Thể thao Việt Nam và thách thức TOP 50 Olympic: Cần đầu tư toàn diện hơn cho bắn súng
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, người từng giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio 2016 nhận định, để hoàn thành mục tiêu giành thành tích cao tại các kỳ ASIAD, Olympic sắp tới, bắn súng Việt Nam cần có sự đột phá trong việc tuyển chọn, đào tạo VĐV và đầu tư mạnh mẽ công tác huấn luyện để nâng cao trình độ xạ thủ.
Công tác tuyển chọn lực lượng phải làm bài bản hơn
* Nhìn từ các đại hội thể thao quốc tế lớn gần đây, bắn súng là một trong những môn mũi nhọn của thể thao Việt Nam (TTVN), và trong tương lai gần hướng tới mục tiêu giành huy chương, thậm chí là Huy chương Vàng ở các kỳ ASIAD và Olympic. Từ góc độ người làm chuyên môn, anh thấy có những khó khăn và thuận lợi gì đối với bộ môn này hiện nay?
- Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh: Bắn súng hiện nay là môn có tiềm năng và ngay lứa VĐV trẻ hiện tại, họ có những điều kiện để hướng tới thành tích cao trong tương lai. Các địa phương cũng đầu tư và bắn súng là một trong những môn được coi trọng, nằm trong danh sách trọng điểm. Đây là thuận lợi để bắn súng có thể nâng cao, cải thiện thành tích chuyên môn.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, bắn súng không phải là môn thể thao đại chúng để nhiều người có thể tiếp cận và việc tuyển chọn lực lượng trẻ hay thu hút giới trẻ tham gia tập luyện bắn súng gặp khó khăn. Không có nhiều VĐV để chúng ta sàng lọc và tuyển chọn ngay từ đầu vào về số lượng nên việc cho ra kết quả tốt cũng hạn chế.
Ở nhiều địa phương, các gia đình có con em muốn tập bắn súng này thì gần như là không nhiều. Phần đông, họ không có điều kiện để tiếp cận do đặc thù của môn này, hoặc có tiếp cận được thì việc phải ăn, ở, sinh hoạt tập trung có ảnh hưởng tới việc học hành thì cũng là rào cản.
Cá nhân tôi là người làm chuyên môn, rất mong muốn bắn súng Việt Nam sẽ có mô hình phù hợp để làm sao thu hút được đông đảo người tham gia tập luyện. Có thể ban đầu chỉ là yêu thích, giải trí nhưng sau có thể trở thành đam mê và từ đó tiếp tục tuyển chọn, đào tạo nâng cao.
Theo quan điểm của tôi, việc tuyển chọn và đào tạo đóng vai trò rất quan trọng và đang là khâu đáng lo nhất với bắn súng hiện nay. Lựa chọn con người bao giờ cũng bắt đầu từ CLB ở địa phương, sau đó giới thiệu lên đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia nhưng nếu không có đủ nguồn lực để thực hiện thì không tìm được nhân tài và lãng phí thời gian.
Nếu có được một hệ thống tuyển chọn VĐV tốt từ cơ sở thì lực lượng ở các đội tuyển quốc gia mới có chất lượng cao. Bởi nếu tuyển chọn không đúng người thì không thể tạo ra hiệu quả cao, không thể có VĐV giỏi được.
Đảm bảo về trang thiết bị tập luyện
* Ngoài vấn đề về tuyển chọn lực lượng, bắn súng Việt Nam nhiều năm qua gặp khó khăn trong quá trình tập luyện, tập huấn như chuyện thiếu đạn, thiếu trang thiết bị?
- Theo tôi, đội tuyển quốc gia hiện tại có điều kiện tập luyện tốt hơn so với trước. Về trường bắn thì cũng được đầu tư một hệ thống điện tử, đáp ứng yêu cầu tập luyện, thi đấu. Cái đang thiếu hiện nay là đạn, súng và trang bị. Đây là vấn đề còn hạn chế cũng cần được khắc phục.
Để phục vụ cho công tác tập luyện của đội tuyển quốc gia bắn súng với số lượng từ 50 đến 60 người thì súng, đạn và trang bị cho VĐV là rất nhiều, trong khi nguồn kinh phí còn hạn hẹp và trong nhiều năm chưa mua được đầy đủ.
Chính vì thế, để đầu tư thì cũng phải nghiên cứu và sớm khắc phục. Tất nhiên nói như thế không có nghĩa là phải đầu tư hết cho bắn súng nhưng cũng cần tính toán và phân bổ nguồn lực về tài chính, làm sao đảm bảo được các yêu cầu trong tập luyện.
Bên cạnh đó, nếu muốn nâng cao trình độ cho các các xạ thủ ở đấu trường ASIAD, Olympic và thế giới, rất cần một khoản kinh phí dành cho việc thi đấu ở các giải đấu quốc tế thuộc hệ thống của Liên đoàn Bắn súng thể thao thế giới.
Ngoài ra, chúng ta đầu tư cho đội tuyển quốc gia thì cũng cần phải đầu tư, chăm sóc cho đội tuyển trẻ quốc gia vì đây là nguồn lực kế cận. Hiện tại, việc đầu tư cho VĐV trẻ ở nhiều nơi cũng chưa được coi trọng do thiếu kinh phí và chưa tạo thành mắt xích hay sự kết nối trong công tác đào tạo. Như đã nói ở trên, nếu không có đủ nguồn lực thực hiện thì rất khó đạt hiệu quả.
Vấn đề kinh phí cho bắn súng cần huy động nguồn lực từ xã hội, từ doanh nghiệp, làm sao tạo được cơ chế phù hợp để thu hút các nguồn xã hội hóa. Đây cũng là vấn đề hết sức quan trọng để có nguồn lực tài chính đảm bảo và cơ quan quản lý nhà nước, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam (LĐBSVN) cần có giải pháp phù hợp.
Xây dựng đội ngũ HLV nội có trình độ cao
* Thời gian vừa qua, câu chuyện chuyên gia ở đội tuyển quốc gia bắn súng đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận. Theo quan điểm của anh, đội ngũ HLV nội có đáp ứng được yêu cầu về thành tích quốc tế?
- Hiện nay, không chỉ riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới khi muốn phát triển trình độ ở một môn thể thao nào đấy lên tầm cao hơn thì họ đều tính đến việc mời hoặc thuê các chuyên gia giỏi đến hướng dẫn. Với bắn súng, chúng ta cũng như vậy và trong một chu kỳ mới, việc thuê chuyên gia nước ngoài cần được tính toán kỹ lưỡng và lựa chọn phù hợp.
Theo tôi có 2 vấn đề cần quan tâm. Thứ nhất, phải nắm bắt được đầy đủ thông tin, tìm những người giỏi và thực sự đã tạo nên thành tích, ví dụ như đã từng huấn luyện nhiều VĐV dự Olympic hay giành huy chương. Thứ hai, là kinh nghiệm huấn luyện của chuyên gia, cần người có bề dày kinh nghiệm, không chỉ ở đội tuyển quốc gia của họ mà có thể ở các quốc gia khác, và từ đó sàng lọc để tìm người phù hợp.
Mặt khác, cũng cần mạnh dạn giao nhiệm vụ cho những HLV nội phù hợp để có cơ sở đánh giá năng lực và tạo cơ hội để HLV thể hiện. Nếu như HLV nội làm tốt rồi thì có thể không cần thuê chuyên gia nữa. Việc đào tạo HLV cũng rất cần được coi trọng và làm bài bản, nghiêm túc.
* Là xạ thủ đã từng giành HCV, HCB tại Olympic Rio 2016, cá nhân anhchờ đợi một sự đột phá nào của bắn súng Việt Nam trong chu kỳ sắp tới?
- Về lực lượng, thực tế bắn súng Việt Nam đã có những VĐV giành huy chương Olympic, ASIAD hay gần đây, đã có VĐV đứng trong Top 5 Olympic. Như vậy, rõ ràng là đội ngũ VĐV là có năng lực và có cơ sở để đặt ra mục tiêu giành huy chương ở các kỳ đại hội lớn trong tương lai.
Nhưng như tôi đã nói, yếu tố quyết định vẫn là sự đầu tư mạnh mẽ và có cách làm bài bản để đạt được mục tiêu. Và quan trọng nhất là cần phải làm ngay, bởi nếu không tạo sự bứt phá ngay với lứa VĐV hiện tại hoặc bỏ lỡ thì chưa biết phải chờ đến bao giờ mới có cơ hội và như thế thì không đạt được mục tiêu.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi.
Báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) xây dựng, triển khai tuyến thông tin và truyền thông giải pháp chuyên đề "Thể thao Việt Nam và thách thức Top 50 Olympic" trên tất cả các ấn phẩm của tòa soạn, bao gồm báo giấy, báo điện tử và truyền hình, cũng như trên các sản phẩm thông tin mạng xã hội nhằm tạo thêm cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân với thể thao, góp phần vào sự phát triển bền vững hơn cho thể thao nước nhà thông qua việc nâng cao thành tích trên đấu trường quốc tế và vị thế trên mặt bằng xã hội.
Hình thức thông tin cũng được triển khai đa dạng, từ các bài, phóng sự nghiên cứu, phân tích chuyên sâu, ý kiến các chuyên gia thể thao, chuyên gia quản lý, kinh tế, doanh nghiệp... Bên cạnh đó là các bài học kinh nghiệm từ thể thao trong nước đến nước ngoài do chính phóng viên các cơ quan thường trú của Thông tấn xã Việt Nam thể hiện.
Song song trong quá trình triển khai thông tin báo chí, phối hợp cùng ngành thể thao, cũng như các bộ ngành, địa phương liên quan và doanh nghiệp tổ chức các buổi Hội thảo, trao đổi trực tiếp để mổ xẻ, tìm kiếm giải pháp hiệu quả.