Máy bay siêu thanh đời mới gấp đôi tốc độ của Concorde
(TT&VH) - Một chuyến bay tương lai từ London (Anh) tới Tokyo (Nhật Bản) sẽ chỉ mất 2 giờ đồng hồ. Đó là điều chiếc máy bay siêu thanh tương lai hoàn toàn có thể làm được, nếu xét tới những thông tin kỹ thuật chi tiết về nó mà người ta mới hé lộ. Nhưng để chào đón sự ra đời của chiếc máy bay đặc biệt này, nhân loại phải chờ thêm tối thiểu 40 năm nữa.
Trong khuôn khổ Triển lãm hàng không Paris, EADS, chủ sở hữu hãng sản xuất máy bay phản lực thương mại Airbus, đã cho dư luận biết đôi nét về tương lai của máy bay chở khách siêu thanh, vốn đã lặng sóng sau khi các máy bay Concorde bị các hãng hàng không loại bỏ.
Hậu duệ của Concorde
Chiếc máy bay mới được gọi với cái tên dài loằng ngoằng ZEHST, tức Phương tiện vận tải Siêu thanh Không khí thải độc hại. Nó được thiết kế để hoạt động ở tốc độ khoảng 5.029km/h, cao hơn 4 lần âm thanh (Mach 4), tức là nhanh gấp đôi tốc độ của máy bay Concorde (trung bình chỉ đạt Mach 2) và ở độ cao xấp xỉ 30km, tức tại tầng bình lưu. Đây là độ cao rất lớn, nếu so với việc máy bay thương mại thông thường chỉ hoạt động từ độ cao 10 - 12km.
Chiếc máy bay mới được đánh giá sẽ là hậu duệ xứng đáng
của máy bay chở khách siêu thanh Concorde
Nó được trang bị 3 loại động cơ, gồm động cơ phản lực thông thường, động cơ ramjet (động cơ dùng lực tiến cao tốc để nén luồng không khí đi vào mà không dùng máy nén khí) và động cơ tên lửa dùng nhiên liệu được làm lạnh. Chiếc máy bay sẽ cất cánh từ sân bay tiêu chuẩn, bằng động cơ phản lực thông thường. Khi lên tới độ cao khoảng 3km, động cơ tên lửa của nó sẽ được kích hoạt để đưa máy bay lên tầng bình lưu trong khoảng vài phút. Tới đây, đến lượt động cơ ramjet sẽ đi vào hoạt động để máy bay đạt tốc độ Mach 4. Cuối cùng, máy bay sẽ giảm dần độ cao và đi trở lại vào bầu khí quyển theo phương pháp hoạt động của tàu lượn. Các động cơ phản lực thông thường tiếp tục được dùng một lần nữa để giúp máy bay hạ cánh an toàn.
EADS nói rằng tất cả các động cơ được nêu ra đều đã tồn tại nên chiếc máy bay của họ không quá xa vời với thực tế. "Đây không phải một chiếc Concorde, nhưng nó giống như Concorde, cho thấy hình dáng khí động học của máy bay siêu thanh trong những năm 1960 đã rất thông minh" - Jean Botti, giám đốc công nghệ và sáng tạo ở EADS, cho biết - "Chúng tôi đã làm việc trên dự án này đủ lâu để hiểu rằng nó có thể thành hiện thực".
Ở tốc độ hành trình vô cùng cao đã nói ở trên, ZEHST, có thể bay từ London tới Malaga ở phía Nam Tây Ban Nha trong 20 phút, tới Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ trong 30 phút và tới phía Đông bờ biển Mỹ trong 1 giờ. Nó sẽ giảm bớt 9 tiếng trong thời gian bay từ London tới Tokyo, trong khi để đi từ London tới Sydney, Australia, sẽ chỉ mất vỏn vẹn 3 tiếng rưỡi đồng hồ.
Việc máy bay không ở trong bầu khí quyển sẽ khiến nó không tạo ra những tiếng nổ âm thanh lớn khó chịu như Concorde đã từng gây ra. Không giống máy bay thông thường, ZEHST sử dụng nhiên liệu sinh học làm từ tảo biển, khí hydro và oxy, khiến nó sẽ trở thành một trong những chiếc máy bay thân thiện với môi trường nhất. EADS tính toán rằng hành khách chỉ phải chịu lực tác động gia tốc khoảng 1,2G, nghĩa là không gây bất cứ sự khó chịu nào cho họ.
Tốc độ không nói lên tất cả
Chiếc máy bay có khả năng chở từ 50-100 khách, nhưng số lượng hành khách dao động lớn nhỏ sẽ phụ thuộc vào giới hạn công nghệ, thay vì ý kiến mang tính quyết định từ các hãng hàng không. Hiện tất cả ý tưởng về ZEHST mới chỉ dừng ở mức bản vẽ thiết kế. Nhưng EADS bày tỏ tham vọng sẽ có một phiên bản trưng bày mẫu vào năm 2020 và đưa chiếc máy bay vào hoạt động thương mại trong năm 2050.
Hình ảnh minh họa do EADS đưa ra về chiếc ZEHST tương lai
Tuy nhiên các chuyên gia đã lập tức tập trung vào sự hạn chế trong khả năng chở người của ZEHST để chỉ trích. David Kaminski-Morrow, biên tập viên vận tải hàng không tại báo Flight International, đánh giá: "Đây vẫn chỉ là một phương tiện bay thử nghiệm. Nhưng nó nằm trong khả năng của con người và công nghệ cũng đã sẵn sàng. Sự khó khăn duy nhất là khía cạnh kinh tế khi đưa một dạng máy bay hoàn toàn mới vào hoạt động. Sẽ phải mất tiền tỉ để đưa nó ra khỏi bản vẽ và nhiều tỉ khác để bay lên bầu trời. Nhưng liệu có ai muốn bỏ một đống tiền chỉ để cho ra đời một chiếc máy bay không có khả năng chở theo quá nhiều hành khách?"
Nhà bình luận Simon Calder của tờ Independent thì cho rằng tốc độ của ZEHST là thế mạnh, nhưng nó không phải yếu tố mang tính quyết định tất cả trong giao thông hàng không. "Con trai của Concorde à? Phải nói đây là chắt của Concorde mới đúng, nếu biết rằng chiếc máy bay siêu thanh chở khách đầu tiên dựa trên công nghệ của những năm 1950 và ZEHST thì chưa có kế hoạch bay lượn trên trời cho tới tận một thế kỷ sau" - ông nói -"Nhưng nếu chiếc máy bay này ra đời và bạn còn sống, đủ độ giàu có và thích bay mạo hiểm, cũng đừng vội khi bước lên nó. Tốc độ của ZEHST nghe rất quyến rũ. Nhưng người ta nên có các giải pháp mang thích thực dụng và rẻ tiền hơn để cải thiện chất lượng giao thông hàng không, như việc triển khai sóng Wifi trên máy bay hoặc đưa giường cỡ lớn lên khoang hạng nhất cho những hành khách có điều kiện. Đó mới là các cải tiến cần thiết trong hoạt động giao thông hàng không".
Gia Bảo