Thể thao Việt Nam chờ những người thầy giỏi
Theo thống kê của Cục TDTT, từ năm 2018 đến nay, số lượng các chuyên gia ngoại được thuê cho các đội tuyển trọng điểm là vào khoảng 25 - 30 người. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, số lượng chuyên gia ngoại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để phục vụ cho các mục tiêu tham vọng trong Chiến lược phát triển TDTT 2030 - 2045, thì việc thuê những HLV ngoại chắc chắn là ưu tiên của ngành thể thao, nhưng làm sao để có những ông thầy nội xuất sắc, cũng là việc phải tính đến.
Hiện thể thao Việt Nam (TTVN) có các trường đại học chuyên ngành trực thuộc Bộ VH,TT&DL, nổi bật là Đại Học TDTT quốc gia Từ Sơn hay các trường tương tự tại TP.HCM và Đà Nẵng. Đây có thể xem là nơi đào tạo ra những người thầy trong thể thao trên cả 2 lĩnh vực huấn luyện và nghiên cứu khoa học ứng dụng. Nhưng thực tế thì TTVN lại không hề có một trung tâm đào tạo HLV chuyên nghiệp nào.
Hồi tháng 8 vừa qua, tại Đại hội LĐ Bóng bàn Việt Nam, cựu danh thủ Nguyễn Nam Hải được bầu làm Tổng thư ký. Làng bóng bàn cảm thấy vui khi có một người giỏi về chuyên môn và có trình độ cao nắm vai trò điều hành của tổ chức, nhưng bên cạnh đó, khi Nguyễn Nam Hải chuyển sang làm công việc quản lý cũng đồng nghĩa sẽ thiếu đi một HLV giỏi.
Từ một nhà vô địch quốc gia và SEA Games, sau khi nghỉ thi đấu, Nguyễn Nam Hải dành rất nhiều thời gian đi học về huấn luyện, kinh tế thể thao và ngoại ngữ. Đây là một trong số rất ít HLV của TTVN tự bỏ tiền túi học thêm ở các trường quốc tế nhằm nâng cao trình độ. Sau đó, Nguyễn Nam Hải từng là HLV của đội tuyển bóng bàn Việt Nam đoạt HCV đồng đội nam tại SEA Games 2017.
Nhưng các trường hợp HLV nội có tay nghề giỏi, hoặc bằng cấp quốc tế với thời gian chuyên tu nước ngoài lâu năm, lại không nhiều. Ví dụ như ở môn bóng đá, có HLV Hoàng Anh Tuấn từng sang châu Âu học bằng Pro và sau đó, trở thành một HLV chuyên về bóng đá trẻ nổi tiếng với việc đưa U19 dự World Cup trẻ thế giới.
Thế nhưng, khi ông Tuấn rời khỏi các đội trẻ Việt Nam, chuyển sang làm công tác huấn luyện hoặc quản lý, thì gần như không có ai tương đương thay thế ở hệ thốngđội tuyển U.
Đơn giản vì ngay các HLV đang làm việc tại các CLB chuyên nghiệp chủ yếu cũng tự học và lấy kinh nghiệm khi còn làm cầu thủ để làm nghề cầm quân. Họ gần như không được đào tạo chính quy, chủ yếu là tham gia các khóa học ngắn ngày do các chuyên gia AFC cử sang giảng dạy nhưng mục đích chính là để lấy bằng cấp theo quy định.
Bóng đá còn như vậy, thì ở các môn thể thao khác, càng hiếm có chuyện VĐV sau giải nghệ sẽ tìm cách chuyên tu để trở thành HLV đỉnh cao.
Cũng cần phải phân biệt rõ: Nhiều HLV nội của chúng ta vẫn thành công khi cầm quân nhờ kinh nghiệm từ lúc còn là VĐV giỏi. nhưng hãy đặt vấn đề: Nếu các VĐV giỏi được đào tạo chuyên sâu và ở trình độ quốc tế, thì có lẽ họ sẽ còn giúp cho các đàn em, hậu bối của mình có thêm chiến tích vượt trội.
Trò hay thì phải có thầy giỏi. Thậm chí, việc có thầy giỏi còn nên là điều kiện cần bởi một HLV giỏi, có đẳng cấp cao không chỉ giúp ích cho công tác huấn luyện mà còn ở khâu đào tạo. Bên cạnh đó, có chiến lược đào tạo HLV nội cũng là một khoản đầu tư sinh lợi bởi chi phí thuê chuyên gia ngoại hàng đầu hiện mỗi lúc một cao, vượt quá khả năng của ngân sách, trong khi nguồn xã hội hóa thì thường không ưu tiên cho việc trả lương HLV.
Với khối lượng công việc khổng lồ và những mục tiêu rất lớn của Chiến lược 2030 - 2045, đã đến lúc TTVN cần có kế hoạch dài hạn cho việc đào tạo HLV nội với các tiêu chuẩn cao về trình độ lẫn khả năng ngoại ngữ, công nghệ để họ theo đuổi công việc lâu dài và cập nhật được những xu hướng huấn luyện hiện đại. Nói cách khác, làm sao để có những thế hệ những người thầy giỏi, đông đảo cũng quan trọng không kém gì việc tìm kiếm các thế hệ VĐV tài năng.