loading...
(Thethaovanhoa.vn) – Những bức ảnh quý giá liên quan đến phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” tại xã hội Hàn Quốc đã được Quỹ Hòa bình Hàn – Việt hiến tặng cho Bảo tàng Đà Nẵng. Từ hình ảnh GS người Hàn Quốc quỳ gối xin lỗi nhân dân Việt Nam, những binh lính Hàn Quốc quỳ trước bia mộ người đã khuất,… làm lay động lòng người.
Trong 52 tư liệu, hiện vật quý mà Qũy Hòa bình Hàn – Việt hiến tặng dịp này, có 19 bức ảnh về
phong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” ở Hàn Quốc và 11 tấm của các nhiếp ảnh gia Hàn Quốc liên quan đến ký ức, thương tích do quân đội Hàn Quốc gây ra đối với dân thường trong chiến tranh Việt Nam.
Trong số những bức ảnh đó, ấn tượng nhất có lẽ là khoảnh khắc một người đàn ông quỳ gối cúi lạy trước đông đảo nhân dân Việt Nam. Đó là GS người Hàn Quốc Roh Hwa Wook, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thành lập Quỹ Hòa bình Hàn - Việt. Ngày 26/2/2016, ông đã đến xã Bình An (nay là các xã Tây Vinh, Tây Bình và Tây An, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) để thắp hương, dâng hoa trong lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Bình An.
Tháng 2.2016, Giáo sư Roh Hwa Wook – Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thành lập Quỹ Hòa bình Hàn-Việt đang cúi lạy để tạ tội trước người dân tại Lễ tưởng niệm 50 năm vụ thảm sát Bình An, tỉnh Bình Định / Ảnh: Nhiếp ảnh gia Woohae Cho
Vụ thảm sát diễn ra vào cuối tháng 2/1966, chỉ trong 3 ngày đã càn quét, đốt sạch nhà cửa, lúa gạo, trâu bò và sát hại 1.004 đồng bào vô tội; 1.950 ngôi nhà bị phá hủy; ngày 26/2 năm đó, chỉ trong 1 giờ đồng hồ 380 người dân thôn Gò Dài bị giết hại. Từ đó, dân làng lấy ngày 26/2 làm ngày giỗ chung của cả làng.
Tháng 10.2013, một đoàn học sinh trung học Hàn Quốc đang đi đến Bia tưởng niệm Hà Mỹ thuộc xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam – một khu vực chịu thiệt hại bởi thảm sát. Ảnh: TL của học sinh Gil Dam Khi nói về những ký ức đau buồn của thế kỷ trước, GS Roh Hwa Wook đã luôn xin lỗi nhân dân Việt Nam và ông đã quỳ lạy tại lễ dâng hoa để gởi lời xin lỗi đến các nạn nhân, thân nhân gia đình nạn nhân trong vụ thảm sát.
Bà Nguyễn Thị Thanh (nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị, tỉnh Quảng Nam) đến thăm Hàn Quốc vào tháng 4 năm 2015 đang phát biểu cảm tưởng cùng với bà Kim Bok Dong (bên trái) và bà Gil Won Ok (bên phải), là 2 nạn nhân nô lệ tình dục của quân đội Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2. Ảnh: Ohmynews
Trước đó, ngày 5/3/2013, ông Han Hong Koo, Giám đốc Bảo tàng Hòa bình Hàn Quốc cũng đã đến tham dự lễ tưởng niệm 45 năm vụ thảm sát Hà My (1968) được tổ chức tại Đài Tưởng niệm làng Hà My (xã Điện Dương, Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Tháng 7/2015, cũng tại xã Điện An (Thị xã Điện Bàn), thiền sư Myeong Jin, người từng tham gia chiến tranh Việt Nam thuộc sư đoàn Mãnh Hổ năm 1972 đã cúi lạy để tạ tội trước Bia tưởng niệm Phong Nhất Phong Nhị.
Tháng 7.2015, thiền sư Myeong Jin, từng tham gia chiến tranh Việt Nam thuộc sư đoàn Mãnh Hổ năm 1972, đang cúi lạy để tạ tội trước Bia tưởng niệm Phong Nhất Phong Nhị, xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Kim SeongheonPhong trào “Thành thật xin lỗi Việt Nam” nở rộ trong xã hội Hàn Quốc từ năm 1999, nhiều hoạt động có ý nghĩa cao đẹp đã được nhân dân Hàn Quốc thực hiện như lập bia tưởng niệm, xây dựng Công viên Hòa Bình, lập tượng Pieta Việt Nam - “Lời ru cuối cùng” xin lỗi những bà mẹ và những đứa trẻ vô danh, vẽ tranh vì hòa bình,… những hành động đó xuất phát từ trái tim và như một lời xin lỗi chân thành gửi đến nhân dân Việt Nam.
Công viên Hòa bình Hàn-Việt tại huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên – một nơi từng xảy ra thảm sát thường dân bởi quân đội Hàn Quốc, được xây dựng bằng tiền quyên góp của độc giả tạp chí Hankyoreh 21 trong chiến dịch “Thành thật xin lỗi Việt Nam”. Lễ khánh thành được tổ chức vào tháng 1 năm 2013. / Ảnh: Tạp chí Hankyoreh 21
Năm 2001, ông Kim Yeongman, cựu binh từng tham gia chiến tranh Việt Nam thuộc Lữ đoàn Rồng xanh năm 1966, đến thăm đồi Quang Thạnh thuộc tỉnh Quảng Ngãi - nơi ông từng chiến đấu để quỳ tạ lỗi và cầu nguyện. Ảnh: Song Philkyung, đại diện Hội Y tế Hàn Quốc vì Hòa bình Việt Nam.
Tháng 3.2011, bác sĩ đông y thuộc Hội Y tế Hàn Quốc vì Hòa bình Việt Nam đang điều trị miễn phí cho người dân tại trạm y tế xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. / Ảnh: Jung Taehwan, trưởng đoàn Hội Y tế Hàn Quốc vì hòa bình Việt Nam.
Bia tưởng niệm vụ thảm sát Duy Trinh năm 1968 tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Chụp vào tháng 7, năm 2012 / Ảnh: Nhiếp ảnh gia Lee Jae Gab
Tháng 7.2014, khách viếng thăm Hàn Quốc đang thắp nén nhang trước hố bom Truông Đình thuộc xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi – một nơi xảy ra thảm sát thường dân bởi quân đội Hàn Quốc. / Ảnh: Song Philkyung, Chủ tịch Hội Y tế Hàn Quốc vì Hòa bình Việt Nam.
Tháng 2.2013, một người Hàn Quốc đang ôm an ủi bà Đặng Thị Khoa - nạn nhân sống sót khi thấy bà đang khóc đau buồn tại Lễ tưởng niệm 45 năm vụ thảm sát Hà My, tổ chức ở xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. / Ảnh: Giáo viên Moon Yong Po.
Bia chứng tích tội ác vụ thảm sát Bình Dương năm 1969 tại xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Chụp vào tháng 7, năm 2012. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Lee Jae Gab
Em Lu Lu, học sinh lớp 7 đến từ Hàn Quốc chia sẻ: "Khi đến với ViệtNam chúng em đã được tìm hiểu rất nhiều về văn hóa và lịch sử Việt Nam, tìm hiểu những đề tài về chiến tranh và phụ nữ, về các bảo tàng..., đến đây chúng em đã hiểu phần nào về lịch sử chiến tranh Việt Nam và những gì mà Hàn Quốc đã gây ra tại đây. Em mong rằng với những hành động mà nhân dân và xã hội Hàn Quốc đã xây dựng trong gần 20 năm qua sẽ phần nào xoa dịu nỗi đau cho nhân dân Việt Nam, hướng đến một thế giới hòa bình mãi mãi".
Đoàn giao lưu thanh niên hòa bình Hàn-Việt sơn tường cho một trường tiểu học thuộc xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Tổ chức Nawauri
Chiến tranh đã đi qua, những nỗi đau mất mát sẽ không bao giờ nguôi. Nhưng phong trào ‘Thành thật xin lỗi Việt Nam’ sẽ là một nghĩa cử thay cho hàng triệu lời xin lỗi gửi tới người dân Việt Nam.
Hoàng Yến
loading...