'Thể thao Việt Nam và thách thức TOP 50 Olympic': Hành trình tham vọng và không thể bàn lùi
Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 (gọi tắt là Chiến lược) mà Chính phủ vừa phê duyệt được đánh giá là đã mở ra cho ngành thể thao một đại lộ thênh thang, đầy tham vọng và đi kèm với những thách thức chưa từng có.
1. Xét cả về lý thuyết lẫn thực tế, mặc dù các mục tiêu mà Chiến lược đặt ra là rất lớn, không dễ thực hiện, nhưng không phải là bất khả thi.
Trước hết, TTVN đã có kinh nghiệm trong việc thực hiện Chiến lược tiền nhiệm. Hồi năm 2010, Chính phủ phê duyệt Chiến lược đến 2020 và tầm nhìn 2030 có các mục tiêu như sau: Giữ vững vị trí trong tốp 3 SEA Games, phấn đấu đạt vị trí 17-13 tại ASIAD, có HCV tại Olympic…
Chỉ trong một giai đoạn ngắn, từ 2015 đến 2019, TTVN đã gần như hoàn thành xuất sắc những mục tiêu trước thời hạn. Tại Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt 1 HCV và 1 HCB. Số lượng huy chương các kỳ Asiad 2014, 2018 và 2023 đều vừa vặn với chỉ tiêu huy chương cũng như vị trí trên bảng xếp hạng.
Bóng đá Việt Nam thực hiện một cú vươn mình ngoạn mục khi nằm trong nhóm 16 đội hạt giống châu Á, dự vòng loại cuối cùng World Cup và vô địch AFF Cup. Riêng tại SEA Games, với 2 lần vô địch toàn đoàn liên tiếp, gần như mục tiêu tốp 3 không còn cần thiết được đề cập trong các chiến lược sau này.
Giai đoạn 2016-2019 cực kỳ thăng hoa ấy cho thấy tiềm năng của TTVN đủ sức để tạo được những đột phá nếu chúng ta tích lũy đủ nội lực. Không khó để nhận thấy, trong giai đoạn chừng 5 năm ấy, hàng loạt tài năng xuất hiện và vươn đến đẳng cấp châu lục, thế giới ở rất nhiều môn cơ bản của Olympic.
2. Tuy nhiên, như câu nói "Lên đỉnh đã khó, giữ được đỉnh còn khó hơn". Cú vươn mình trong giai đoạn 2016-2019 vừa cho thấy tiềm lực, nhưng cũng bộc lộ các giới hạn trong cuộc chinh phục đỉnh cao. Hay nói cách khác, khi vươn đến tầm vóc của các đấu trường châu lục và Olympic, thì câu chuyện làm thế nào để tiếp tục thực hiện được những bước tiến kế tiếp, lại hoàn toàn khác quy trình leo lên đỉnh cao trước đó.
Hãy hình dung thế này: Tại SEA Games, chúng ta đặt mục tiêu tốp 3 thì trên thực tế, chỉ phải cạnh tranh với các quốc gia đăng cai sự kiện cùng với đoàn Thái Lan. Ví dụ như SEA Games 2019, chủ nhà Philippines mạnh thì chúng ta xếp thứ 2, sau họ và trên Thái Lan. Ở SEA Games 2023, do Campuchia yếu nên chúng ta vọt lên đứng đầu, vẫn trên Thái Lan.
Nhưng tại Asiad thì mọi thứ sẽ khác khi xuất hiện yếu tố "đối thủ cùng tiến". Thông thường, nhóm 10 đoàn mạnh nhất châu Á sẽ gần như thâu tóm phần lớn HCV, nên nhóm kế tiếp thì đôi khi thứ hạng thay đổi chỉ vì hơn thua nhau 1 chiếc HCV.
Từ kỳ Asiad 2002 đến 2022, TTVN có tổng cộng 17 HCV, tức là trung bình 3 HCV/kỳ. Việc tăng gấp đôi số HCV tại Asiad trong giai đoạn sắp tới không hề đơn giản khi mà ngoài thực lực của chúng ta thì còn chịu sự cạnh tranh của tối thiểu 7-8 đoàn khác cho từng chiếc huy chương.
Trong khi đó, tại Olympic, số đoàn đoạt HCV rơi vào khoảng 55-60, tỷ lệ chỉ là 25% trên tổng số đoàn tham gia. Để vào tốp 50 tại Olympic, bắt buộc phải có HCV và đó chưa bao giờ là việc dễ dàng.
3. Các mục tiêu của Chiến lược rất khó, khó đến mức… không thể bàn lùi được. Bởi ngay trước mắt, cần có những giải pháp cụ thể để ít nhất 8 năm nữa phải có huy chương tại Olympic Brisbane (Australia) 2032 theo mục tiêu đến 2030 của chiến lược. Trong bối cảnh mà tại 2 kỳ Thế vận hội gần nhất (2020 và 2024), các VĐV của chúng ta gần như không tiếp cận được cơ hội giành huy chương dù vẫn còn ở chu kỳ đỉnh cao của một thế hệ tài năng.
Cần lưu ý rằng, từ chiếc huy chương đầu tiên của võ sỹ Trần Hiếu Ngân ở Olympic 2000, thì cứ phải mất 8 năm TTVN mới có một VĐV đoạt huy chương (Hoàng Anh Tuấn 2008 và Hoàng Xuân Vinh 2016). Thế nên, trước khi nghĩ đến chuyện vào tốp 50 Olympic ở tầm nhìn 2045 thì trước mắt phải tính đến việc làm sao thu ngắn khoảng thời gian chờ đợi để có huy chương. Đó là công việc của cả ngắn hạn và lâu dài.
Hơn nữa, Chiến lược có khả thi hay không còn tùy vào những gì sẽ làm trước mắt. Đầu tiên là phải nâng số lượng môn đầu tư trọng điểm lên, tăng số HCV tại Asiad, qua đó mới tăng được cơ hội có huy chương tại Olympic sau 8, 12 năm nữa để tạo nền tảng cho việc "đổi màu" và tăng hạng tại Olympic. Nếu số HCV tại Asiad không ổn định, các môn trọng điểm thay đổi xoành xoạch về thành tích ở đấu trường châu lục, thì cơ hội tại Olympic sẽ gần như không thể.
Mà để làm được điều đó, thì lại cần đến các yếu tố tài chính. Càng đầu tư nhiều môn trọng điểm thì lại cần nguồn tài chính hậu thuẫn không giới hạn.
Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) xây dựng, triển khai tuyến thông tin và truyền thông giải pháp chuyên đề "THỂ THAO VIỆT NAM VÀ THÁCH THỨC TOP 50 OLYMPIC" trên tất cả các ấn phẩm của tòa soạn, bao gồm báo giấy, báo điện tử và truyền hình, cũng như trên các sản phẩm thông tin mạng xã hội nhằm tạo ra thêm cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân với thể thao góp phần vào sự phát triển bền vững hơn cho thể thao nước nhà thông qua việc nâng cao thành tích trên đấu trường quốc tế và vị thế trên mặt bằng xã hội.
Hình thức thông tin cũng được triển khai đa dạng, từ các bài, phóng sự nghiên cứu, phân tích chuyên sâu, ý kiến các chuyên gia thể thao, chuyên gia quản lý, kinh tế, doanh nghiệp... Bên cạnh đó là các bài học kinh nghiệm từ thể thao trong nước đến nước ngoài do chính phóng viên các cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam thể hiện.
Song song trong quá trình triển khai thông tin báo chí, phối hợp cùng ngành thể thao, cũng như các bộ ngành, địa phương liên quan và doanh nghiệp tổ chức các buổi Hội thảo, trao đổi trực tiếp để mổ xẻ, tìm kiếm giải pháp hiệu quả.