Thể thao Việt Nam điêu đứng vì Covid-19
(Thethaovanhoa.vn) - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngành thể thao quyết định tạm dừng tổ chức nhiều hoạt động thi đấu và tập huấn cho đến hết tháng 3. Riêng với V-League, giải đấu vẫn được phép tổ chức nhưng trên sân không có khán giả.
Hoãn toàn bộ các giải đấu trong tháng 3
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Tổng cục TDTT vừa có văn bản khẩn gửi các Vụ, đơn vị trực thuộc Tổng cục TDTT nhằm đẩy mạnh công tác tăng cường các hoạt động phòng chống dịch. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc ngành thể thao yêu cầu các đơn vị tạm dừng hoặc lùi thời gian tổ chức các lớp tập huấn, các giải thể thao trong hệ thống thi đấu quốc gia trong tháng 3. Hủy kế hoạch cử các đội tuyển, đội tuyển trẻ thể thao quốc gia đi tập huấn, thi đấu nước ngoài và các đoàn cán bộ đi công tác nước ngoài cho tới hết tháng 3. Ngoài ra, các Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ VĐV, HLV, trước mắt thực hiện cấm trại đối với các đối tượng tập huấn tại Trung tâm cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Đối với các giải thể thao đang được tổ chức, đề nghị đơn vị tổ chức giải phải thường xuyên báo cáo, xin ý kiến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương đăng cai, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp hạn chế khán giả và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Theo chia sẻ của Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, đây là việc làm bất khả kháng nhằm bảo vệ sự an toàn và sức khỏe cho toàn bộ các VĐV, HLV trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh dù rất nhiều sự kiện, giải đấu trong hệ thống quốc gia đã phải tạm dừng từ đầu tháng 2. “Riêng đối với V-League, phương án tổ chức thi đấu không có khán giả vẫn được thực hiện, tuy nhiên, BTC giải đấu phải đảm bảo an toàn, nắm bắt thông tin đầy đủ với các đối tượng tham gia và thường xuyên có báo cáo với lãnh đạo ngành thể thao về tình hình tổ chức giải”, ông Vương Bích Thắng cho biết thêm.
Ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch Olympic
Không chỉ hệ thống thi đấu quốc gia của toàn ngành thể thao bị tê liệt, kế hoạch và hoạt động nhằm chuẩn bị giành vé tham dự Olympic của nhiều đội tuyển quốc gia ở nhiều môn cũng bị xáo trộn và ảnh hưởng nghiêm trọng. Dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều quốc gia châu Á, châu Âu khiến nhiều giải đấu tranh suất dự Olympic cũng bị hủy bỏ hoặc hoãn lại. “Đơn cử như giải bắn súng dự kiến được tổ chức tại Ấn Độ trong tháng 3 để xác định các suất dự Olympic cũng đã bị hủy do nhiều VĐV không đăng ký thi đấu. ĐTQG bắn súng trước đó tập huấn tại Hàn Quốc để dự giải này, song đến giờ chót do nhiều quốc gia không dự nên giải không đủ tiêu chuẩn để Liên đoàn Bắn súng thể thao quốc tế cấp suất dự Olympic, nên các xạ thủ của ĐTQG lại trở về Việt Nam tập luyện”, ông Vương Bích Thắng cho biết.
Hiện tại, để đảm bảo sự an toàn và sức khỏe cho các VĐV, HLV nên ngành thể thao cũng chủ động hạn chế việc tập huấn, thi đấu nước ngoài ở rất nhiều ĐTQG, kể cả với các ĐTQG chuẩn bị cho Olympic. “Ngoại trừ các giải đấu thực sự cần thiết và quan trọng, ngành thể thao mới tính toán phương án và xin phép các cơ quan chức năng để VĐV, HLV ra nước ngoài thi đấu. Dù kế hoạch chuẩn bị cho Olympic 2020 của thể thao Việt Nam đến thời điểm này bị xáo trộn song phải chấp nhận điều đó”, ông Vương Bích Thắng chia sẻ thêm.
Riêng với các kế hoạch tập huấn nước ngoài bị hủy bỏ, ngành thể thao đã xây dựng phương án để nâng cao chất lượng tập huấn trong nước tại các Trung tâm HLTTQG và yêu cầu các Trung tâm, HLV, VĐV tuân thủ quy định phòng, chống dịch. “Việc làm này đã được triển khai từ đầu tháng 2 và phải chờ đợi diễn biến của dịch bệnh mới có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế”, theo lời ông Vương Bích Thắng.
Hôm nay 11/3 sẽ "chốt hạ" về công tác tổ chức F1 tại Việt Nam Thời điểm diễn ra giải đua xe công thức 1 (F1) Việt Nam Grand Prix đã khá cận kề, song hiện tại ngành thể thao vẫn đang chờ đợi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 mới có thể đưa ra quyết định chính thức. Giải đấu này có được tổ chức đúng như kế hoạch từ ngày 3 đến ngày 5/4 hay không còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện và sự chấp thuận của các cơ cơ quan chức năng khác. Để phòng chống dịch Covid-19, chặng đua tại Trung Quốc đã bị hủy bỏ và chặng đua tại Bahrain từ ngày 20 đến 22/3 vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch nhưng không có khán giả tham dự. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 70 năm, một chặng đua F1 được tổ chức không có khán giả. Được biết, theo kế hoạch vào chiều nay 11/3, lãnh đạo thành phố Hà Nội sẽ có cuộc họp với VGPC, Chủ tịch Tập đoàn F1 và các sở ngành liên quan, chốt phương án cuối về chặng đua F1 Hà Nội, phù hợp với diễn biến thực tế của dịch Covid-19 tại Hà Nội. Đến nay, đơn vị tổ chức giải F1 Việt Nam là Công ty VGPC đã triển khai bán vé qua mạng, với nhiều mệnh giá, từ 700 nghìn đồng (vé phổ thông, không có ghế ngồi) đến hạng vé cao nhất là 134 triệu đồng (ngồi xem trong khu vực thành viên đội đua). |
Vũ Lê