Thế hệ Vàng và cuộc chiến trên băng ghế huấn luyện
(Thethaovanhoa.vn) - 25 năm sau ngày xuất hiện, “Thế hệ vàng’ của bóng đá nước nhà những năm 1995-1999, mỗi người ở mỗi chiến tuyến, để đối đầu nhau trên băng ghế huấn luyện bây giờ.
Quá khứ ngày đó, với liên tiếp 3 kỳ SEA Games 1995-1997 và 1999 cùng 2 lần Tiger Cup 1996-1998 lứa cầu thủ đó không thể có được chức vô địch nhưng họ được người hâm mộ yêu mến gọi tên “Thế hệ Vàng” của bóng đá Việt Nam.
Tre già măng mọc
Sau rất nhiều thăng trầm, dâu bể của đời sống bóng đá, những người đồng đội ngày đó, hôm nay trở thành đối thủ của nhau khi cầm sa bàn huấn luyện. Đã có những cuộc đụng độ giữa họ với nhau trên băng ghế chỉ đạo trong nhiều năm qua. Vài người trong số họ đều là người làm nghề thành danh, có thành tích khi đã và đang cầm quân các CLB tham gia V-League.
Rộng hơn nữa, đa phần thế hệ ngày đó cũng gắn bó cùng công tác đào tạo - huấn luyện. Họ đã mang về nhiều chức vô địch V-League, Cúp quốc gia, Siêu cúp quốc gia cùng vô số danh hiệu ở các sân chơi cấp độ trẻ. Đặc biệt hơn, đã có người vinh dự ngồi vào ghế HLV trưởng hay đóng vai trò trợ lý trên cả ĐTQG. Nhìn từ băng ghế huấn luyện, sẽ thấy Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Văn Sỹ, Trương Việt Hoàng, Nguyễn Đức Thắng, Ngô Quang Trường, Trần Công Minh hay Trần Minh Chiến là những cái tên của “Thế hệ Vàng” ngày đó.
Nhanh thôi, vài ngày nữa, lúc bóng được lăn trở lại, người xem sẽ được chứng kiến những cuộc so tài thú vị của nhiều cầu thủ từng khoác áo ĐTQG những năm cuối thập kỷ 90 ở thế kỷ trước. V-League mùa này Lê Huỳnh Đức vẫn đang cầm SHB Đà Nẵng; Trương Việt Hoàng sau nhiều gắn bó ở đất Cảng Hải Phòng quay về chốn cũ nắm Viettel; Trợ lý của Hoàng “Bột”, cựu tuyển thủ Ngô Quang Trường trở lại quê hương để làm HLV trưởng SLNA; Anh em nhà Nguyễn Văn Dũng - Nguyễn Văn Sỹ gắn bó cùng bóng đá quê hương Nam Định.
Thấp hơn một chút, ở các đội bóng hạng nhất cũng ghi danh bộ 3: Trần Minh Chiến, Nguyễn Đức Thắng và Nguyễn Hữu Đang cầm quân. Trần Minh Chiến về nắm đội bóng phố biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Nguyễn Đức Thắng ngược vào miền Trung với những khát vọng cùng bóng đá đất Võ Bình Định. Nguyễn Hữu Đang thì thử sức mình với công việc ở miền “gạo trắng nước trong” Cần Thơ sau nhiều năm tham gia công tác đào tạo trẻ.
Với Trần Minh Chiến hay Nguyễn Đức Thắng đã ít nhiều lận lưng vốn liếng kinh nghiệm khi từng cầm sa bàn giải đấu chuyên nghiệp trên cương vị HLV trưởng ở B.Bình Dương và Sài Gòn FC. Trong khi đó, Nguyễn Hữu Đang tạm dừng công tác ươm mầm ở trung tâm PVF để bắt đầu thử thách nghề nghiệp của mình khi về XSKT Cần Thơ.
Không chỉ những gương mặt ở trên, nhiều năm về trước, các cựu tuyển thủ ngày đó đã gắn bó với công tác huấn luyện và ít nhiều để lại dấu ấn. Trần Công Minh đã từng làm ở Đồng Tháp, Phạm Như Thuần với Than Quảng Ninh hay Triệu Quang Hà đã có thời gian dẫn dắt Hà Nội T&T. Điểm nhấn lớn nhất thuộc về Nguyễn Hữu Thắng, khi Chủ tịch CLB TP.HCM bây giờ đã từng lèo lái SLNA vô địch V-League 2011, vinh dự hơn ông từng nhận nhiệm vụ HLV trưởng đội U23 và ĐTQG giai đoạn 2016-2017.
Nếu để chọn ra được người để lại nhiều điều đặc biệt so với đồng đội một thời khi làm công tác huấn luyện, đó là cái tên Lê Huỳnh Đức. Huỳnh Đức thay thế đàn anh Phan Thanh Hùng để lên nắm bóng đá Đà Nẵng đầu mùa 2008 khi còn trẻ ở tuổi 36 tuổi. 1 năm sau, Huỳnh Đức đã giúp bóng đá Đà Nẵng có ngôi vô địch V-League sau 17 năm chờ đợi. Bảng thành tích của Huỳnh Đức với bóng đá đất Quảng - Đà còn ghi thêm chiếc cúp quốc gia năm 2009, sau đó là vô địch V-League 2012 và cả danh hiệu Siêu cúp quốc gia cùng năm. Với Lê Huỳnh Đức, ông được xem như người trẻ nhất thành danh ở địa hạt bóng đá nước nhà trên cương vị HLV.
Chấm phá như thế về con đường đá bóng- con đường cầm quân của lứa cầu thủ thuộc thế hệ “Vàng” để thấy bóng đá luôn có tính kế thừa cùng những bước lớp lang. Một thời sôi nổi, người xem đã quen mặt thuộc tên những Phạm Huỳnh Tam Lang, Vũ Văn Tư, Vương Tiến Dũng, Lê Thụy Hải, Nguyễn Kim Hằng hay Nguyễn Văn Vinh.
Những năm bóng đá nước nhà chuyển mình sang chuyên nghiệp được gối đầu bằng thế hệ của các HLV Mai Đức Chung, Nguyễn Thành Vinh, Trần Bình Sự, Vũ Quang Bảo, Hoàng Văn Phúc, Phan Thanh Hùng. Bây giờ, kẻ còn người mất, người đã “rửa tay gác kiếm” để cho “tre già măng mọc” với đội ngũ HLV trẻ, khỏe, đầy nhiệt huyết, giàu kỹ năng cùng những tư duy mới trong bối cảnh mới.
Cuộc chiến mới của những đồng đội cũ
Lê Huỳnh Đức sau chu kỳ thăng hoa cùng bóng đá Đà Nẵng đang phải làm lại từ đầu trong giai đoạn hiện nay. SHB Đà Nẵng đã thua liền 2 trận đầu mùa và họ phải xuất phát lại đúng nghĩa đen khi vòng 3 tái xuất. Ngoại binh không còn chất lượng như Almeida hay Gaston Merlo ngày trước để dựa vào làm cái nền cơ bản. Nhiều năm rồi, Đà Nẵng cũng không cho ra lò được lứa trẻ tài năng như Phước Vĩnh- Nguyên Sa hay Thanh Hưng, Thanh Phúc ngày trước. Hôm nay, khi đụng độ cùng đồng đội cũ, không phải là lúc Huỳnh Đức có được sự thong dong như đã từng có trong quá khứ.
Trương Việt Hoàng về lại Viettel đã được ví như "cá gặp nước”. Chính bản thân HLV này cũng muốn tạo ra tiếng vang để có được hào khí Thể Công như ngày ông còn đá bóng. Kinh nghiệm cầm quân đã tích lũy sau nhiều năm lăn lộn cùng bóng đá Hải Phòng cùng với đội hình Viettel có chiều sâu, con người chất lượng. Bên cạnh đó tiềm lực cũng dư dả và tham vọng cũng được đội bóng áo lính đặt ra cho mùa giải này. Chừng đó, đã đủ để Hoàng “Bột” chinh chiến cho chặng đường khốc liệt phía trước.
Với Nam Định, đam mê hay cuồng nhiệt từ người hâm mộ là có thừa như đã minh chứng trên sân Thiên Trường. Cái thiếu của họ vẫn nằm ở con người khi không quá sắc sảo và dày dạn chiều sâu. Vì thế, anh em nhà Dũng - Sỹ phải “liệu cơm gắp mắm” cho vừa vẹn cả chặng đường năm nay để chí ít không lâm vào cảnh lao đao như mấy mùa giải trước.
Với tấm bằng HLV AFC Pro, Ngô Quang Trường đã được thử sức trong vai trò hỗ trợ chuyên môn cho HLV Việt Hoàng ở Hải Phòng. Quay về quê nhà, Quang Trường được kỳ vọng tạo ra không khí mới, tâm thế mới cho bóng đá “quê choa” ở mùa giải 2020. Gắn bó với công tác làm huấn luyện lứa trẻ nhiều năm ở Nghệ An, đủ để Quang Trường hiểu và thấm được cái chất của bóng đá địa phương khi bây giờ lên nắm đội 1.
Vẫn hay có câu: “Một cầu thủ giỏi chưa chắc đã là một HLV tài năng hay ngược lại”. Nói thế, để thấy con đường từ đá bóng sang cầm sa bàn chỉ đạo vốn lắm gian truân. Còn ở đây, chí ít với những gì đã và đang có trên cương vị làm nghề, những cầu thủ thuộc thế hệ “Vàng” 25 năm trước để lại cũng tạo ra được niềm tin.
Tất cả họ đều được ăn học các lớp đào tạo chỉn chu cùng bằng cấp bài bản. Tư duy cũng nhiều nét mới cùng những tiếp cận nhanh với thời cuộc, nhiệt huyết không thiếu khi gắn bó với nghề. Cùng chờ đợi những cuộc so tài cân não của họ và chúc họ nhiều hanh thông, nhuận sắc với nghề.
Theo đánh giá chung giới chuyên môn, những HLV là cựu danh thủ này có thể giúp các giải bóng đá chuyên nghiệp hấp dẫn hơn, bởi họ là những người có thể mang đến những luồng gió mới thay thế cho những người cũ vốn khiến sân cỏ Việt một thời đầy tai tiếng. Xa hơn nữa là niềm kỳ vọng lãnh xướng đội tuyển quốc gia ra đấu trường quốc tế. Có một thực tế là từ khi trở lại đấu trường SEA Games năm 1991 đến nay, chưa có bất kỳ HLV nội nào giúp các đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vượt qua vòng đấu bảng. |
Trần Tuấn