loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 11/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 51.790.321 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 1.278.451 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 36.362.910 người.
Nhiều bệnh nhân sống sót sau khi mắc COVID-19 có nguy cơ cao mắc các bệnh về tâm lý. Đây là kết quả trong một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí The Lancet Psychiatry số ngày 9/11.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 245.785 ca tử vong trong số 10.557.763 ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với 127.615 ca tử vong trong số 8.635.754 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 162.842 ca tử vong trong số 5.701.283 bệnh nhân.
Người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ), ông Stephane Dujarric cho biết Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách lực lượng gìn giữ hòa bình, ông Jean-Pierre Lacroix có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 và đang tự cách ly ở Lisbon, Bồ Đào Nha, sau chuyến thăm Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách lực lượng gìn giữ hòa bình có mặt ở Lisbon trong một hội nghị về hòa bình và an ninh hôm 6/11. Ông Lacroix đã lên kế hoạch thăm CHDC Congo nhưng chuyến thăm đã bị hoãn.
Tại châu Âu, Bộ Y tế Pháp cho biết nước này đã ghi nhận tổng cộng 1.829.659 ca mắc, tăng 22.180 ca trong 24 giờ qua. Trong khi đó, số ca tử vong tại Pháp tăng 472 ca lên 42.207 ca.
Tình hình dịch bệnh ở Italy đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Viện trưởng Viện Y tế cao cấp Italy (ISS) Silvio Brusaferro cho biết hiện các đơn vị điều trị tích cực trong hệ thống bệnh viện ở nước này đang có nguy cơ quá tải do số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đang tăng mạnh. Tính đến sáng 11/11, Italy ghi nhận tổng cộng 995.463 ca mắc, trong đó 42.330 ca tử vong.
Tại châu Phi, Ủy ban giám sát khoa học về diễn biến của dịch COVID-19 tại Algeria cho biết, tính đến 17h ngày 10/11 (theo giờ địa phương), cơ quan chức năng nước này đã ghi nhận 753 ca nhiễm mới và 15 người tử vong. Đây là số ca nhiễm mới trong một ngày cao nhất từ khi dịch bùng phát ở Algeria, tăng mạnh so với 642 ca một ngày trước đó.
Số ca nhiễm mới COVID-19 cao kỷ lục trước đó ghi nhận ở Algeria là vào ngày 25/7, với 675 ca. Kể từ đó, dịch COVID-19 tại Algeria đã giảm dần, trước khi bắt đầu xu hướng tăng trở lại vào cuối tháng 10. Tính đến nay, quốc gia Bắc Phi này đã xác định 63.446 ca mắc và 2.077 người tử vong kể từ khi dịch bắt đầu vào tháng 2/2020.
Bộ Y tế Sudan thông báo Bộ trưởng Y tế Osama Ahmed Abdul Rahim và 2 quan chức cấp cao khác của bộ này có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Đến nay, Sudan đã ghi nhận tổng cộng 14.155 ca mắc, trong đó có 1.116 ca không qua khỏi.
Một báo cáo mới của LHQ cảnh báo nạn đói và sự di cư trên toàn cầu, vốn đã ở mức cao kỷ lục trước đại dịch, có thể “tăng vọt” khi những người di cư và những người phụ thuộc vào nguồn kiều hối đang cạn kiệt phải tìm việc làm để hỗ trợ gia đình của họ. Trong báo cáo “Nguy cơ với người dân: Những tác động của COVID-19 đối với nạn đói, di cư và ly tán”, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) kêu gọi cộng đồng quốc tế đẩy mạnh hỗ trợ ngay lập tức và tăng cường đáp ứng các nhu cầu nhân đạo.
Nguyễn Hằng - Quang Trường (TTXVN)
loading...