Thể thao Đà Nẵng cần sự tươi trẻ
(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao Đà Nẵng sau khi nguyên Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh ra Hà Nội làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương rồi qua đời thực sự bị hụt hẫng. Ngành thể thao Đà Nẵng đang rất hy vọng vào tân Bí thư 39 tuổi Nguyễn Xuân Anh, sẽ góp phần đưa thể thao Đà Nẵng cất cánh.
Thành tích và vị thế đang tụt dốc
Thể thao thành tích cao của Đà Nẵng đang có dấu hiệu giảm tốc. Cụ thể, từ vị trí thứ 4 với 57 HCV tại Đại hội TDTT lần thứ 6-2010, đến Đại hội TDTT lần thứ 7-2014, Đà Nẵng tụt xuống vị trí thứ 6 (thua cả Hải Phòng, Thanh Hóa) với vỏn vẹn 22 HCV. Từ thực trạng ấy, buộc ngành Thể thao Đà Nẵng phải điều chỉnh chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đến 2020.
Về mặt thành tích là vậy, còn về chất lượng, để có được 22 tấm HCV ấy, thể thao Đà Nẵng vẫn phải thực hiện chính sách chuyển nhượng vận đông viên từ các đơn vị thể thao trong cả nước. Riêng những vận động viên đỉnh cao do Đà Nẵng đào tạo chỉ đếm trên đầu ngón tay là Hoàng Quý Phước, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng, Trần Lê Quốc Toàn,… song tầng lớp kế cận các vận động viên này vẫn còn là dấu hỏi. Đó là chưa kể cơ sở hạ tầng phục vụ cho công tác tập luyện của các vận động viên còn khá hạn chế, thậm chí nó còn thua kém cả người láng giềng Quảng Nam.
Đối với địa hạt bóng đá, môn thể thao được người dân Đà Nẵng dành nhiều sự quan tâm, 3 năm trở lại đây thành tích cũng đi xuống. Điều đáng nói, nhiều năm năm qua, hệ thống đào tạo trẻ của CLB SHB Đà Nẵng bị bỏ bê ở hai tuyến U11 và U13 gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chiều sâu của đội bóng. Và lâu lắm rồi các lứa U của SHB Đà Nẵng chưa đạt được danh hiệu gì cũng như chẳng trình làng cho đội 1 gương mặt nào thật sự sáng giá...
Thực trạng buồn ấy, ngoài vai trò của Sở VH, TT& DL thì chính quyền địa phương không thể đứng ngoài cuộc.
“Lãnh đạo nào, phong trào nấy”, hình ảnh nguyên Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh để lại là người đặc biệt quan tâm đến thể thao và bóng đá Đà Nẵng.
Ảnh Phạm Tâm.
Thể thao Đà Nẵng cần một thủ lĩnh tinh thần
So với các lĩnh vực khác trong sự nghiệp phát triển TP Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng chưa phải là trọng điểm. Tuy nhiên, nếu lật lại quá khứ, so sánh những gì ông Nguyễn Bá Thanh làm được cho thể thao thành phố này, người Đà Nẵng vẫn thực sự nhớ ông.
Người ta nhớ ông Nguyễn Bá Thanh không chỉ vì tần suất xuất hiện của ông trong các sự kiện thể thao của thành phố, mà còn ở tình cảm, những quyết sách của vị thủ lĩnh đã giúp thể thao thành tích cao của Đà Nẵng vươn tầm mạnh mẽ.
Bên cạnh việc sản sinh ra các vận động viên đỉnh cao như Hoàng Quý Phước, Trần Lê Quốc Toàn, Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng,… làm mưa làm gió ở khu vực. Ở địa hạt bóng đá, cùng với trợ lực từ bầu Hiển, CLB SHB Đà Nẵng cũng là một thương hiệu lớn. Họ 2 lần vô địch V-League, nhiều cầu thủ Đà Nẵng được gọi lên tuyển, đóng góp thành tích cho Quốc gia… khiến người dân thành phố bên bờ sông Hàn hãnh diện, tự hào.
Và rõ ràng, Thể thao Đà Nẵng muốn lấy lại sự khởi sắc như ngày nào, họ cần có một vị thủ lĩnh nhiệt huyết với thể thao, nói được, làm được như cố Bí thư thành ủy Nguyễn Bá Thanh.
Cho nên, việc người hâm mộ thể thao Đà Nẵng kỳ vọng vào ông Nguyễn Xuân Anh là dễ hiểu. Đợt “vi hành” đầu tiên của ông Bí thư trẻ sau khi nhậm chức là bãi rác Khánh Sơn để rồi “không thể tưởng tượng được Đà Nẵng lại có chỗ ô nhiễm như thế”.
Ông Xuân Anh cũng cần thị sát Thể thao Đà Nẵng, nếu đang bất cập, hoặc tồn tại nhiều “ rác”, cũng cần phải xử lý để thể thao thành phố bên sông Hàn phát triển như các lĩnh vực khác!
Đà Nẵng ban hành nhiều chính sách phát triển Việc chính quyền thành phố quyết định giữ lại sân Chi Lăng, đồng thời phối hợp với nhà tài trợ để nối lại 2 tuyến trẻ U11 và U13 là hợp lòng dân. Bắt đầu từ năm 2015, ngoài chế độ tiền công, tiền lương, Đà Nẵng còn có chính sách áp dụng chế độ dinh dưỡng đặc thù cho VĐV, HLV. Trước đó vào tháng 7-2015, HĐND TP Đà Nẵng có nghị quyết quy định về chế độ đãi ngộ hàng tháng đối VĐV HLV thể thao đạt thành tích xuất sắc trong thi đấu các giải quốc gia, quốc tế, trong đó mức cao nhất có thể lên đến 25 lần mức lương cơ sở; mức thấp cũng từ gấp 2 đến 4 lần lương cơ sở. Ngoài ra còn có chế độ hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm. |
Tuệ Chính
Thể thao & Văn hóa