Người dân Bắc Kinh vô cùng lo ngại vì nạn ô nhiễm do khói mù
(Thethaovanhoa.vn) - Tình trạng ô nhiễm không khí ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc nghiêm trọng đến mức khói mù lan đến đâu, lập tức các tòa nhà cao tầng biến mất khỏi tầm mắt. Cư dân mạng nước này đùa rằng khói mù có khả năng "hô biến" các tòa nhà cao tầng ở Bắc Kinh.
- Không phải khói pháo, Trung Quốc đón ngày đầu Năm mới trong khói mù
- Người Trung Quốc pha trò để chống 'ác mộng khói mù'
Bầu trời mờ mịt với “những tòa nhà biến mất” thường được người dân Bắc Kinh dùng trong các câu chuyện phiếm hoặc trên mạng Internet.
Phải hứng chịu các đợt khói mù liên tục trong thời gian qua, nhiều người dân Bắc Kinh nhận ra rằng đó không còn là chuyện đùa nữa và tự hỏi rằng liệu có giải pháp nào để xử lý vấn đề này hay không hay họ sẽ phải chung sống với nạn ô nhiễm này đến hết phần đời còn lại.
Các tòa nhà cao tầng ở trong tình trạng "mờ nhân ảnh"
Một cư dân Bắc Kinh nói: ”Tôi bắt đầu cảm thấy bực mình sau khi phải hít thở không khí ô nhiễm như vậy quá lâu. Nhưng tôi có thể làm gì khác?”.
Bên cạnh đó, một clip đăng tải trên trang “Sina Weibo”, được hơn 10 triệu lượt xem và hơn 10.000 lượt like, đã mô tả người dân Bắc Kinh tương lai là những người mọc lông mũi dài để thích ứng với cuộc sống “khói mù”.
Clip này hô hào: “Nếu bạn không thay đổi khói mù, thì khói mù sẽ thay đổi bạn”. Trong khi đó, câu bình luận của một cư dân mạng được nhiều người hưởng ứng nhất như sau: “Đây không phải chuyện đùa… Đó là vùng đất chúng ta sinh sống… Tôi muốn được sống, chứ không phải là sống sót”.
Trước đó hôm 3/1, Trung Quốc đã ban bố cảnh báo đỏ lần đầu tiên ở cấp độ quốc gia về sương mù do tình trạng ô nhiễm không khí nặng, trong đó nhiều thành phố ở miền Bắc Trung Quốc trên thực tế hoàn toàn chìm trong sương mù.
Do tầm nhìn hạn chế, chính quyền Bắc Kinh ngày 4/1 đã đóng cửa nhiều đường cao tốc, trong đó gồm cả đường cao tốc Vành đai 6, và ngừng các dịch vụ tại sân bay của thủ đô. Hàng trăm chuyến bay đến và đi từ Bắc Kinh đã bị hủy hoặc hoãn. Thành phố cũng đóng cửa một số nhà ga tàu điện ngầm, hạn chế lượng hành khách lưu thông, chỉ thị cho các tàu điện ngầm chạy chậm để đảm bảo an toàn.
Trên mạng “WeChat”, ngoài những hình ảnh cho thấy các thành phố bị sương mù “tấn công”, thì những lời kêu gọi bỏ trốn khỏi các thành phố này ngày càng phổ biến.
Theo giới chuyên gia, khói mù sẽ thay đổi sâu sắc xã hội Trung Quốc trên nhiều phương diện. Trong bình luận công khai trên mạng “caixin.com”, Giáo sư Đại học Bắc Kinh Wang Dingding nhận định rằng người dân trước hết sẽ chuyển tới các thành phố nhỏ hơn nếu môi trường tiếp tục bị hủy hoại, trong khi tầng lớp trung lưu và thu nhập cao của Trung Quốc sẽ tìm cách di cư ra nước ngoài.
Sương mù dày đặc bao trùm sân bay quốc tế Bắc Kinh ngày 4/1/2017. Ảnh: EPA/TTXVN
Bình luận này được một bài báo trên mạng “thepaper.cn” hưởng ứng, trong đó mô tả khói mù đã thay đổi cuộc đời của 3 bà mẹ như thế nào: một người rời bỏ thủ đô để tới Tây Nam Trung Quốc sinh sống, người thứ hai trang bị cho nhà của mình các tấm lọc không khí và nói rằng “Nỗi lo lớn nhất của tôi là con tôi không được hít thờ thoải mái”, trong khi người thứ 3 thì trở thành nhà hoạt động môi trường tích cực.
Trước đó, trên mạng xuất hiện một đoạn video ghi lại toàn cảnh khói mù ở Bắc Kinh. Chỉ số chất lượng không khí (chỉ số đo mức độ ô nhiễm) ở mức hơn 400 vào thời điểm video được quay, trong khi chỉ số từ 300 trở lên đã bị Mỹ đánh giá là nguy hiểm.
Đoạn video được Chas Pope, một người Anh đang làm việc tại Trung Quốc, quay và đăng lên mạng xã hội Twitter.
Hiện nay, thủ đô Bắc Kinh đang được đặt ở mức cảnh báo da cam về ô nhiễm không khí, mức cảnh báo cao thứ hai trong thang cảnh báo 4 mức tại Trung Quốc.
TTXVN/Lương Tuấn