Lỗi kỹ thuật, sự tắc trách hay khủng bố đã khiến máy bay Nga rơi ở Ai Cập?
(Thethaovanhoa.vn) - Sau khi chiếc máy bay của hãng Kogalymavia bị rơi ở Sinai, Ai Cập, trong ngày 31/10 làm 224 hành khách thiệt mạng, một trong những điều khiến dư luận quan tâm nhất là vì đâu nó gặp nạn?
- VIDEO: Đã tìm thấy hộp đen máy bay gặp nạn ở Ai Cập
- Máy bay Nga rơi: Ít khả năng có người sống sót; Nga tuyên bố quốc tang
- Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi điện chia buồn vụ tai nạn máy bay của Nga
- CẬP NHẬT Máy bay Nga rơi tại Ai Cập: Tìm thấy 5 thi thể và 'có tiếng kêu cứu' từ xác máy bay
Chiếc máy bay Airbus A321, do hãng hàng không Kogalymavia của Nga điều hành, đang bay từ resort Sharm el-Sheikh nằm ở bán đảo Sinai của Ai Cập, tới St Petersburg của Nga, khi nó rơi xuống một khu vực nhiều đồi núi ở miền Trung Sinai.
Xác chiếc máy bay nhanh chóng được tìm ra sau đó. Giới chức an ninh tại hiện trường nói với hãng tin Reuters qua điện thoại rằng các đội tìm kiếm và cứu nạn có nghe thấy tiếng nói phát ra từ một đoạn xác máy bay.
"Giờ tôi đang chứng kiến một khung cảnh kinh hoàng. Rất nhiều người chết nằm trên mặt đất. Nhiều người khác thiệt mạng trong khi vẫn được dây bảo hiểm buộc chặt vào ghế ngồi" - vị quan chức đề nghị giấu tên cho biết - "Chiếc máy bay gãy đôi, với một phần nhỏ ở phía đuôi đã bị cháy và phần lớn hơn thì lao vào vách đá. Chúng tôi đã đưa ra ít nhất 100 thi thể và số còn lại vẫn đang nằm trong đống đổ nát."
Thủ tướng Ai Cập Sherif Ismail đã lập tức tới hiện trường cùng vài vị bộ trưởng trong nội các để điều hành công tác xử lý vụ tai nạn.
Khó có khả năng bị khủng bố
A321 là một chiếc máy bay chở khách tầm trung thuộc họ máy bay A320. Chiếc máy bay có 185 chỗ ngồi, đã đi hoạt động từ năm 1994. Hiện trên thế giới có hơn 1.100 chiếc máy bay này đang hoạt động. Thành tích an toàn của họ máy bay A320 rất tốt. Đây là chiếc máy bay được tự động hóa cao và nó dựa nhiều vào máy tính để giúp các phi công có một chuyến bay an toàn.
Vụ tai nạn diễn ra hôm 31/10 là lần thứ ba máy bay thuộc họ A320 bị rơi trong thời gian khoảng một năm trở lại đây. Trước đó, một chiếc A320 của hãng AirAsia, mang số hiệu QZ8501, đã bị rơi tại biển Java vào tháng 12 năm ngoái, khiến 155 hành khách và 7 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Tháng 3 năm nay, một chiếc Airbus A320 khác thuộc hãng Germanwings đã gặp tai nạn tại Pháp, khi đang bay từ Barcelona (Tây Ban Nha), tới Dusseldorf (Đức). Airbus tuyên bố hãng không có thông tin độc lập từ vụ rơi máy bay mới nhất và đã từ chối bình luận về chiếc máy bay bị tai nạn.
Được biết chiếc máy bay đã cất cánh vào lúc 5h51 sáng (theo giờ Cairo) và biến mất khỏi màn hình rađa chỉ 23 phút sau đó. Theo Bộ Hàng không dân dụng Ai Cập, chiếc máy bay đang ở độ cao hành trình 9.400 mét khi nó biến mất khỏi màn hình rađa.
Việc máy bay gặp tai nạn khi đang hoạt động ở độ cao hành trình là chuyện rất hiếm gặp, thường gây ra con số người chết lớn nhất. Hãng Boeing cho biết, kể từ năm 2005, các vụ như thế này chỉ chiếm 13% số vụ tai nạn máy bay gây chết người, nhưng tới 27% con số thương vong.
Hiện chưa rõ nguyên nhân nào khiến chiếc A321 gặp nạn. Sinai là nơi diễn ra nhiều hoạt động phiến loạn, của những tay súng ủng hộ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Phiến quân đã sát hại hàng trăm binh lính và cảnh sát Ai Cập . Mấy tháng gần đây, chúng cũng tấn công các mục tiêu phương Tây.
Trong khi đó, Nga đã tiến hành các cuộc không kích chống lại nhiều mục tiêu của IS ở Syria. Tuy nhiên, nguồn tin an ninh Ai Cập nói rằng không có dấu hiệu cho thấy chiếc máy bay đã bị bắn rơi hoặc nổ tung giữa trời.
Khả năng lỗi kỹ thuật
Phi công Ayman Al-Mokadem, người lãnh đạo một ủy ban giám sát hậu quả vụ tai nạn máy bay, đã cho rằng lỗi kỹ thuật có thể gây ra thảm họa. Ông nói rằng phi công đã cảm thấy có sự cố và đã báo với cơ quan điều phối hàng không rằng muốn được hạ cánh ở sân bay gần nhất. Theo ông, chiếc máy bay dường như đã bị rơi khi phi công cố gắng hạ cánh tại sân bay Al-Arish ở Bắc Sinai.
Reuters dẫn nguồn trang web theo dõi máy bay FlightRadar24 nói rằng chiếc máy bay của Kogalymavia đã giảm độ cao nhanh, khoảng 2.000 mét mỗi phút, trước khi mất hoàn toàn tín hiệu. Bộ trưởng Bộ Hàng không dân dụng Ai Cập Hossam Kamal tuyên bố vẫn còn quá sớm để phỏng đoán nguyên nhân tai nạn.
Về phần mình, Ủy ban điều tra Nga đã mở cuộc điều tra hình sự nhằm vào công ty Kogalymavia liên quan tới vụ tai nạn. Cơ quan điều tra sẽ tìm hiểu xem công ty có vi phạm các quy định hàng không và hoạt động chuẩn bị nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến bay hay không.
Tường Linh (Tổng hợp)