loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Vụ thử hạt nhân lần thứ sáu của CHDCND Triều Tiên sáng 3/9, sau hàng loạt lần dọa dẫm với tên lửa khác, được tờ Business Insider (Mỹ) đánh giá mang theo kỳ vọng đặc thù của Bình Nhưỡng.
Có thể thấy rõ rằng, Triều Tiên không hề biểu hiện e dè trước các ngôn từ của Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc cảm thấy đè nén bởi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Điều quan trọng hiện nay là tìm ra được điều Triều Tiên theo đuổi khi đi theo con đường hạt nhân tốn kém, nhiều rủi ro và vi phạm nguyên tắc ngoại giao.
Đối với băn khoăn này, có rất ít dữ liệu đáng tin cậy. Nhưng nhận ra được điều mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhắm tới là cần thiết để tìm cách phản ứng với cuộc thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng.
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên được khởi động từ đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước và thường được coi là phương tiện đe dọa để lấy hỗ trợ tài chính và vật liệu. Thỏa thuận Khung được thống nhất giữa Mỹ và Triều Tiên năm 1994 tại Geneva (Thụy Sĩ) được nhằm để giải quyết khủng hoảng này.
Nhưng tốc độ và sự thành công của những cuộc thử nghiệm khác nhau trong thời gian qua cho thấy chương trình hạt nhân của Triều Tiên không phải là luyện tập để "gây quỹ". Kinh tế Triều Tiên không còn “dễ vỡ” như trong thập niên 1990.
Khác với điều Triều Tiên thường nỗ lực thể hiện, điều thực sự mà nước này theo đuổi cũng giống như mọi quốc gia khác. Trên tất cả, ông Kim Jong-un muốn nắm trong tay vũ khí hạt nhân để tăng cường an ninh quốc gia.
Vũ khí hạt nhân được coi như tấm vé đảm bảo tuyệt đối. Triều Tiên cho rằng Iraq và Libya bị tác động thay đổi chính quyền bởi không thể đối trọng được với Mỹ và các quốc gia hùng mạnh khác.
Bởi Triều Tiên luôn coi Mỹ và các nước đồng minh là đe dọa tiềm tàng vì vậy vũ khí hạt nhân được Bình Nhưỡng tin cậy là cách duy nhất để tự bảo vệ. Triều Tiên có lực lượng vũ trang khá lớn, với gần 1,2 triệu người nhưng các thiết bị quân sự của nước này đã lỗi thời và hoàn toàn bị lép vế trong trường hợp đối đầu với Mỹ hoặc Hàn Quốc.
Vũ khí hạt nhân vì vậy được coi là cách để tối đa hóa cơ hội tồn tại của chính quyền đương nhiệm Triều Tiên trong môi trường quốc tế mà Bình Nhưỡng coi là thù địch.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nhấn mạnh rằng vũ khí hạt nhân là trọng tâm của Triều Tiên dưới sự dẫn dắt của ông. Do vậy hiến pháp Triều Tiên được bổ sung năm 2012 đã miêu tả Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.
Đây được coi là thông điệp rõ ràng không chỉ về việc sở hữu vũ khí hạt nhân mà còn về vai trò chính trị của Triều Tiên.
Do vậy, dường như mục tiêu về Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân là điều bất khả thi khi ông Kim Jong-un vẫn nắm quyền lãnh đạo.
Mỹ chỉ có nhiều nhất là 14 phút để đánh chặn nếu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Triều Tiên tấn công đảo Guam trên Thái Bình Dương.
Việc thay đổi chính quyền hoặc nỗ lực ép buộc Tiều Tiên sẽ có nguy cơ gây nhiều thương vong và không có gì đảm bảo rằng biện pháp này có thể thành công.
Giải pháp được cho tối ưu hiện nay là đàm phán để Triều Tiên đồng ý ngưng chương trình hạt nhân và tên lửa.
Theo Báo Tin Tức - TTXVN
loading...