Thể thao Việt Nam tìm vé dự Olympic 2024: Hy vọng hoàn thành chỉ tiêu
Thể thao Việt Nam (TTVN) mới giành thêm 3 tấm vé dự Olympic 2024 ở môn rowing, canoeing và cầu lông song vẫn chưa hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu giành 12 vé dự Thế vận hội.
THỂ THAO VIỆT NAM - GIAN NAN ĐƯỜNG ĐẾN OLYMPIC 2024
TTVN có 3 vé dự Olympic trong 1 tuần
Tuần vừa qua được coi là tuần lễ may mắn của TTVN khi có thêm 3 tấm vé dự Olympic 2024 đã được các tuyển thủ mang về. Mới nhất trong sáng ngày 21/4, Phạm Thị Huệ đã xuất sắc giành vé ở nội dung thuyền đơn nữ hạng nặng môn rowing trong cuộc thi đấu ở vòng loại châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Hàn Quốc.
Với thành tích 7 phút 53 giây 08, xếp hạng 5 tại chung kết A, tay chèo người Quảng Bình đã hiện thực hóa ước mơ được tham dự Thế vận hội. Tại Olympic 2016 và 2020, Phạm Thị Huệ cũng từng vượt qua vòng loại, song suất thi đấu được giới chuyên môn trao cho nội dung thuyền đôi nữ hạng nhẹ bởi quy định mỗi quốc gia chỉ có 1 thuyền được tham dự ở thời điểm đó.
Thêm một tin vui trong sáng ngày 21/4 cũng do một tay chèo mang về cho TTVN. Nguyễn Thị Hương sau cuộc thi đấu ấn tượng tại chung kết nội dung C1 nữ tại giải vô địch châu Á (diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản). Với thời gian 49 giây 351 và thành tích xếp thứ 2 chung cuộc để giành tấm HCB, tay chèo người Vĩnh Phúc còn được trao suất tham dự Olympic 2024.
Không chỉ tạo nên cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp thi đấu của tay chèo sinh năm 2001 với xuất phát điểm là VĐV môn vật tự do, Nguyễn Thị Hương trở thành đại diện đầu tiên của canoeing Việt Nam giành vé chính thức. Năm 2004, Đoàn Thị Cách cũng từng vinh dự được góp mặt ở Olympic Athens song đó là suất đặc cách.
Tấm vé dự Olympic còn lại trong tuần của TTVN thuộc về Nguyễn Thùy Linh. Tay vợt nữ số 1 của cầu lông Việt Nam đã thông báo trên trang cá nhân về kết quả hành trình thi đấu tích điểm dự Olympic 2024 chính thức khép lại với 48.350 điểm. Thùy Linh xếp hạng 17/35 tay vợt được Liên đoàn Cầu lông thế giới (WBF) trao vé tới Paris
Dù mục tiêu cải thiện thứ hạng để vươn lên nhóm hạt giống số 1 của Thuỳ Linh đã không thành công, nhưng thành tích này cũng hết sức đáng khen ngợi với tay vợt sinh năm 1997.
Lần thứ 2 liên tiếp kể từ Olympic Tokyo, Thùy Linh có vinh dự được góp mặt thi đấu ở Thế vận hội và thành tích chuyên môn có sự tiến bộ thông qua vị trí trên bảng xếp hạng cá nhân thế giới.
Cạnh tranh quyết liệt
3 tấm vé mới giành được là số lượng lớn nhất mà TTVN có thể giành được trong 1 tuần kể từ khi kế hoạch thi đấu đoạt vé dự Olympic 2024 được triển khai kể từ đầu năm 2023.
Dù vậy, thành công của đội tuyển đua thuyền hay của Thùy Linh trên thực tế chưa xua tan được những lo lắng của giới chuyên môn khi mức độ cạnh tranh ở các cuộc thi đấu ngày một quyết liệt hơn.
Thống kê sơ bộ trong tuần trước, ít nhất 38 VĐV 6 đội tuyển quốc gia các môn bắn súng, vật, Judo, rowing, canoeing, thể dục đã xuất ngoại thi đấu trong kế hoạch tìm kiếm suất dự Olympic 2024.
Dù vậy, số lượng vé chính thức giành được gần như chỉ ở mức tối thiểu, ngay cả khi các tuyển thủ đã nỗ lực rất lớn trong các cuộc tranh tài.
Ví dụ ở môn thể dục, Đặng Ngọc Xuân Thiện là người có thành tích tốt nhất trong số 3 VĐV dự Cúp Thế giới tại Qatar (từ 17 đến 20/4) khi vào chung kết và xếp hạng 7 chung cuộc nội dung ngựa tay quay. Còn lại, Nguyễn Văn Khánh Phong và Trịnh Hải Khang đều không gây ấn tượng ở các nội dung sở trường gồm vòng treo và nhảy chống.
Ở môn bắn súng, lần lượt nhà ĐKVĐ ASIAD 19 Phạm Quang Huy (10m súng ngắn hơi) hay các niềm hy vọng như Hà Minh Thành (25m súng ngắn bắn nhanh), Phí Thanh Thảo (50m súng trường hơi 3 tư thế) cũng đều không thành công trong nỗ lực giành vé khi sớm dừng bước từ vòng loại với kết quả thi đấu có khoảng cách nhất định so với nhóm xạ thủ vào chung kết.
Chia tay vòng loại cuối cùng tại Brazil, bắn súng Việt Nam không giành được thêm suất dự Olympic 2024 và nhìn vào thành tích thi đấu của toàn bộ hành trình thi đấu, các xạ thủ Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh khi trình độ đối thủ ở châu Á ngày một nâng lên hoặc thành tích được duy trì ổn định ở mức cao.
Ở môn vật, Nguyễn Thị Xuân (hạng 50kg) và Nguyễn Thị Mỹ Trang (hạng 53kg) từng lọt vào tới bán kết ở giải vô địch châu Á diễn ra vào tuần trước. Dù vậy, đến cuộc thi đấu vòng loại Olympic 2024 của châu Á (cũng diễn ra tại Bishkek, Kyrgyzstan), 2 đô vật Việt Nam đều dừng bước ngay sau trận đấu đầu tiên.
Cơ hội tranh vé dự Olympic vẫn còn nhưng thực sự mong manh khi VĐV của chúng ta phải tranh tài ở giải đấu quy mô thế giới diễn ra vào tháng 5 tại Thổ Nhì Kỳ.
Hy vọng hoàn thành chỉ tiêu tối thiểu
Còn 2 tháng (tháng 5 và tháng 6) để TTVN hoàn thành chỉ tiêu giành từ 12 đến 15 vé dự Olympic 2024 nhưng chỉ còn khoảng 10 cuộc thi đấu mang tính quyết định ở các môn như bóng bàn, Judo, vật, quyền anh, bắn cung, đấu kiếm và điền kinh.
Điều này báo hiệu việc TTVN đạt chỉ tiêu tối thiểu với 12 suất dự Thế vận hội cũng tiềm ẩn nhiều khó khăn, đặc biệt ở chặng về đích, mức độ cạnh tranh sẽ tiếp tục tăng lên.
Nhìn nhận dưới góc độ quy mô của các giải đấu tranh vé, bóng bàn là môn có hy vọng lớn nhất khi vòng loại Olympic 2024 được tổ chức riêng cho khu vực Đông Nam Á. Sẽ có 2 tấm vé được trao cho nhà vô địch ở nội dung đơn nam (1 vé) và đơn nữ (1 vé) trong cuộc thi đấu tại Bangkok, Thái Lan từ ngày 6 đến 8/5 và cơ hội cho các tay vợt Việt Nam là không nhỏ ở cuộc tái đấu với các đối thủ cùng khu vực.
Hiện tại, 4 tay vợt xuất sắc nhất ở thời điểm hiện tại gồm Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh (nữ) và Nguyễn Anh Tú, Đinh Anh Hoàng (nam) hiện đang tập huấn tại Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của HLV Đoàn Kiến Quốc và Vũ Văn Trung. Kế hoạch chuẩn bị chuyên môn đến thời điểm này diễn ra thuận lợi và người hâm mộ chờ đợi tin vui của thầy trò các tay vợt bóng bàn.
Đối với các môn như vật, quyền Anh, điền kinh, mức độ cạnh tranh sẽ lớn hơn với các giải đấu ở quy mô thế giới và đòi hỏi các tuyển thủ cần giành được thành tích cụ thể trong các cuộc so tài. Ví dụ như việc lọt vào bán kết hoặc chung kết ở các cuộc thi đấu đối kháng, hoặc có thành tích trong top 16 thế giới ở nội dung tiếp sức 4x400 nữ ở môn điền kinh.
Trong khi đó, các tuyển thủ ở môn Judo và bắn cung sẽ phải chờ đợi kết quả tính điểm sau khi toàn bộ các giải đấu trong hệ thống vòng loại Olympic 2024 kết thúc (dự kiến vào cuối tháng 6). Điểm số đạt được sẽ quyết định khả năng giành vé và để lọt vào danh sách 64 tuyển thủ ở môn bắn cung và 34 võ sỹ ở môn Judo được trao quyền dự Olympic 2024, đòi hỏi các VĐV Việt Nam phải duy trì thành tích khả quan ở các cuộc thi đấu tích điểm.
Còn thêm 1 hy vọng có thể đem về suất dự Olympic 2024 cho TTVN ở môn cầu lông. Tay vợt Lê Đức Phát hiện đang xếp hạng 35 trong danh sách được WBF trao quyền dự Thế vận hội.
Tuy nhiên, cần phải chờ đợi thông báo về danh sách chính thức của WBF đưa ra vào ngày 28/4 và nếu Đức Phát được trao vé tới Paris, TTVN có thêm hy vọng hoàn thành chỉ tiêu giành 12 vé dự Olympic 2024.
TTVN đã có 9 suất chính thức dự Olympic 2024
Tính đến hết ngày 21/4, TTVN đã có 9 tuyển thủ giành quyền dự Olympic 2024, cụ thể gồm Nguyễn Thị Thật (nội dung đua xe đạp đường trường nữ), Trịnh Thu Vinh (10m súng ngắn hơi nữ, 25m súng ngắn thể thao nữ), Lê Thị Mộng Tuyền (10m súng trường hơi nữ), Nguyễn Huy Hoàng (800m tự do nam môn bơi), Võ Thị Kim Ánh (hạng 54kg nữ môn boxing), Trịnh Văn Vinh (hạng 61kg nam môn cử tạ), Nguyễn Thùy Linh (đơn nữ môn cầu lông), Nguyễn Thị Hương (200m C1 nữ môn canoeing) và Phạm Thị Huệ (thuyền đơn nữ hạng nặng môn rowing).
XEM THÔNG TIN THỂ THAO VIỆT NAM TẠI ĐÂY
THỂ THAO VIỆT NAM - GIAN NAN ĐƯỜNG ĐẾN OLYMPIC 2024