Thể thao Việt Nam: Khi SEA Games quan trọng hơn ASIAD
Thống trị thể thao khu vực với 2 lần liên tiếp xếp đầu toàn đoàn tại SEA Games 31 và 32 nhưng chừng đó là chưa đủ để Đoàn thể thao Việt Nam làm nên chuyện ở ASIAD 19.
Việc thua kém Thái Lan, Indonesia, Malaysia và cả Singapore khi vươn ra đấu trường châu Á đặt ra những câu hỏi về chiến lược phát triển của thể thao Việt Nam.
Thực tế đáng suy ngẫm
Với 504 thành viên (337 VĐV) tranh tài ở 31 môn, Đoàn thể thao Việt Nam chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn 2-5 HCV. Nói là khiêm tốn bởi ở ASIAD 18 tại Indonesia cách đây 5 năm, đoàn Việt Nam đã có thành công lịch sử với 5 HCV.
Vậy mà đến hơn nửa chặng đường trên đất Hàng Châu (Trung Quốc), đoàn thể thao Việt Nam chỉ có 1 HCV từ nội dung bắn súng. Trong khi đó, thể thao Thái Lan vốn xếp sau ở SEA Games lại đang gấp 10 số HCV của Việt Nam. Indonesia cũng đã có 4 HCV, nhiều hơn 1 HCV so với Malaysia và Singapore lúc này cũng đã có 2 HCV.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại lịch sử, điều này cũng rất đỗi bình thường. 5 năm trước khi là chủ nhà ASIAD 18, Indonesia đã giành tới 31 HCV, Thái Lan có 11 HCV, còn Việt Nam có 5 HCV. Năm 2014, Thái Lan dẫn đầu khu vực khi có 12 HCV ASIAD, hơn 8 chiếc so với Indonesia, còn Việt Nam chỉ có 1 HCV của nữ võ sỹ Wushu Dương Thuý Vi. Năm 2010, nữ võ sĩ karate Lê Bích Phương cũng cứu cho đoàn thể thao Việt Nam khỏi kỳ Á vận hội trắng tay ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Còn ở góc độ quản lý, chính các nhà quản lý chuyên môn cũng nhìn thấy sự "nghịch lý" này. Sau khi khép lại SEA Games 32 vào hồi tháng 5 vừa qua, dù đoàn Thể thao Việt Nam giành được ngôi đầu với thành tích tốt nhất trong lịch sử đi thi đấu quốc tế, thì Phó tổng cục trưởng TDTT khi ấy là ông Trần Đức Phấn đã sẵn sàng cho ASIAD đầy gian nan.
"Nhìn vào thực tế, thể thao Việt Nam dự đấu trường ASIAD có thể giành được từ 20 đến 30 tấm HCB hoặc cũng con số ấy HCĐ. Thế nhưng chuyển từ màu bạc sang màu vàng là rất khó. ASIAD là đấu trường của châu Á, các tuyển thủ mạnh nhất châu lục đều tham dự ở đây", ông Phấn cho biết.
SEA Games gắn với thực tế sát sườn
Tại SEA Games 32, các môn Olympic giành được 69 HCV cho Đoàn thể thao Việt Nam (67 HCV còn lại ở các môn nằm ngoài Olympic). Tuy nhiên, như đã đề cập, khoảng cách của SEA Games so với ASIAD là quá xa. Với người làm thể thao Việt Nam lẫn các tuyển thủ, đấu trường SEA Games thực tế sát sườn hơn cho tất cả.
Điều này sẽ giúp họ có điều kiện để nuôi sống bản thân và có thể là gia đình với tài năng của mình. So với ASIAD 4 năm mới diễn ra 1 lần, SEA Games đến nhanh hơn (2 năm 1 lần) và với những VĐV Việt Nam được tuyển chọn vào đội tuyển thi đấu, có huy chương (bất kể màu gì), chế độ hỗ trợ của ngành thể thao cho họ trong khoảng thời gian diễn ra Đại hội cũng được cho là phù hợp với nỗ lực đã bỏ ra. Đây là lý do khiến họ có thể sống được với thể thao và đam mê mình lựa chọn.
Từ những tài năng thi đấu ở SEA Games, những cá nhân nổi bật được tuyển chọn tới đấu trường ASIAD và con số này rõ ràng thấp hơn hẳn khi dự đại hội khu vực. Và như đã đề cập, để có được HCV tại đấu trường này là quá sức, như "hái sao trên trời" với VĐV Việt Nam.
Lịch sử những lần dự ASIAD và cao hơn là Olympic cho thấy, tấm HCV có được ở những đấu trường này rất gian nan với thể thao nước nhà. Đó là lý do người làm thể thao, cả VĐV Việt Nam cũng lựa chọn cách có thể sống khoẻ trước tiên tại SEA Games trước khi nghĩ đến việc gây bất ngờ lúc cạnh tranh với những đối thủ mạnh hàng đầu thế giới.
Bài toán rủi ro khi đầu tư cho các VĐV trọng điểm ở những đấu trường ASIAD hay Olympic cũng là vấn đề đau đầu với ngành thể thao lẫn VĐV Việt Nam. So với những quốc gia có kinh tế tốt trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Singapore, họ không khó để đầu tư cho tài năng thể thao. Và cũng đã từ lâu, dường như những cuộc tranh tài ở SEA Games không còn là tiêu chí hàng đầu với VĐV của các quốc gia đó. Quan trọng hơn, khi có điều kiện đầu tư, các VĐV được khuyến khích tầm nhìn xa hơn tới ASIAD hay Olympic.
Tại ASIAD 19, để có được thành công như hiện tại, Thái Lan cũng đã cử 941 VĐV tới Trung Quốc dự thi đủ 40 môn (trong khi chủ nhà Trung Quốc có 886 VĐV). Con số VĐV đó hơn gần 100 VĐV so với khi họ dự SEA Games 31. Indonesia cử đi 413 VĐV dự thi 30 môn.