tưởng niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Tố Hữu.
“Giữa những trang phục choáng lộn, lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, tân hình thức, Tố Hữu khiêm nhường nhận bộ cánh xuềnh xoàng: Nhà thơ của nhân dân. Có người nói cách mạng và nhân văn, tôi không thích tách ra như vậy. Tách ra như vậy dễ gây suy diễn, hiểu nhầm là cách mạng thì không nhân văn, nhân văn thì không cách mạng. Với Tố Hữu, cách mạng và nhân văn luôn luôn thống nhất” – nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ thêm.
Cuốn biên niên sự kiện và tác phẩm Tố Hữu - Nhà cách mạng, nhà thơ |
Sự lạnh lùng và công tâm của thời gian
Nhà phê bình Lê Thành Nghị cho rằng: “Thơ Tố Hữu và các nhà thơ cùng thời, có thứ bị quên đi chậm, có thứ bị quên đi nhanh. Việc làm lạnh lùng và công tâm ấy của thời gian vẫn luôn nằm ngoài ý muốn của cá nhân. Nhưng có một sự thật nhiều người biết, đó là trong suốt cuộc đời làm cách mạng và làm thơ, không một nhà thơ Việt Nam nào được nhớ, được đọc và được thuộc nhiều như Tố Hữu”.
Nhiều diễn giả trong buổi lễ có cùng quan điểm. GS Phong Lê diễn đạt theo một cách khác: “Tố Hữu là nhà thơ Việt Nam được đọc dài nhất trong thế kỷ 20”, tức được đọc trong suốt mấy chục năm nay và đến giờ vẫn còn người đọc. Người đọc đó, GS Phong Lê lấy dẫn chứng là chính bản thân ông.
Vào 14h30 ngày 8/12, tại nhà tưởng niệm Tố Hữu (Làng quốc tế Thăng Long, Hà Nội) sẽ có buổi tưởng nhớ nhà thơ với chương trình ngâm thơ và biểu diễn các bài hát phổ nhạc từ thơ Tố Hữu. |
Nhà phê bình Lê Thành Nghị nhớ lại: “Cách đây 2 năm, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh Tố Hữu, tôi cũng có một bài phát biểu trong đó nói rằng: Những gì còn lại trong ký ức nhân dân thì không bao giờ mất đi. Khổng Tử đã khôi phục Kinh Thi bằng ký ức của nhân dân Trung Hoa, sau khi tác phẩm này bị Tần Thủy Hoàng đốt. Lê Thánh Tông đã làm điều tương tự với các tác phẩm của Nguyễn Trãi. Nguyễn Du chẳng hạn, nếu vì một lý do nào đó, tác phẩm của ông bị mất đi thì nhân dân sẽ phục dựng từ câu đầu đến câu cuối. Riêng Tố Hữu, tôi không nói các thế hệ sau, nhưng trong ký ức của những người cùng thời với ông, người ta sẽ khôi phục lại thơ ông”.
“Thơ kháng chiến, cách mạng có đóng góp không nhỏ trong việc hình thành những con người mới với phẩm chất công dân tích cực trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng Tổ quốc. Những tác động tích cực này khó nhận ra ở thơ ca hôm nay”.
Ra biên niên về cuộc đời và sự nghiệp Tố Hữu
Tố Hữu xuất bản thơ thì không có gì lạ, ra sách lý luận phê bình cũng không lạ, các tác phẩm tư liệu, nghiên cứu về Tố Hữu cũng đã có quá nhiều. Lần này, gia đình nhà thơ Tố Hữu kết hợp với PGS.TS Đoàn Trọng Huy (Đại học Sư phạm Hà Nội) và NXB Chính trị quốc gia phát hành cuốn biên niên Tố Hữu - Nhà cách mạng, nhà thơ.
Cuốn sách được trình bày như một tập hợp tư liệu, gồm thống kê các sự kiện lịch sử cách mạng Việt Nam gắn với cuộc đời nhà thơ và danh mục các tác phẩm của Tố Hữu và về Tố Hữu. Bà Nguyễn Thanh Hoa, trưởng nữ của nhà thơ Tố Hữu, nói với TT&VH: “Ý tưởng làm một cuốn biên niên khiến nhiều người thắc mắc. Bên NXB cũng nói rằng nếu ra thơ thì dễ dàng hơn nhiều. Cuốn sách là ý tưởng và công sức của nhà giáo Đoàn Trọng Huy với mục đích rất rõ ràng: dành cho sinh viên nghiên cứu và đọc thơ Tố Hữu theo cách hiểu các sự kiện lịch sử gắn liền với thơ ông”.
Hoàn thành từ năm 2010 nhưng đến tháng 12/2012 mới ra mắt, cuốn Tố Hữu - Nhà cách mạng, nhà thơ cung cấp thống kê khá đầy đủ. Cụ thể, có 834 tài liệu gồm cả sách (tập thơ riêng, tuyển tập, nghiên cứu, phê bình, luận văn), bài báo. Riêng thơ Tố Hữu có 73 tập, tuyển tập nhiều nhà thơ có 29 cuốn, 32 cuốn dịch và phê bình về Tố Hữu ở nước ngoài (người thống kê chưa có điều kiện kiểm chứng hết), 54 cuốn phê bình lý luận…
Theo ghi chú của người làm sách, những bài bình giảng về thơ Tố Hữu trên các thư viện điện tử, sách giáo khoa, sách tham khảo… chủ yếu của NXB Giáo Dục, phục vụ việc dạy và học của toàn dân, chứng tỏ thơ Tố Hữu phổ biến rất rộng rãi qua nhà trường.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa