A+ A A- Kiểu đọc sách

Dịch COVID-19 ngày 9/11: Thế giới có 50.885.600 ca bệnh, 1.264,161 ca tử vong

22:39 09/11/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 9/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 50.885.600 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.264,161 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi bệnh là 35.870.903 người.

Dịch COVID-19: Thế giới sắp 'cán mốc' 50 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Dịch COVID-19: Thế giới sắp 'cán mốc' 50 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 7/11, toàn thế giới đã ghi nhận 49,8 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1,25 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 35,39 triệu người.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 243.797 ca tử vong trong tổng số 10.295.890 ca mắc - chiếm 1/5 tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Riêng trong tuần qua, số bệnh nhân mới tại Mỹ đã tăng tới 36% (tương đương 745.000 người) so với tuần trước đó.

Cuối ngày 8/11 (theo giờ Mỹ), Thống đốc bang Utah của nước này, ông Gary Herbert, đã ban bố tình trạng khẩn cấp mới nhằm khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện trong bối cảnh số bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nhập viện tăng mạnh. Thống đốc Herbert nhấn mạnh do tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 "đáng báo động" tại Utah, ông quyết định "ban bố tình trạng khẩn cấp mới kèm một số điều chỉnh quan trọng" trong giải pháp ứng phó tại bang này. Theo đó, toàn bang sẽ phải tuân thủ yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang cho tới khi có thông báo mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Salt Lake, bang Utah, Mỹ ngày 12/10/2020. Ảnh: Tribune/TTXVN

Đứng thứ hai thế giới và đứng đầu châu Á về số ca mắc là Ấn Độ, với 8.559.135 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 126.701 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 thế giới, nhưng đứng đầu khu vực Nam Mỹ, với 5.664.115 ca mắc và 162.397 ca tử vong. Đứng thứ 4 thế giới và đứng đầu châu Âu là Nga, với 1.796.132 ca mắc và 30.793 ca tử vong. Ngày 9/11, Nga ghi nhận thêm 21.798 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ. Đây là ngày mà Nga có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại quốc gia này hồi tháng 3/2020.

Cũng tại châu Âu, Viện dịch tễ Robert Koch của Đức ngày 9/11 công bố báo cáo cho biết 24 giờ qua, nước này có thêm 13.363 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca dương tính với SARS-CoV-2 ở nước này lên 671.868 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Đức cũng đã lên tới 11.352 ca, sau khi ghi nhận thêm 63 trường hợp trong 24 giờ qua.

Một trong những thông tin được quan tâm nhất trong ngày 9/11 là các hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Anh) thông báo thử nghiệm thành công giai đoạn ba trên người một loại vaccine phòng COVID-19l, với hiệu quả lên tới hơn 90%, đây cũng là giai đoạn thử nghiệm cuối đang được tiến hành.

Theo những kết quả sơ bộ, vaccine phát huy hiệu quả bảo vệ 7 ngày sau khi các tình nguyện viên được cho dùng liều thứ 2 và 28 ngày sau khi dùng liều thứ nhất. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng Pfizer, ông Albert Bourla, cho biết những kết quả đầu tiên thu được từ quá trình thử nghiệm đã bước đầu chứng minh khả năng ngăn ngừa COVID-19 của vaccine do 2 hãng phát triển. Ông Bourla cũng cho rằng kết quả trên đánh dấu bước tiến lớn tới mục tiêu cung cấp vaccine COVID-19 cho người dân trên toàn thế giới, mở đường tạo bước ngoặt "rất cần thiết" để chặn đứng cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này.

Cùng ngày, Tập đoàn y tế lớn nhất của Australia CSL cũng thông báo sẽ sản xuất vaccine phòng COVID-19 do hãng dược phẩm đa quốc gia AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford (Anh) phát triển trong bối cảnh loại vaccine này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

CSL dự kiến sẽ sản xuất 30 triệu liều vaccine trên tại nhà máy ở Broadmeadows, phía Bắc thành phố Melbourne. Nếu các thử nghiệm lâm sàng cho kết quả thành công, những liều vaccine đầu tiên sẽ được cung cấp vào nửa đầu năm 2021, ưu tiên dành cho người già và những thành viên dễ bị tổn thương trong cộng đồng cần được tiêm chủng sớm. Dự kiến, mỗi người dân Australia sẽ cần ít nhất hai liều  vaccine để có thể chống lại virus SARS-CoV-2. CSL tiết lộ các bước sản xuất vaccine sẽ bao gồm việc làm tan băng các tế bào vaccine và tái tạo chúng trong các lò phản ứng sinh học.

Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn kêu gọi thế giới tiếp tục duy trì cuộc chiến chống dịch COVID-19, cảnh báo trong khi thế giới dường như đã "mệt mỏi" vì dịch bệnh thì virus SARS-CoV-2 vẫn chưa hề "nản cuộc".

Phát biểu tại cuộc họp thường niên chính của Hội đồng Y tế thế giới (WHA), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo virus SARS-CoV-2 sẽ mạnh lên khi thế giới yếu đi. Điểm yếu trước virus không chỉ là sức khỏe yếu mà còn là bất bình đẳng, chia rẽ, phủ nhận cơ sở khoa học, những suy nghĩ chờ đợi sự may mắn và ngoan cố thờ ơ. Theo ông, virus là thứ không thể đàm phán cùng và cũng không thể nhắm mắt làm ngơ chờ đến lúc dịch bệnh kết thúc. Ông Tedros nhấn mạnh hy vọng duy nhất giúp đẩy lùi dịch bệnh là khoa học, các giải pháp và sự đoàn kết.

Phương Hoa - TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...