Thể thao Việt Nam và hành trình làm mới tại Olympic 2024
Với 16 VĐV, trong đó có 14 suất chính thức, thì đây là kỳ Thế vận hội mà thể thao Việt Nam (TTVN) có số lượng khiêm tốn nhất tính từ Athens 2004 (11 VĐV). Có thể hiểu là sau 2 thập niên phát triển, nỗ lực của chúng ta ở đấu trường vĩ đại nhất thế giới vẫn chưa tương xứng.
Đi sâu vào từng môn thi đấu có suất dự Paris 2024, khả năng tranh chấp huy chương của TTVN là rất nhỏ. Tại Thế vận hội lần này, VĐV của chúng ta có tuổi đời trẻ, đẳng cấp chưa cao, điều có thể thấy qua cuộc hành trình gian nan tìm từng tấm vé một ở các vòng đấu loại.
Như các kỳ Olympic gần đây, những cơ hội khả dĩ vẫn nằm ở bắn súng và cử tạ. Lực sĩ Trịnh Văn Vinh đã đến Paris 2024 với tư cách một thành viên Top 10 thế giới hạng 61kg nam. Nhưng thành tích giúp Trịnh Văn Vinh giành vé có tổng cử 294kg, trong khi theo tính toán thì để bước lên bục nhận huy chương, thành tích tối thiểu phải đạt từ 300kg trở lên. Đây là nhiệm vụ rất khó vì cử tạ còn phụ thuộc vào tâm lý thi đấu trong thời gian thực.
Ở môn bắn súng, bộ đôi Trịnh Thu Vinh - Lê Thị Mộng Tuyền sẽ phải nỗ lực để có thể theo bước chân tượng đài Hoàng Xuân Vinh, người tạo ra kỳ tích HCV Rio ở Brazil cách đây 8 năm. Mặc dù bắn súng là môn thế mạnh của Việt Nam nhưng nó lại đòi hỏi một bản lĩnh thi đấu rất cao, yếu tố không phải là lợi thế của chúng ta.
Không có gì ngạc nhiên khi trước ngày lên đường, lãnh đạo ngành thể thao hoàn toàn không đặt ra mục tiêu huy chương. TTVN đang trong công cuộc trẻ hóa, lại gặp vấn đề về tính liên tục ở lực lượng kế thừa.
Từ sau một kỳ ASIAD 19 không thành công về mặt thành tích, TTVN vẫn đang trong quá trình định hình lại chiến lược đầu tư, nhất là khâu đào tạo phát hiện tài năng. Công việc này cần có thời gian, quãng thời gian từ ASIAD đến Olympic không đủ để kỳ vọng vào sự thay đổi, hay bất ngờ.
Cũng phải nhìn nhận là sau 10 kỳ tham gia Olympic từ Moscow 1980 đến nay, khả năng tranh chấp huy chương của TTVN là không cao. Chiến tích của Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016 có dấu ấn cá nhân nhiều hơn là sự tiến bộ chung của cả nền thế thao.
Đấu trường Olympic có một khoảng cách rất lớn so với năng lực hiện tại của TTVN. Công bằng mà nói, điều này cũng diễn ra với nhiều nền thể thao tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, việc chúng ta có ít suất dự Paris 2024 so với nhiều đối thủ trong khu vực cho thấy chúng ta đang sa sút cả về chất, lẫn lượng.
Điểm đáng chú ý trong sanh sách dự Olympic, đó là số lượng VĐV nữ chiếm áp đảo, lên đến 70% so với các VĐV nam. Cơ cấu này không thay đổi nhiều trong 2 thập niên qua.
Trong khi đó, thể thao nữ ở Việt Nam lại không được ưu ái như đồng nghiệp khác giới, việc phát hiện hay khuyến khích các tài năng thể thao nữ bao giờ cũng khó hơn, mức độ đầu tư lại không cao, nên "cán cân" nữ nhiều - nam ít này cũng phản ảnh tốc độ phát triển của chúng ta không nhanh.
Dù không mang theo nhiều kỳ vọng về thành tích, nhưng Olympic Paris 2024 được xem như kỳ Thế vận hội mang tính bản lề đối với TTVN trong nỗ lực tái cơ cấu và thay đổi tầm nhìn trong tương lai.
Chúng ta gần như quay lại với điểm xuất phát 20 năm trước, đó không phải là thông tin vui, nhưng với một thế hệ VĐV trẻ trung, tiếp cận được trình độ thế giới ở nhiều môn thể thao khó, có những tấm vé mới mẻ ở bắn cung hay cầu lông, thì vẫn tin rằng TTVN sẽ thi đấu tốt, vượt qua chính mình tại Thế vận hội sắp đến để tạo niềm tin cho tương lai.