Thể thao Đông Nam Á tại Olympic Paris 2024: Nhọc nhằn tìm huy chương
Các tuyển thủ Đông Nam Á đối diện với hàng loạt thử thách khó khăn ở Olympic và cơn khát huy chương ngày một tăng nhiệt với cả nền thể thao khu vực.
11 đoàn thể thao của Đông Nam Á với 182 VĐV tranh tài tại Olympic Paris nhưng lúc này kết quả thi đấu mới chỉ có 2 HCV. Tính đến 23h00 ngày 7/8, trên bảng xếp hạng huy chương, Philippines có thứ hạng cao nhất khi đứng thứ 23 với 2 HCV, 1 HCĐ trong khi Thái Lan (hạng 52, 2 HCB, 1 HCĐ), Malaysia (hạng 65, 2 HCĐ) và Indonesia (hạng 69, 1 HCĐ) lần lượt đều đã có huy chương.
Đoàn thể thao Philippines đã giành 2 HCV nhờ thành tích xuất sắc của tuyển thủ Carlos Yulo tại nội dung thể dục tự do cá nhân nam. Carlos Yulo không xa lạ với các quốc gia của Đông Nam Á bởi VĐV này đã dự các kỳ SEA Games gần đây. Philippines vẫn còn cơ hội để nâng cao thành tích ở môn quyền anh, khi võ sĩ Petecio đã lọt vào bán kết hạng cân 57kg nữ.
Chính việc thể thao Philippines "mở hàng" tấm HCV đầu tiên, những đoàn thể thao Đông Nam Á đều nóng lòng phải đạt được thành tích như đề ra. Dự báo của giới chuyên môn, các trận đấu cuối cùng của môn quyền anh, cầu lông và một số nội dung của môn cử tạ, taekwondo sắp thi đấu thì thể thao của Đông Nam Á sẽ giành thêm huy chương Olympic Paris.
Nhìn từ thực tế của Olympic Paris mới thấy thể thao hầu hết các quốc gia Đông Nam Á trên đấu trường thế giới có khoảng cách rất lớn, nếu không nói đây vẫn là một "vùng trũng" của thể thao thế giới, rất khó bắt kịp nhiều quốc gia có nền thể thao mạnh hiện nay. Trình độ VĐV của các nước khu vực Đông Nam Á vẫn còn khoảng cách quá xa so với các nước hàng đầu thế giới, nhất là những bộ môn Olympic thiên về sức mạnh và thể hình như bơi lội, điền kinh, đua xe đạp.
Có thể thấy, thế mạnh của các quốc gia Đông Nam Á trong suốt chiều dài tham dự các kỳ Thế vận hội có thể tranh chấp huy chương nằm ở các môn như bắn súng, cầu lông, quyền anh, cử tạ, bóng bàn cùng các môn võ. Trong đó Indonesia, Malaysia rất mạnh về cầu lông, Thái Lan và Philippines đầu tư cho quyền anh, còn cử tạ các hạng cân nhẹ cũng là thế mạnh của nhiều nước trong khu vực có khả năng có thể tranh chấp huy chương thế giới.
Trừ một số môn có thể gây bất ngờ, như bắn súng chẳng hạn, còn hầu hết các môn Olympic đều cần có một thời gian tích lũy tập luyện rất lâu, đầu tư bài bản. Chính vì vậy, sẽ rất khó cho các quốc gia Đông Nam Á nào muốn giành huy chương nhưng lại không có được mũi nhọn khi bước ra sân chơi thế giới. Cần biết rằng, những VĐV của tất cả các đoàn đều cần phải đạt chuẩn, đạt thành tích xuất sắc trong bộ môn của mình mới giành được tấm vé đến với đấu trường Olympic.
Từ đó sẽ thấy muốn đạt kết quả tốt tại các kỳ Olympic, các nước Đông Nam Á cần "cải tiến" triệt để chương trình thi đấu tại các kỳ SEA Games. Cụ thể, SEA Games sẽ chỉ tập trung thi đấu các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic và Asiad. Điều quan trọng hơn nữa là ngoài thành tích huy chương, các nội dung Olympic ở SEA Games cần chú trọng nâng chất về thành tích. Có như vậy sẽ giúp phản ánh đúng thực trạng phát triển và giúp thể thao Đông Nam Á tiếp cận với thể thao thế giới trong tương lai gần.