loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Mỹ chỉ có nhiều nhất là 14 phút để đánh chặn nếu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Triều Tiên tấn công đảo Guam trên Thái Bình Dương.
Vậy hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và các đồng minh sẽ vận hành và phối hợp với nhau như thế nào để giải quyết được tình thế cấp bách trên? Giữa tháng 8 vừa qua, Triều Tiên và Mỹ đã có màn đấu khẩu gay gắt, đỉnh điểm với lời đe dọa từ Bình Nhưỡng sẽ dùng tên lửa đạn đạo các căn cứ quân sự trên đảo Guam của Washington. Không chỉ dùng lời nói mà dường như Triều Tiên đang từng bước thực hiện kế hoạch của mình. Ngày 29/8, Triều Tiên bất ngờ phóng một quả tên lửa bay qua vùng lãnh thổ Nhật Bản, cùng cung đường tên lửa phóng tới Guam. 5 ngày sau, Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân lần thứ 6, dấy lên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng thế giới và thêm những lời đe dọa cứng rắn từ Mỹ.
Trong bối cảnh Bình Nhưỡng ngày càng mạnh bạo trong chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân, Mỹ và các đồng minh phải thực sự nghiêm túc cân nhắc lựa chọn phương án bắn hạ tên lửa.
Một khi xác định nhằm bắn, dù kết quả như thế nào thì Mỹ và đồng minh cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ lớn. Nếu như thành công đánh chặn tên lửa Triều Tiên, chính quyền của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ cảm thấy bị bẽ mặt và từ đó có thể khiến tình hình leo thang theo một hướng khác. Còn nếu thất bại, thì độ tin cậy của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ bị nghi ngờ, và như thế Triều Tiên lại càng bạo gan hơn.
Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) vừa công bố đoạn video cho thấy khi bị tên lửa Triều Tiên tấn công, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và đồng minh sẽ vận hành như thế nào để giúp Guam khỏi bị phá hủy.
Theo CSIS, khi Triều Tiên triển khai phóng tên lửa nhằm vào Guam, Mỹ sẽ dùng các vệ tinh như Chương trình Hỗ trợ Phòng thủ hay hệ thống tia hồng ngoại đặt trên quỹ đạo, dò tìm các tín hiệu dựa trên nhiệt độ của tên lửa. Các vệ tinh này sau đó gửi dữ liệu về cho hệ thống radar trên mặt đất như TPY-2 X-band tại Nhật Bản và Hàn Quốc – những hệ thống sẽ theo dõi tên lửa với mức độ chính xác lớn hơn.
Trong khi đó, các tàu chiến có trang bị hệ thống phòng thủ Aegis BMD cũng vào vị trí để dõi theo đường bay của tên lửa. Đường bay của tên lửa từ Triều Tiên tới Guam sẽ phải đi qua khu vực phía Nam Nhật Bản. Tên lửa sẽ bay qua phía Nam Hiroshima ở độ cao 700 km.
Khi đó, nếu như Mỹ xác định quả tên lửa đó là một mối đe dọa với đảo Guam, họ sẽ dùng một loạt các hệ thống phòng thủ đánh chặn tên lửa, bao gồm tên lửa tiêu chuẩn 3 phóng từ tàu khu trục lớp Arleigh Burk hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) phóng từ mặt đất lắp đặt sẵn ở Guam. Theo lịch sử thử nghiệm, cả hai hệ thống đều ghi nhận kết quả tốt nhưng chưa một lần nào được sử dụng trong tình huống tác chiến bắn hạ tên lửa đạn đạo.
Triều Tiên sử dụng TEL để vận chuyển một tên lửa đạn đạo và dựng tên lửa theo phương thẳng đứng nhằm tránh vệ tinh do thám.
Trong khi Triều Tiên tuyên bố tên lửa nước này chỉ cần 17 phút để có thể đến Guam thì một số quốc gia khác lại cho rằng khoảng thời gian sẽ ngắn hơn, chỉ còn 14 phút, phụ thuộc vào đường bay của tên lửa. Nếu đường bay tên lửa là một đường võng cao, tên lửa cần khoảng thời gian lâu hơn để bay cao lên, trong khi đường bay nông hơn thì sẽ cần ít thời gian và độ cao cũng thấp hơn. Tên lửa đánh chặn của Aegis hoặc THAAD theo thiết kế sẽ phóng gần tới mục tiêu khi tên lửa quân địch đang ở điểm cao nhất của đường bay hoặc trên đường hạ xuống. Tất cả điều này sẽ buộc các nhà quân sự sau khi phân tích dữ liệu phải xác định được đường bay của tên lửa đang nhắm tới rồi lựa chọn phương án hành động.
Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
loading...