Thể thao Việt Nam hậu ASIAD 19: Nỗi lo chất lượng thành tích
Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) tại ASIAD 19 nhưng đem lại rất nhiều lo lắng về chất lượng thành tích chuyên môn trong từng nội dung thi đấu cụ thể.
3 tấm HCV đến từ bắn súng, cầu mây và Karate nằm trong nhóm môn có nhiều hi vọng song điểm sáng là xạ thủ Phạm Quang Huy với lần đầu dự ASIAD và đội tuyển 4 nữ cầu mây bảo vệ được vị thế số 1 ở đấu trường thế giới. Tấm HCV Kata đồng đội nữ môn Karate thể hiện nỗ lực của các võ sỹ nhưng cuộc thi đấu chỉ có 4 quốc gia tham dự gồm Việt Nam, Malaysia, Campuchia, Brunei và cả 4 đội đều giành huy chương.
Thiếu mũi nhọn
Rất nhiều cá nhân hoặc đội tuyển sáng giá ở các môn Olympic của TTVN đã không hoặc chưa đáp ứng được kỳ vọng. Điển hình Nguyễn Thị Tâm (Boxing), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Trịnh Thu Vinh, Hà Minh Thành (bắn súng), Trương Thị Kim Tuyền (Taekwondo), đội tiếp sức 4x400m nữ (điền kinh), đội tuyển bóng đá nữ…
Một số môn thể thao nằm trong danh sách đầu tư trọng điểm hướng tới giành vé dự Olympic như vật, Judo, cử tạ, bắn cung, đấu kiếm cũng thi đấu không thành công, trắng tay tại ASIAD và chưa có VĐV nổi bật có thể tiếp cận thành tích tại châu lục.
Nhìn tổng thể, Đoàn TTVN dự ASIAD với 337 VĐV, tranh tài ở 31 môn thi đấu nhưng rất ít mũi nhọn có thể cạnh tranh huy chương sòng phẳng qua thông số chuyên môn. Việc đặt chỉ tiêu HCV có biên độ lớn cho thấy công tác dự báo có nhiều khó khăn và thực tế thi đấu khẳng định, có những môn, nội dung sự tiến bộ của đối thủ đã nằm ngoài tính toán của TTVN.
5 năm sau ASIAD 18, TTVN không còn bất cứ VĐV nào có thể cạnh tranh HCV ở nhóm môn mà thành tích có thể "đo, đếm" được như trường hợp của Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ).
Không phủ nhận, những thay đổi về điều lệ thi đấu ở một số môn (như rowing) tác động phần nào đến khả năng cạnh tranh HCV nhưng về chủ quan, sự thiếu hụt lực lượng kế thừa có thành tích cao, sự thiếu ổn định về phong độ, tâm lý thi đấu kể cả ở nhóm VĐV đã có thành tích là nguyên nhân lớn nhất khiến TTVN gặp nhiều khó khăn tại ASIAD 19. Ví dụ như môn điền kinh, góp mặt ở 12 nội dung nhưng chỉ có 2 nội dung có thành tích vượt qua chính mình, ở những môn đối kháng phụ thuộc vào kết quả bốc thăm như boxing, karate, taekwondo… thì còn khó khăn hơn.
Nghịch lý về thứ hạng
TTVN đứng số 1 ở 2 kỳ SEA Games 31 và 32 với việc giành trên 300 HCV nhưng quy chiếu từ thành tích ở ASIAD 19 chỉ đứng thứ 6 khu vực, xếp dưới Thái Lan (12 HCV, 14 HCB, 32 HCĐ), Indonesia (7, 11, 18), Malaysia (6, 8, 18), Philippines (4, 2, 12), Singapore (3, 6, 7).
Nghịch lý này đã chỉ ra quy mô, chất lượng thành tích và sự cạnh tranh giữa đại hội thể thao khu vực và châu lục là "một trời một vực". Nhiều môn, nội dung của SEA Games không có trong chương trình thi đấu ASIAD, trình độ VĐV dự 2 đại hội có sự khác biệt rất lớn và đặc biệt nhiều môn thể thao của ASIAD đã đạt tới trình độ thế giới.
Trong vòng 17 tháng tính từ SEA Games 31, TTVN dự 3 đại hội lớn gồm 2 kỳ SEA Games và 1 kỳ ASIAD với áp lực không nhỏ từ việc phải bảo vệ vị trí tốp 3 ở đại hội thể thao khu vực. Việc dàn trải nguồn lực để tập trung giành nhiều HCV SEA Games chắc chắn tác động không nhỏ tới khả năng mài giũa mũi nhọn để tranh chấp HCV ở ASIAD.
Việc "chạy" theo SEA Games có chương trình thi đấu đầy biến động đã từng được nhiều nhà chuyên môn cảnh báo song việc điều chỉnh thước ngắm của nền thể thao không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Và qua cuộc thi đấu tại ASIAD 19 sẽ thấy rõ hơn đa phần tuyển thủ của Đoàn TTVN chỉ có khả năng tranh tài và giành huy chương ở đấu trường khu vực.
TTVN cần phải điều chỉnh lại thước ngắm và xác định cụ thể đấu trường để chinh phục trong tương lai gần. Sẽ phải chọn lựa giữa SEA Games hay ASIAD và Olympic để xây dựng chiến lược cho phù hợp trên cơ sở phân tích về 2 yếu tố ban đầu là con người và khả năng, mức độ đầu tư.
Trong bối cảnh, kinh phí nhà nước dành cho thể thao thành tích cao sẽ chỉ có một giới hạn nhất định, nên khó có thể tìm lời giải cho bài toán thành tích ở đấu trường lớn chỉ nếu chỉ trông đợi vào nguồn ngân sách. Ngành thể thao, cùng với các các liên đoàn, hiệp hội thể thao cần thực hiện tốt hơn việc việc huy động nguồn lực xã hội hóa, phát triển kinh tế thể thao, tạo điều kiện thuận lợi để thể thao thành tích cao phát triển.