Xúc động hai sinh viên Hàn Quốc đạp xe gần 2000km để 'Xin lỗi Việt Nam'
(Thethaovanhoa.vn) - Họ đã tự đạp xe dọc dải đất chữ S, dừng chân tại Quảng Nam và hỏi đường vào bia tưởng niệm Phong Nhất – Phong Nhị.
- Giáo sư Hàn Quốc quỳ gối để ‘Thành thật xin lỗi Việt Nam’
- Bức tượng đặc biệt của phong trào 'Thành thật xin lỗi Việt Nam' đã đến Đà Nẵng
Những ngày qua, câu chuyện về hai chàng sinh viên Hàn Quốc là Lee Kang An và Han Tae Gun (sinh viên Khoa Thể dục thể thao, Trường Đại học Incheon Hàn Quốc) đã khiến nhiều người Việt xúc động. Họ đã vượt hơn 1700km trên hai chiếc xe đạp để tìm đến mảnh đất Quảng Nam, nơi có bia tưởng niệm Phong Nhất – Phong Nhị (xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam), để nói lời xin lỗi cho điều đau buồn đã xảy ra từ cách đây gần 50 năm trước.
Cả hai đã đến Việt Nam để đi tìm sự thật lịch sử. Ảnh: Internet
Chính nơi mà hai chàng trai này tìm đến, đúng 49 năm trước, cùng với làng Hà My (xã Điện Dương), là điểm xảy ra những cuộc thảm sát đẫm máu của quân đội Đại Hàn. Cả hai đã cùng hỏi đường vào địa phương để thực hiện điều mình mong muốn.
Sự thật và giây phút lặng yên tưởng niệm
Cái duyên để hai sinh viên này đến Việt Nam chính là những mất mát đau thương trong quá khứ và một lời xin lỗi của thế hệ tương lai. Họ dừng xe bên quốc lộ 1A và hỏi đường vào bia tưởng niệm 74 nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhất – Phong Nhị.
Hai mái đầu trẻ lặng lẽ thắp nén hương, cúi đầu trước sự thật lịch sử mà đất nước họ từng gây ra cho những người Việt đáng thương, vô tội. Khi biết được nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, người không có khả năng chiến đấu, Han Tae Gun cảm thấy lòng nặng trĩu và tự hỏi rằng, lời xin lỗi của mình liệu có được người ở thế giới bên kia tha thứ hay không?
Cả hai chàng trai đều chỉ biết mập mờ về cuộc chiến trong quá khứ giữa quân đội Hàn và Việt Nam. Cho đến khi, Lee Kang An tham gia một hoạt động ở Mỹ và tình cờ biết được trước năm 1975, người Hàn Quốc từng tham chiến ở Việt Nam đã gây ra nhiều cuộc thảm sát đẫm máu ở các ngôi làng dọc miền Trung. Còn với Han, cậu đã đọc những bài báo thuật lại lời nhân chứng kể lại việc cả làng bị dồn đẩy xuống vũng bùn rồi lính Đại Hàn nổ súng sát hại, phụ nữ bị hãm hiếp, em bé bị giết khi đang bú mẹ,… Chính những điều này đã thôi thúc cả hai bạn đến Việt Nam một chuyến để tìm hiểu sự thật lịch sử.
“Nếu đúng thì chúng tôi phải nói lời xin lỗi”
Được biết, Lee (25 tuổi, sinh viên năm 3) và Han (26 tuổi, sinh viên năm 4) đã bắt đầu chuyến hành trình bắt đầu từ Hà Nội vào ngày 1/2 và dự kiến đến TP.HCM vào ngày 4/3. Họ chọn phương tiện di chuyển là xe đạp. Ngoài hành lí đơn giản, hai bạn trẻ còn mang theo lá cờ tự thiết kế với bản đồ Việt Nam hình chữ S. Cùng với đó là dòng chữ “Bánh xe xin lỗi”, một dòng chữ nhỏ phía dưới viết rằng “Đạp xe cho sự thật lịch sử”.
Cả hai đã đến bảo tàng lịch sử ở Hà Nội, Huế và Đà Nẵng, được nhìn tận mắt những bức ảnh nạn nhân sống sót ở từng ngôi làng bị thảm sát, và cả những phù hiệu trên áo của binh lính Đại Hàn đã xuống tay sát hại người dân vô tội. Họ gần như chết lặng trước dòng chữ khắc tên các nạn nhân ở làng Hà My và Phong Nhất – Phong Nhì.
“Chúng tôi đã tin tuyệt đối”
Được đến, được nghe và được nhìn thấy, hai chàng sinh viên của Đại học Incheon Hàn Quốc đã cúi đầu tin về lịch sử và nói lời xin lỗi. Hành động của họ không phải người trẻ nào cũng có thể làm được và nó thực sự gây xúc động với những con người biết đến câu chuyện, hay đã gặp gỡ hai bạn trẻ Hàn Quốc có tấm lòng cùng nghĩa cử cao đẹp này.
Họ gần như chết lặng trước dòng chữ khắc tên các nạn nhân ở làng Hà My và Phong Nhất – Phong Nhì. Ảnh: Internet
Với họ, người dân Việt Nam là những con người thân thiện. Mọi người luôn nở nụ cười và vẫy tay chào hai chàng trai trẻ trên chuyến hành trình mà họ đi qua. Han và Lee không cảm thấy chút nguy hiểm như những điều họ từng lo sợ. Dù rất muốn được ngủ lại qua đêm nhà dân dọc quốc lộ để hiểu thêm phong tục, tập quán, nếp sống của người Việt, nhưng do không thể giao tiếp bằng tiếng Việt nên họ đành phải thuê khách sạn.
Hành trình 1.740km trong một tháng
Han và Lee cho biết, vì bất đồng ngôn ngữ nên họ phải giải thích rất nhiều để người đối diện hiểu vì sao lại nói lời xin lỗi. Thậm chí, cả hai còn phải nhờ đến sự trợ giúp của ứng dụng chuyển ngữ để truyền tải thông điệp.
Họ chọn cách di chuyển bằng xe đạp vì tự tin là sinh viên thể dục thể thao. Hơn nữa, việc đi xe đạp cũng giúp họ tìm hiểu văn hóa và ngắm nhìn làng quê Việt Nam rõ nét hơn. Khác biệt về ẩm thực, Han và Lee cũng phải tìm những cửa hàng bán đồ ăn Hàn Quốc nhưng không phải ở đâu cũng có. Đến khi đã quen dần với đồ ăn, thì lại đối mặt với khó khăn về thời tiết đó là việc đạp xe giữa trời mưa. Áo mưa khá vướng víu và nguy hiểm.
Lá cờ tự thiết kế có hình bản đồ Việt Nam của hai sinh viên. Ảnh: Internet
Để hoàn thành mục tiêu vượt 1740km trong vòng một tháng, mỗi ngày, cả hai phải đạp xe 80km. Có lẽ, kỉ niệm khó quên nhất của Han và Lee chính là đạp xe qua đèo Hải Vân. Bản đồ ghi chỉ 30km nhưng họ phải mất đến 3 giờ đồng hồ để đi hết đèo.
Được biết, theo điều tra của tiến sĩ lịch sử Ku Su Jeong, quân đội Đại Hàn đã làm chết 9000 người dân Việt Nam vô tội trong các cuộc thảm sát. Ku Su Jeong cũng là người đã khởi xướng phong trào “Xin lỗi Việt Nam” với quan điểm “Người Hàn Quốc chủ động nói lời xin lỗi chứ không phải chờ đến khi người Việt Nam đòi”.
Điều cuối cùng còn tiếc nuối nhất của hai sinh viên người Hàn này, có lẽ là không nói được tiếng Việt để có thể hỏi đường để trực tiếp đến nhà xin lỗi những chứng nhân của cuộc thảm sát ở làng Phong Nhất – Phong Nhị và làng Hà My. Nhưng dù sao đi nữa, hành động của họ cũng đã để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng người dân Việt Nam. Một lời xin lỗi tuy muộn, nhưng rất ấm lòng!