Thể thao Việt Nam và chuyện gieo - gặt
* Cà phê thể thao: Năm 2014 vừa qua, bóng đá và thể thao Việt Nam đã trải qua nhiều sự kiện lớn, vui có, buồn có. Theo anh Hồng Ngọc, chúng ta được nhiều hay mất nhiều trong năm qua?
- Hồng Ngọc: Tôi thấy chúng ta được nhiều hơn mất!
* Được gì ngoài đội tuyển bóng đá U19 và cơn sốt do nó tạo ra? Tôi chỉ toàn thấy mất. V-League tiếp tục sa sút và… bán độ. Đội tuyển quốc gia vừa hé lộ những triển vọng tích cực tại AFF Cup thì đã dội cho người hâm mộ gáo nước lạnh bằng thảm bại trên sân nhà, mà thật giả khó lường. Đoàn Việt Nam dự ASIAD thất bại về chỉ tiêu huy chương, còn Đại hội TDTT toàn quốc thì vắng hoe khán giả. Anh là người hay phê phán, không lẽ anh chưa điểm qua các sự kiện trên?
- (Cười lớn) Tôi đã nghĩ tới các sự kiện đó trước khi nói tới việc được mất. Những sự kiện anh vừa điểm lại rõ ràng là những thất bại. Nhưng tôi không coi đó là mất, vì trước giờ bóng đá Việt Nam, thể thao Việt Nam vẫn vậy! Khác biệt là khi xảy ra sự kiện, nó được nhận diện rõ ràng hơn.
Các cầu thủ U19 Việt Nam đã tạo nên "cơn sốt" trong năm 2014 và tiếp tục là những gương mặt đáng chú ý năm 2015.Ảnh: HA.GL
Nhận thức là khởi đầu cho sự thay đổi, như chúng ta vẫn nói về “vật cực tắc phản”, “qua cơn bĩ cực, đến tuần thái lai”.Tất nhiên, để thay đổi thật sự thì phải bằng hành động, và tôi hy vọng nó sẽ xảy ra.
Còn sự kiện U19 thì rõ ràng là cái được thấy ngay mà không cần tôi phải hy vọng. Nó bộc lộ rằng bóng đá Việt Nam vẫn có những người muốn đầu tư vào bóng đá trẻ và làm bóng đá bài bản.Nó thể hiện rằng cầu thủ Việt Nam có thể chơi thứ bóng đá bài bản, hiện đại, và tử tế.
Và nó cũng phơi bày rằng người Việt khao khát được xem, được cổ vũ thứ bóng đá chất lượng chứ không phải chỉ vì những chiếc Cup hay huy chương, và việc say mê giải Ngoại hạng Anh không phải chỉ là việc sính ngoại. Sau đó chúng ta đã thấy các cầu thủ đàn anh ở đội tuyển U23 đã nỗ lực và khá thành công ở ASIAD, cũng như các tuyển thủ quốc gia đã có những trận đấu đầy tính cống hiến và biết chơi đẹp ở AFF Cup, dù trận hạ màn đã che mờ những nỗ lực của họ.
Với những gì mà “hội chứng U19” đã mang lại, chúng ta có cơ sở để tin rằng bóng đá Việt Nam sẽ có thêm những người muốn làm bóng đá tử tế hơn, đầu tư vào bóng đá trẻ bài bản hơn, và khích lệ các cầu thủ chơi thứ bóng đá cống hiến hơn.
Tôi muốn được nghe anh nói về những cơ sở của niềm tin kiểu như vậy, về việc V-League sa sút và bán độ trở thành “vật cực tắc phản”?
Cũng như bất động sản, qua cơn cuồng loạn cướp giật dự án, mua bán cũng như cướp giật, giờ là lúc những người làm bất động sản phải lo phát triển bài bản để thoát khỏi khủng hoảng.
Làm nhà giờ phải lo phục vụ người ở, tức là hướng đến nhu cầu thật.V-League cũng tương tự, suất dự V-League, các cầu thủ biết đá bóng không còn là đối tượng để cướp giật nữa.Sau thời kỳ điên loạn đó thì bóng đá phải tìm ra cách phát triển bài bản, và phải lo “bán hàng”.Không đi tranh cướp cầu thủ thì tất yếu vào đầu tư vào đào tạo trẻ.
Muốn bán được sản phẩm bóng đá thì phải có khán giả, và để kéo khán giả đến sân thì phải chơi bóng đá chứ không phải “chơi” tiểu xảo, đôi co, hay đánh võ trên sân.
Khủng hoảng cũng là cơ hội để sàng lọc các ông bầu bóng đá. Nếu đến với bóng đá chỉ vì đầu cơ, giờ là lúc họ tự ra đi như chúng ta thấy trong 2 mùa giải vừa qua.Khi bóng đá khó khăn, chỉ có những người thật sự yêu bóng đá, tâm huyết với việc phát triển bóng đá nước nhà mới tiếp tục ở lại.
Chỉ có những người đó mới giúp bóng đá phát triển.Giờ họ không phải lo cạnh tranh với những kẻ giàu xổi để bị đội chi phí lên ngất ngưởng khi làm bóng đá, và có thêm nguồn lực để phát triển bóng đá bài bản.
Khi có đội bóng giải thể thì có thêm những cầu thủ thất nghiệp.Nhưng nếu họ thật sự có năng lực thì họ sẽ tìm được chỗ đứng phù hợp, với giá cả phù hợp. Thị trường cầu thủ có dư thừa thì mới có cạnh tranh để kéo giá xuống khi giá chuyển nhượng (mà thật ra là lót tay) đã ở mức quá cao. Và các đội bóng sẵn sàng tuyên chiến với bán độ mà không còn sợ thiếu cầu thủ đá bóng.Cơ hội tiêu diệt nạn bán độ của cầu thủ chính là lúc này.
Đội tuyển Việt Nam để lại nhiều tiếc nuối khi thất bại tại bán kết AFF Suzuki Cup 2014.Ảnh: V.S.I
*Vậy anh “lý sự” ra sao về cái được trong thất bại của đội tuyển quốc gia tại AFF Cup?
- Chúng ta phải trở lại với cái lẽ giản đơn của cuộc sống: Gieo – gặt. Nếu không gieo mà đòi gặt, chúng ta chỉ có thể thuộc vào hai loại người.Một là loại người nguyên thủy, thời còn săn bắt hái lượm. Hai là loại người đi ăn cướp thành quả của người khác.
Chúng ta bỏ rơi hoạt động đào tạo trẻ từ rất lâu,tức là lười gieo, nhưng đòi đội tuyển vô địch AFF Cup thì khác gì chúng ta ở thời hái lượm!Vì vậy, thất bại của đội tuyển là hệ quả từ trước, chứ không phải là vấn đề của năm.Nhưng đội tuyển đã gieo được hai thứ, một là thứ bóng đá tử tế, với lối chơi cống hiến hơn và ít đá láo đi, thể hiện qua giải Fair-play; hai là thứ bóng đá hiện đại, giàu tốc độ, thể lực, và gắn kết hơn.
*Thế cái Đại hội TDTT toàn quốc vắng hoe khán giả, không lẽ anh vẫn bào chữa là “được”?
- Được quá đi chứ! Nó là biểu hiện của sự "hấp hối" của mô hình thể thao nặng về thành tích, hình thức, và hành chính, và là lúc để chúng ta xem xét lại về việc một giải đấu như vậy có nên tiếp tục được duy trì hay không. Câu trả lời của tôi là không.
Tất cả các giải đấu mà không phải là hoạt động đua tranh giữa các thực thể thể thao thì đều không có lý do tồn tại, vì nó sẽ luôn thiếu vắng khán giả. Một giải đấu mà vắng khán giả thì lãng phí tiền của, chỉ chạy theo thành tích, và không cổ vũ được tinh thần đua tranh của các vận động viên, cũng không giúp các thực thể thể thao rút ra được bài học gì trong công tác tập luyện và thi đấu.
Thực thể thể thao là các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp hay nghiệp dư, các tập thể gắn kết mà hoạt động thể thao là một phần trong hoạt động thường xuyên của họ, như các đội thể thao trường học. Chỉ có họ mới tạo ra lượng khán giả, cổ động viên nhiệt huyết, và hoạt động thi đấu mới thật sự hữu ích cho họ.
*Vậy ước vọng đội tuyển U23 đoạt HCV SEA Games 2015 theo anh nên là việc gieo hay gặt?
- Bầu Đức đã “gieo” 7 năm rồi, giờ là lúc có thể gặt.Tất nhiên, nếu cho lứa cầu thủ này đi thi đấu SEA Games thì họ sẽ bị thiệt tuổi so với đối thủ, nên HCV không nên là chỉ tiêu.Như tôi đã nói ở trên, sứ mệnh của đội bóng này là gieo nhiều hơn gặt, mà có gặt cũng nên dành để gieo hơn là để tận hưởng thành quả.Như việc gây được một giống lúa tốt, người ta cần nhân giống nó, thay vì vội vàng cho nó… vào nồi.
Cả nền bóng đá, thể thao Việt Nam cũng vậy, hãy nghĩ đến việc gieo đã.Đó mới là việc khó, đòi hỏi tầm nhìn, sự kiên nhẫn, và ý thức trách nhiệm với tương lai.Chứ gặt thì chỉ việc ngồi mà hưởng, đâu cần lo nghĩ gì!