Thể thao Việt Nam mong manh hy vọng ASIAD
Thể thao Việt Nam tới ASIAD 19 với vị thế của nhà vô địch ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp nhưng chưa có đáp án cho câu hỏi về khả năng bảo vệ thành tích 5 HCV.
Sự vắng mặt và sa sút của các nhà ĐKVĐ
Trong đó, sự vắng mặt và sa sút của những nhà đương kim vô địch vì nhiều lý do khác nhau khiến khả năng cạnh tranh suy giảm trong bối cảnh chưa xuất hiện những gương mặt nổi bật ở lực lượng kế cận.
Bùi Thị Thu Thảo là một ví dụ tiêu biểu. Tối ngày 27/8/2018 trên SVĐ Gelora Bung Karno, cô gái Ba Vì chỉ sau lần nhảy đầu tiên với thành tích 6m55 đã vươn lên dẫn đầu và gây áp lực rất lớn lên các đối thủ còn lại. Sau đó, Thu Thảo giành tấm HCV lịch sử cho điền kinh Việt Nam với thông số này trong niềm vui vỡ òa của những người đồng đội và BHL trên khán đài vì phần thi đấu rất thuyết phục, luôn ở vị trí dẫn đầu.
Năm 2021, Thu Thảo trở lại hố nhảy sau quãng thời gian gián đoạn tập luyện gần 2 năm để lập gia đình và sinh con. Nỗ lực tìm lại chính mình của Thu Thảo thể hiện qua tấm HCV SEA Games 31 với thông số 6m38 (do Vũ Thị Ngọc Hà bị tước huy chương vì doping). SEA Games 32, Thu Thảo giành tấm HCB với thành tích 6m13 do những tác động của chấn thương. Thống kê chuyên môn cho thấy, Thu Thảo chưa bao giờ vượt qua 6m40 kể từ khi trở lại.
Còn với Quách Thị Lan, chân chạy Thanh Hóa giành tấm HCV muộn nội dung 400m rào nữ ở ASIAD 18, khi Kemi Adekoya (Bahrain) bị phát hiện sử dụng chất cấm gần 1 năm sau đó. Nhưng sau sự cố doping ở SEA Games 31, cái tên Quách Thị Lan đã bị gạch khỏi đời sống điền kinh ít nhất 18 tháng và để lại khoảng trống về nhân sự trong bối cảnh chưa xuất hiện gương mặt có thành tích dưới 56 giây ở nội dung này.
Sau kỳ đại hội tổ chức ở Indonesia, Pencak Silat cũng không còn trong chương trình thi đấu ASIAD 19. Sự vắng mặt của môn võ này làm mất đi cơ hội giành HCV của thể thao Việt Nam và thành tích 2 tấm HCV từng giành được vào năm 2018 cũng gây áp lực không nhỏ về số lượng, khi việc tranh chấp HCV ở các môn thể thao khác tại ASIAD là một thử thách rất lớn cho các tuyển thủ.
Mục tiêu 3-5 HCV tại ASIAD 19
Đến ASIAD 19 với vị thế của nhà vô địch ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp với số HCV lần lượt là 202 (SEA Games 31) và 136 (SEA Games 32), trong đó, tỷ lệ HCV ở các môn Olympic và ASIAD mà Đoàn Thể thao Việt Nam giành được thường xuyên ở mức trên 60%. Những con số thống kê ấn tượng này tưởng chừng thắp lên nhiều hi vọng đột phá ở ASIAD 19 nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Mục tiêu của thể thao Việt Nam được đặt ra khá dè dặt, thậm chí, có thể thấp hơn so với thành tích đã giành được cách đây 5 năm.
Những biến động về lực lượng, từ việc không còn các nhà vô địch, các niềm hi vọng sa sút và kể cả chương trình thi đấu có những biến động dù không quá lớn nhưng vẫn tác động không nhỏ tới khả năng tranh chấp HCV. Ngoài ra, xuất hiện khoảng trống về thế hệ kế tiếp có năng lực cạnh tranh sòng phẳng bằng thành tích đã đạt được ở châu lục hay thế giới. Ví dụ như trước khi dự ASIAD 18, Thu Thảo từng đạt thành tích 6m68 ở SEA Games 2017. Nhưng hiện tại thành tích hứa hẹn như vậy không xuất hiện với thể thao Việt Nam lúc này ở môn điền kinh nói riêng hay nhiều môn có thể "đo đếm" thông số chuyên môn nói chung.
Trong nhiều cuộc gặp gỡ giới truyền thông, lãnh đạo ngành thể thao cũng có dự báo với rất ít niềm tin về khả năng tạo đột phá về thành tích mà cụ thể là giành nhiều HCV của thể thao Việt Nam ở ASIAD 19. Phân tích kỹ các thông số chuyên môn, thành tích HCV ở nhiều môn tại SEA Games như điền kinh, bơi, cử tạ, bắn súng, bắn cung còn khoảng cách với tốp có huy chương ở ASIAD. Còn đối với các môn thi đấu đối kháng như võ thuật, các môn bóng, thể dục, cờ, cầu mây… ngoài yếu tố phong độ, còn tùy thuộc vào kết quả bốc thăm và đặc biệt, sự cạnh tranh của đối thủ đến từ các cường quốc thể thao ngày một lớn hơn.
Hiện tại, thể thao Việt Nam đặt nhiều hi vọng giành HCV vào các môn như Rowing, bơi, bắn súng, Karate, Taekwondo, Wushu, cầu mây hoặc thấp hơn một chút là chờ đợi bất ngờ ở thể dục, cử tạ, vật, cờ Vua, cờ Tướng nhưng số lượng VĐV đủ khả năng tranh chấp hoặc sở hữu thành tích khả quan là không nhiều, thậm chí, chỉ có từ 1-2 VĐV ở một môn thi đấu. "Chúng ta nhìn vào thực tế, thể thao Việt Nam dự đấu trường ASIAD có thể giành được khoảng 20 tới 30 tấm HCB hoặc cũng con số ấy về HCĐ. Thế nhưng chuyển từ màu bạc sang màu vàng là rất khó. ASIAD là đấu trường của châu Á, các tuyển thủ mạnh nhất châu lục đều tham dự ở đây", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn chia sẻ trong lễ trao thưởng do Liên đoàn Điền kinh Việt Nam tổ chức sau SEA Games 32.
Tìm gì ở ASIAD 19?
Dự báo về những cuộc thi đấu đầy khó khăn ở ASIAD 19 được đưa ra ngay trong thời điểm dư ấm chiến thắng ở SEA Games 32 vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí, rất nhiều bữa tiệc mừng công của thể thao Việt Nam còn chưa diễn ra. Nhưng có lẽ vẫn rất cần thiết, bởi nó giống như lời nhắc nhở cho các tuyển thủ, các HLV và cả các nhà quản lý cần tranh thủ thời gian để chuẩn bị về nhiều mặt trước trận đánh quan trọng diễn ra trong hơn 4 tháng nữa. Khoảng thời gian này là rất ít cho một chiến dịch "săn vàng" ở sân chơi lớn nhất của châu lục nhưng nó đóng vai trò quan trọng vì là khâu chuẩn bị cuối cùng.
Một thống kê gần đây cho thấy, số lượng huy chương của các nội dung, các môn có trong chương trình thi đấu ở Olympic 2024 mà đoàn thể thao Việt Nam giành được ở SEA Games 32 là 48 HCV, 40 HCB, 36 HCĐ chiếm tỷ lệ 35,29% trên tổng số 136 HCV, 105 HCB, 118 HCĐ của toàn đoàn. Con số này tương đương với Thái Lan (35,18%), Philippines (36,02%), Malaysia (38,23%) và bằng một nửa so với Singapore (70,58%). Điều này báo hiệu những cuộc cạnh tranh các tấm vé dự Olympic 2024 cũng sẽ đầy khó khăn ngay giữa các quốc gia Đông Nam Á, chưa nói đến những đối thủ ở châu lục và thế giới ở các giải đấu vòng loại có quy mô lớn hơn.
Vậy nên, ASIAD 19 không chỉ là nơi các tuyển thủ Việt Nam nỗ lực để giành HCV, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đề ra về số lượng HCV hay HCB, HCĐ ở các môn tham dự, mà còn là đấu trường để đánh giá về khả năng tìm kiếm và đem về các tấm vé dự Olympic tại Paris vào mùa hè 2024. Sự liên thông trong quá trình chuẩn bị chuyên môn từ SEA Games, ASIAD và Olympic đã nhiều lần được nhắc tới, đặc biệt với nhóm VĐV và nhóm môn trọng điểm của thể thao Việt Nam từ 3-4 năm gần đây, và ASIAD là nơi họ sẽ phải thể hiện thành tích. Và cũng từ thước đo ASIAD với chương trình thi đấu ổn định hơn, thử thách khó khăn hơn, thể thao Việt Nam sẽ có đánh giá chính xác về thực lực, vị trí và khả năng chinh phục của nền thể thao đã 2 lần liên tiếp đứng đầu ở SEA Games.
ASIAD 19 có 40 môn thể thao và 482 bộ huy chương
Đại hội thể thao châu Á - ASIAD 19 có chương trình thi đấu gồm 40 môn (Thể thao điện tử và Breaking lần đầu có mặt) với 66 phân môn và 482 nội dung, diễn ra tại Hàng Châu, Ninh Ba, Ôn Châu, Thiệu Hưng, Kim Hoa và Hồ Châu - Trung Quốc . Ban tổ chức đã bố trí 55 địa điểm thi đấu và 31 địa điểm tập luyện cho 45 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Á và 5 Ủy ban Olympic quốc gia châu Đại Dương. Khẩu hiệu của ASIAD là "Heart to heart, @future" (Từ trái im đến trái tim, đến tương lai) và tôn vinh những giá trị của thể thao Olympic hiện đại "Vì một cuộc sống tốt đẹp hơn - Vì một tương lai tốt đẹp hơn". Đoàn Thể thao Việt Nam dự kiến sẽ tham dự ASIAD với khoảng 500 thành viên tại kỳ đại hội này.